Thuốc ở phố đông y lớn nhất HN chứa chất gây ung thư?

15/08/2011 06:37
Kết quả kiểm tra 2 sản phẩm dược liệu chính tại chợ Ninh Hiệp và phố Lãn Ông cho thấy, Trong số 57 mẫu chi tử có đến 27 mẫu có chứa chất phẩm màu Rhodamine B.

Kết quả kiểm tra 2 sản phẩm dược liệu chính tại chợ Ninh Hiệp và phố Lãn Ông của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy: Trong số 57 mẫu chi tử có đến 27 mẫu có chứa chất phẩm màu Rhodamine B (hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư).

Chợ thuốc Lãn Ông – chợ thuốc đông y lớn nhất Hà Nội có hàng trăm mặt hàng khác nhau. Tuy phong phú là vậy nhưng thực tế nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng các loại thuốc bày bán ở đây hiện vẫn đang bị thả nổi.

Gi gỉ gì gi, cái gì cũng có

Đến phố Lãn Ông (Hà Nội), khách hàng có thể tìm mua được tất cả những gì mình cần, nếu muốn điều trị bệnh bằng thuốc đông y bởi hàng hóa ở đây rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, với một bệnh có hàng chục bài thuốc khác nhau (và ngược lại, một bài thuốc lại có thể áp dụng cho nhiều người bệnh khác nhau).

Khi hỏi thuốc đông y dành cho trẻ biếng ăn, ngoài các thuốc phổ biến như cam hàng bạc, chủ một cửa hàng thuốc đông y trên phố Lãn Ông còn giới thiệu khá nhiều các loại khác với công dụng tương tự, khiến người mua bị “nhiễu loạn”.

Cảnh mua bán thuốc đông y tấp nập trên phố Lãn Ông (Ảnh: N.Anh)
Cảnh mua bán thuốc đông y tấp nập trên phố Lãn Ông.
Tại đây, ngoài các loại thuốc bổ thông thường thì bày bán nhiều nhất hiện nay phải kể đến các loại thuốc đông y “bổ thận tráng dương, tăng cường chức năng sinh lý” cho đàn ông.

Nếu đụng đến đúng “chỗ ngứa” này, khách hàng sẽ được chủ cửa hàng “tiếp thị” nhiệt tình với những công dụng nghe rất hấp dẫn (dù chủ không phải là thầy thuốc, không có chuyên môn về dược và các loại bệnh).

“Nếu dùng đông trùng hạ thảo thì chồng em sẽ hết xuất tinh sớm, ham muốn cũng tăng trở lại. Đây là loại thuốc được khẳng định là quý nhất trên thế giới, được lấy từ vùng cao nguyên Thanh Tạng (thuộc Tây Tạng, Trung Quốc) nên có thể yên tâm về chất lượng”, vị chủ cửa hàng quảng cáo.

Thấy khách còn băn khoăn, chị nhanh nhẹn lấy một mặt hàng khác rồi giới thiệu: “Nếu không thích đông trùng hạ thảo, có thể sử dụng bìm bịp, tắc kè, cá ngựa hay sao biển cũng được. Về ngâm rượu trong 6 tháng, uống 1 chén trước bữa ăn thì chỉ trong 1 tuần là có thể “mạnh” ngay lên được”.

Thấy khách tỏ ra “lăn tăn” và thắc mắc về việc các gói thuốc đều được bọc trong những túi bóng trắng trơn, không ghi nguồn gốc xuất xứ, không được bảo quản cẩn thận để tránh ẩm mốc, chủ cửa hàng nhanh nhảu đáp: “Chị nhập về cả lô, mỗi loại đến cả tạ, phải san nhỏ ra để giới thiệu với khách. Em mua bao nhiêu cũng có cả”.

Tràn lan thuốc đông y nguồn gốc Trung Quốc

Quan sát ở các cửa hàng này, có thể thấy lượng người mua lẻ thuốc tương đối đông, trong đó đối tượng mua buôn cũng không phải ít.

Đúng như lời của chủ cửa hàng, khi khách có nhu cầu mua buôn với số lượng lớn, chủ cửa hàng thường gọi người mang hàng trong kho ra, muốn mua bao nhiêu cũng có đủ.

Trong đó, đáng chú ý là có nhiều bao bì thuốc có nhãn mác ghi bằng tiếng Trung Quốc.
Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện các địa điểm kinh doanh thuốc đông y trôi nổi, chủ yếu được nhập lậu về từ Trung Quốc (Ảnh minh họa: Lao động)

Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện các địa điểm kinh
doanh thuốc đông y trôi nổi, chủ yếu được nhập lậu về từ
Trung Quốc (Ảnh minh họa: Lao động)

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua những lần kiểm tra, thanh tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc đông y ở chợ thuốc Lãn Ông, chủ kinh doanh thường cho biết họ mua dược liệu từ Ninh Hiệp – làng làm thuốc đông y rất lớn. Và chủ yếu các loại dược liệu này lại được người dân làng nghề Ninh Hiệp nhập về từ Trung Quôc!

Ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết: “Thuốc đông y Việt Nam thật thường không đáng lo, vì lợi nhuận thấp, số lượng không đáng bao nhiêu nên không có các cách “làm trò” nguy hiểm. Nhưng với thuốc Trung Quốc thì cần phải cảnh giác”.

Theo ông Hướng, sở dĩ cần cảnh giác với thuốc đông y Trung Quốc là vì họ thường trộn lẫn tân dược với đông dược gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc đông y của Trung Quốc thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ dàng gây ra các loại bệnh mãn tính nguy hiểm cho người dùng (như gan, thận, tim mạch, vv …)

Tuy tác hại là vậy nhưng hiện nay, theo ông Hướng, có tới 90% thuốc đông y bày bán tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và đến nay Việt Nam chưa thể kiểm soát được chất lượng các mặt hàng này.

Thuốc đông y chứa chất gây ung thư!

Cuối năm 2009, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã tiến hành lấy mẫu nhiều sản phẩm thuốc đông y trên thị trường, đặc biệt tại 2 đầu mối cung cấp thuốc đông y ở Hà Nội là chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) và phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm), tập trung vào 2 sản phẩm dược liệu chính là hồng hoa và chi tử.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: Trong số 57 mẫu chi tử được kiểm nghiệm có đến 27 mẫu (chiếm hơn 50%) có chứa chất phẩm màu rhodamine B, với các hàm lượng khác nhau. Rhodamine B là hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư.

Ngoài các mẫu do Viện trực tiếp lấy, thời gian qua rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc đông y cũng đã gửi mẫu dược liệu hồng hoa, chi tử đến Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương để kiểm nghiệm chất lượng.

Qua kiểm nghiệm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, tỷ lệ mẫu chi tử có chứa chất phẩm màu rhodamine B chiếm tỷ lệ khá cao.

Chỉ tính riêng tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, số mẫu dược liệu, đông dược được kiểm nghiệm có chứa những chất không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng chiếm tỷ lệ trung bình từ 8-10%. Nhiều sản phẩm đông dược có chứa tân dược như corticoid (giảm đau), chlopheniramin (chống dị ứng), paracetamol (hạ sốt)... rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Sau khi Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế có Công văn thông báo về việc phát hiện nhiều dược liệu chi tử có chứa chất nhuộm màu rhodamine B, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc Hà Nội tăng cường việc lấy mẫu chi tử trên thị trường để kiểm nghiệm chất lượng, phối hợp với Thanh tra Sở xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu hồi nhiều mẫu chi tử ở Ninh Hiệp, Lãn Ông có chứa chất rhodamine B.

Tuy nhiên, do hầu hết các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nên số lượng sản phẩm vi phạm bị thu hồi rất ít và tình trạng chất lượng thuốc đông y hiện vẫn bị thả nổi.

Tràn lan thuốc đông y giả, nhập lậu

Ngày 29/9/2009, Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận Bình Thạnh (TP HCM) kiểm tra nhà thuốc Nam Sanh (320 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), phát hiện một lượng lớn đông dược Trung Quốc lên đến 25 thùng hàng, gồm các loại như thuốc chữa thận dương hư, bổ tỳ hoàn... không có hoá đơn, đăng ký chất lượng sản phẩm và nhãn hiệu hàng hoá.

Đặc biệt, tại đây còn có 13 thùng chứa bao bì, hộp thuốc các loại. Chủ nhà thuốc thừa nhận đã mua dược liệu không có chứng từ - chủ yếu là hàng Trung Quốc bán tại quận 5, sau đó tự in bao bì và đóng gói.

Cùng thời điểm trên, tại khu vực Chợ Lớn, Đội QLTT quận 5 cũng đã phát hiện một kho chứa thuốc, đông dược nhập lậu khi kiểm tra nhà thuốc y học cổ truyền Vạn Hưng (25 đường Hải Thượng Lãn Ông).

Địa điểm này không chỉ là nơi kinh doanh thuốc mà còn là kho chứa thuốc đông dược với lượng hàng cơ quan chức năng thu giữ lên đến gần 55.000 viên, chai, lọ mang nhãn hiệu Trung Quốc, Hồng Kông.

Cũng khu vực này, Đội QLTT 5B còn phát hiện thêm một kho chứa thuốc đông dược trôi nổi, với số lượng khá lớn tại nhà thuốc y học cổ truyền tư nhân Lâm Vĩnh Hưng (144 đường Hải Thượng Lãn Ông).

Tại đây, lực lượng QLTT đã niêm phong và thu giữ tổng cộng 13.083 hộp sản phẩm đông dược, trong đó có 327.704 viên thuốc, 4.980 chai, hộp và 60.000 gói thuốc. Đặc biệt có rất nhiều sản phẩm đã quá hạn sử dụng. Qua kiểm tra bước đầu cho thấy, lượng thuốc đông dược trên có dấu hiệu nhập lậu từ Trung Quốc, được mua trôi nổi.

Theo Vietnamnet

{iarelatednews articleid='10651,10377,9338,6760,5846,3210,3210,2121,557'}

alt