Trung Quốc diễn tập đánh chìm tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa?

24/01/2013 15:35
Dân Trí
Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy tên lửa của Trung Quốc trong các cuộc thử nghiệm tại sa mạc Gobi mới đây đã bắn trúng mục tiêu trên mặt đất mang hình dáng tàu sân bay của Mỹ.
Tờ Wantchinatimes đưa tin, hình ảnh vệ tinh do Google Earth cung cấp cho thấy tên lửa của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có vẻ đã được diễn tập để đánh mục tiêu là tàu sân bay.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh tại sa mạc Gobi
Hình ảnh chụp từ vệ tinh tại sa mạc Gobi

Dù được chụp từ trên cao nhưng có thể thấy rõ 2 lỗ thủng lớn đã được tạo ra trên một mô hình lớn màu trắng dài khoảng 200m đặt tại sa mạc Gobi, “được dùng để giả làm boong cất cánh của một tàu sân bay”, tờ Wantchinatimes khẳng định.

Những bức ảnh trên lần đầu xuất hiện trên SAORBATS, một diễn đàn tại Argentina. Các nhà phân tích quân sự tin rằng những lỗ thủng trên có thể đã được tạo ra bởi tên lửa đối hạm Đông Phong 21D. Đây là loại tên lửa liên lục địa từng được cựu đô đốc Robert F. Willard, tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

Theo tờ The Diplomat, nếu những thông tin trên là xác thực thì bước đi tiếp theo của PLA sẽ là cho Đông Phong 21D bắn thử nghiệm các mục tiêu di động trên biển, thay cho một mục tiêu cố định trên mặt đất. Ngoài ra hệ thống tên lửa mới này còn cần được thử nghiệm trước các mục tiêu có tính kháng cự.

Dù vậy, tờ báo này cũng trích dẫn phân tích của nhà phân tích quân sự Roger Cliff trong một buổi phỏng vấn trước đây để cho thấy, dù có trong tay tên lửa, không dễ để PLA bắn hạ một tàu sân bay Mỹ.

“Có những điều cần phải nhớ đó là, để Trung Quốc có thể tấn công thành công một tàu hải quân Mỹ bằng tên lửa liên lục địa, họ trước tiên phải phát hiện được con tàu đó, xác định nó đúng là tàu chiến Mỹ và đúng loại tàu chiến muốn tấn công (ví dụ: tàu sân bay).
Tên lửa Đông Phong 21D của Trung Quốc có tính cơ động cao
Tên lửa Đông Phong 21D của Trung Quốc có tính cơ động cao

Tiếp đó cần phải có được thông tin đủ chính xác về vị trí mục tiêu mà tên lửa hướng tới. Một bức ảnh vệ tinh được chụp cách đó 1 tiếng sẽ chẳng tác dụng gì bởi con tàu có thể đã di chuyển khỏi vị trí được chụp vài chục hải lý. Còn phải kể đến những thông tin cập nhật trong thời gian tên lửa đang bay. Cuối cùng, đầu đạn phải khóa được mục tiêu và lao xuống chính xác”, chuyên gia này phân tích.

Đông Phong 21D là loại tên lửa liên lục địa cơ động, được thiết kế để chuyên tiêu diệt tàu chiến. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 8/2011, tên lửa này “có tầm bắn trên 1500km” và có thể “tấn công với các đầu đạn được thiết kế để phá hủy các chiến đấu cơ trên boong tàu sân bay, khu vực cất cánh và tháp điều khiển”.

Đến tháng 2/2012, trong phiên điều trần trước quốc hội, thiếu tướng Ronald Burgess, giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ khẳng định “Trung Quốc có thể đang chuẩn bị triển khai” tên lửa Đông Phong 21D.

Trước đó Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của Đông Phong 21D vào tháng 7/2011. Khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức xác nhận loại vũ khí này “vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Chúng vẫn chưa được triển khai”.
Dân Trí