"Đường lưỡi bò" phi lý

Nhìn lại sự leo thang của Trung Quốc làm 'nổi sóng' Biển Đông

23/01/2013 12:47
Nguyễn Văn Toàn/Đại Đoàn Kết
Những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc không những làm nổi sóng Biển Đông mà còn khiến vùng biển này thực sự trở thành điểm nóng về chính trị - quân sự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Thời gian qua, thế giới đã ghi nhận sự leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc không những làm nổi sóng Biển Đông, gây phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia có quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông, mà còn khiến vùng biển này thực sự trở thành điểm nóng về chính trị - quân sự của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.
Do thám, "giám sát”,"dự báo”, "khảo sát” tại Biển Đông
Tháng 1-2012, Trung Quốc thử nghiệm trực thăng không người lái do thám Biển Đông. Sau đó, vào tháng 2, Trung Quốc cho thử tàu lặn ở Biển Đông. Tháng 4, Trung Quốc tuyên bố sẽ lắp camera trên các đảo và đến tháng 6, Trung Quốc đã thiết lập trạm giám sát biển ở Phú Lâm – Hoàng Sa, tuyên bố sẽ dự báo thời tiết toàn bộ khu vực Biển Đông. Tháng 9, tàu Trung Quốc ngang nhiên khảo sát trái phép xung quanh đảo Đá Chữ Thập, Trường Sa. Đến tháng 12, sau một loạt những động thái đầy toan tính nói trên, Trung Quốc tuyên bố sẽ xây hệ thống cảnh báo sóng thần trên Biển Đông.
Tháng 7, Trung Quốc ngang nhiên treo biển trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa” và bổ nhiệm trái phép Tư lệnh, Chính ủy khu phòng thủ Tam Sa, tuyên bố quản lý 80% diện tích Biển Đông. Tháng 10, Trung Quốc tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt là việc công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực từ đầu năm 2013 "Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”- được thông qua hồi tháng 11-2012, … Những động thái trên đây của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng DOC và UNCLOS 1982, không thèm đếm xỉa đến quyền lợi của các quốc gia có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông.
Gia tăng khai thác phi pháp trên Biển Đông
Tháng 1, Trung Quốc ngang nhiên ban bố Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông (lần 1). Tháng 3, Trung Quốc tuyên bố thành lập "Đặc khu Biển Đông”. Đến tháng 5, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ 981 ra Biển Đông và lại ban bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông (lần 2). Tháng 6, Trung Quốc thông báo mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tháng 7, 30 tàu cá, ngư chính Trung Quốc ồ ạt ra quần đảo Trường Sa đánh bắt. Tháng 8, nhiều tàu cá Trung Quốc ngang nhiên "dàn trận” trên Biển Đông dưới sự hỗ trợ của lực lượng tàu tiếp tế. Tiếp đó, cũng trong tháng 8, Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí 65/12 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tháng 9, Trung Quốc ra thông báo sẽ hỗ trợ tiền cho ngư dân ra Biển Đông và tuyên bố thành lập doanh nghiệp ở cái gọi lại "thành phố Tam Sa”. 
Xây dựng trái phép hàng loạt các công trình
Tháng 4, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắm 6.000 bia trên Biển Đông và xây cầu tàu trên quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, vào tháng 7, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ xây 83 phòng trọ trên quần đảo Hoàng Sa. Tháng 8, Trung Quốc cho xây trộm 9 trạm phát sóng di động ở Trường Sa và xây nhà trái phép trên đảo Đá Châu Viên, Trường Sa. Tháng 9, Trung Quốc tuyên bố sẽ kéo 8 đường cáp quang ra Hoàng Sa. Tiếp đó, vào tháng 10, Trung Quốc đặt tên, cắm bia chủ quyền cho các đảo vô danh như tuyên bố trước đó vào tháng 4. Tháng 11, Trung Quốc khởi công xây dựng trái phép trạm lọc nước biển ở Hoàng Sa. Tháng 12, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng kho xăng trái phép ở Hoàng Sa và tuyên bố sẽ đổ 1,6 tỉ USD xây sân bay trái phép tại Tam Sa. 
Gia tăng tuyên truyền về cái gọi là "thành phố Tam Sa”
Tháng 7, sau khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa”, Trung Quốc mở trang web "Tam Sa” đẩy mạnh tuyên truyền trái phép. Tiếp đó, vào tháng 8, Tân Hoa Xã lập văn phòng tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Tháng 11, hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò bị phát hiện và tẩy chay nhưng Trung Quốc vẫn phát hành ngang nhiên bản đồ của cái gọi là "Tam Sa”. Tháng 12, Trung Quốc phái nữ sĩ quan đầu tiên ra đồn trú trái phép ở Trường Sa, thể hiện một sự toan tính nhiều hơn trong chiến lược "vết dầu loang” tại Biển Đông. 
Bắt giữ trái phép tàu cá, ngư dân Việt Nam
Năm qua, Trung Quốc đã bắt giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau khi Việt Nam kiên trì đấu tranh ngoại giao ở mức cao, phía Trung Quốc đã buộc phải thả 21 ngư dân và 1 tàu cá. Hành động bắt giữ ngư dân, tàu cá Việt Nam của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam là không thể chấp nhận.
Trung Quốc ngày càng "diễu võ dương oai”!
Vào tháng 4, khi xung đột Trung Quốc – Philippines ở bãi đá Scarborourg diễn ra thì tình hình ngày một trở nên gay cấn. Đến tháng 6, hạm đội Nam Hải tập trận oanh kích đường không các mục tiêu trên Biển Đông. Tướng Trung Quốc La Viện khi đó đã hô hào: Trung Quốc nên lập đơn vị cấp sư đoàn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp đó, Trung Quốc phái thêm 4 tàu hải giám ra Biển Đông và lập các đội tuần tra để ứng chiến ở Biển Đông.
Tháng 8, Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến ở Biển Đông và họp ngư dân ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) để hô hào bảo vệ cái gọi là "thành phố Tam Sa”. Bên cạnh đó, xung đột Trung Quốc – Philippines ở bãi đá Scarborourg tiếp tục diễn biến phức tạp khi Philippines tuyên bố sẽ điều tàu quay trở lại bãi đá Scarborourg.
Tháng 10, để "diễu võ dương oai”, hạm đội Nam Hải diễn tập trực chiến khẩn cấp tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Tháng 11, quân đội Trung Quốc cũng diễn tập đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông. Cũng trong tháng này, trong khi tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang tiến hành thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thì bị 2 tàu cá Trung Quốc cố tình cản trở và làm đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.

>>>Xem thêm các bài viết về tình hình Biển Đông tại đây
Nguyễn Văn Toàn/Đại Đoàn Kết