Bệnh chân tay miệng đã thành dịch lớn

15/08/2011 23:50
(GDVN) - Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam và chỉ đạo biện pháp phòng chống.

(GDVN) - Ngày 15/8 tại TPHCM, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam và chỉ đạo biện pháp phòng chống dịch bệnh dịp đầu năm học.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và chưa có vắc xin phòng ngừa. Tính đến tháng 8/2011, cả nước có hơn 32.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 95% bệnh nhi mắc bệnh dưới 3 tuổi và đã có 81 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh và tử vong tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh và cần nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân, đặc biệt việc chăm sóc vệ sinh tay chân miệng cho trẻ nhỏ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra đến 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông, phòng dịch và điều trị để có những biện pháp phòng chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Trẻ em đang là đối tượng dễ mắc các bệnh TCM, SXH
Trẻ em đang là đối tượng dễ mắc các bệnh TCM, SXH

Cùng ngày, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các sở - ngành và UBND các quận - huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM và SXH nhằm chống lây lan trong cộng đồng, nhất là vào thời điểm năm học mới 2011-2012.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND các quận - huyện kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra hoạt động vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần tại các nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh TCM, SXH để nhanh chóng cách ly điều trị, không để lây lan.

Năm học mới đang cận kề, học sinh trở lại trường lớp nên việc đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh các bệnh dịch lây lan đang được đặt lên hàng đầu. Trong khi dịch bên chưa có dấu hiệu thuyên giảm nên UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong các trường học.

Các sở liên quan cần tăng cường tuyên truyền giáo dục và thực hiện việc rửa tay thường xuyên đối với trẻ và người chăm sóc trẻ. Thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần khu vực sinh hoạt của trẻ, dụng cụ và đồ chơi của trẻ bằng hóa chất có tác dụng diệt khuẩn. Tổ chức giáo dục cho học sinh hiểu và biết cách phòng chống bệnh TCM và bệnh SXH; tổng vệ sinh vào ngày chủ nhật cuối tháng để phát quang môi trường chung quanh nhà, trường học…

TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết, hiện TPHCM là địa phương có số lượng người mắc bệnh cao nhất trong khu vực phía Nam với 7.025 ca, kế đến là Đồng Nai 3.413 ca và Đồng Tháp 2.015 ca.

{iarelatednews articleid='9875,9779,9691,8974,6920,6180,6056,5443,4856,4673,4227,4216,4204,3886,3796,3716,3443'}

Minh Trung