Biển Đông: “Chiến tranh Bản đồ” và “bẫy” do Trung Quốc giăng ra

26/01/2013 07:26
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Cần phải thận trọng khi sưu tầm và sử dụng bản đồ thể hiện tình hình Biển Đông, nhất là trên phương diện pháp lý có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ…”
LTS: Để thực hiện chiến lược đôc chiếm  Biển Đông, Trung quốc đã và đang áp dụng đủ moi thủ thuật, thủ đoạn; đó là việc sử dụng vũ lực để đánh chiếm, triển khai các hoạt động  núp dưới danh nghĩa hành chính, dân sự, dùng kế “giương Đông, kích Tây”, chia rẽ đoàn kết ASEAN… Trung Quốc còn đồng thời sử dụng rất thành thạo chiêu thức tuyên truyền dưới nhiều hình thức thông tin truyền thông khác nhau nhằm phổ biến những thông tin cố tình đánh lạc hướng dư luận có lợi cho họ.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả phần cuối của cuộc phỏng vấn TS. Trần Công Trục liên quan vấn đề này.

Bản đồ cổ Vương quốc Trung Hoa (The Kingdom of China) năm 1626 (biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam). Bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Ảnh: Tiền Phong)
Bản đồ cổ Vương quốc Trung Hoa (The Kingdom of China) năm 1626 (biên giới Trung Hoa đến đảo Hải Nam). Bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Ảnh: Tiền Phong)

PV: Thưa ông, phải chăng tuyên truyền là một trong những phương thức mà Trung Quốc đã triệt để khai thác nhằm phục vụ cho quá trình triển khai chiến lược  độc chiếm Biển Đông?
TS. Trần Công Trục: Đúng vậy, có thể nói rằng đây là một trong những mặt trận được Trung Quốc sử dụng khá thành công nhằm hỗ trợ đắc lực cho những bước tiến đầy tham vọng của họ. Như mọi người đã từng chứng kiến, thường thì trước và sau khi thực hiện hành động xâm chiếm trái phép nào đó, họ đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước và quốc tế, theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”, biến sai thành đúng, đúng thành sai…
Để làm được điều này, họ đã khai thác khá nhiều thông tin, tư liệu lịch sử, bản đồ, kể cả những tư liệu lịch sử, bản đồ “hàng giả, hàng nhái” có dụng ý. Vì thế mà trong dư luận đã xuất hiện từ ngữ “ chiến tranh bản đồ”, “chủ quyền lịch sử”,…

Tất nhiên, thủ thuật tuyên truyền đó chỉ có thể có tác dụng đối với những ai không có điều kiện học tập, nghiên cứu nghiêm túc những nội dung phức tạp này, hoặc vì một lý do nào đó mà cố tình phụ họa theo bất chấp sự thật khách quan, khoa học…

Tôi rất tâm đắc với một số cảnh báo của nhiều học giả về việc phải thận trọng, cân nhắc khi sử dụng các tư liệu lịch sử, bản đồ để chứng minh, bảo vệ quyền thụ đắc lãnh thổ trên phương diện pháp lý. Nếu ai đó cho rằng “lịch sử là pháp lý”, “bản đồ là pháp lý” thì quả thật là phiến diện, nếu không muốn nói là quá chủ quan. Thậm chí, điều này không những chỉ là sự phiến diện, lệch lạc trong nghiên cứu khoa học mà còn có thể bị vướng vào “bẫy” do Trung Quốc giăng ra trên mặt trận tuyên truyền này.      

Trong khi đó, chúng ta đã rất cố gắng, nhưng việc tuyên truyền của chúng ta còn bị động, chạy theo sự kiện, nội dung thông tin chưa được đầy đủ, công khai minh bạch, chưa mang tính chiến lược. Chúng ta phải phân loại xem nội dung nào phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục, nội dung nào phục vụ cho công tác đấu tranh pháp lý… Vì vậy, đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên môn tập trung lo việc này.

PV: Vừa qua Luật Biển đã có hiệu lực, ông có ý kiến gì?

TS. Trần Công Trục: Chúng ta biết rằng công tác giáo dục, tuyên truyền luật pháp cho người dân – đối tượng thi hành, là công việc thường xuyên và hết sức cần thiết. Bởi vì, bản thân luật pháp nói chung đã là nội dung rất phức tạp, để hiểu và thi hành được nó không hề đơn giản. Luật biển để điều tiết xử lý các hoạt động trên biển lại còn phức tạp hơn nhiều. 
Tấm bản đồ Trung Quốc với cực nam là đảo Hải Nam. (Ảnh: Petrotimes)
Tấm bản đồ Trung Quốc với cực nam là đảo Hải Nam. (Ảnh: Petrotimes)
Vấn đề không phải chỉ tuyên bố từ ngày 1/1/2013 có hiệu lực là xong mà phải có công tác giải thích, tuyên truyền, có những văn bản dưới luật để có thể giải thích cho người dân xử lý như thế nào cho đúng, trong đó không thể thiếu được khâu tổ chức thực hiện. Luật là như vậy, nhưng thực hiện như thế nào? không thể sau khi ban hành luật rồi, không thể ai muốn vận dụng như thế nào theo cách riêng của mình là được, nhất là vấn đề trên biển – vấn đề liên quan đa ngành, đa lĩnh vực, quốc nội, quốc tế…. 

Rõ ràng là phải có một sự chỉ đạo tập trung thống nhất, giải thích, bổ sung cụ thể. Còn rất nhiều vấn đề phải làm. Không thể để Luật biển trở thành một tài liệu chính trị phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Đây là luật và tất cả những quy chế pháp lý chặt chẽ, cụ thể để cho người dân, các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nghiêm túc, phù hợp với công ước quốc tế.  
PV: Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp xúc với nhiều nước trên thế giới. Còn Việt Nam là Tổng thư ký ASEAN. Xin ông có thể phân tích các thế mạnh, hạn chế của Việt Nam ở vào thời điểm này trong vấn đề tuyên truyền?

TS. Trần Công Trục: Công tác tuyên truyền cả đối nội và đối ngoại. Nếu xét về lợi thế, cho đến nay, họ có lợi thế hơn nhiều, vì tiếng nói của họ trên trường quốc tế rất mạnh. Họ đã sử dụng  lợi thế đó  từ lâu trong các tính toán các bước đi và họ đã tạo ra được một ấn tượng như chúng ta đã biết.

Còn chúng ta rõ ràng là có những hạn chế. Tất nhiên, tôi cho rằng  không phải vì lý do là nước Chủ tịch, Tổng Thư ký ASEAN hay là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mà có thể lợi dụng chúng để phục vụ cho lợi ích của riêng nước mình; quan trọng là phải hoạt động xứng đáng với tầm vóc, vai trò của mình trước sự quan sát, giám sát của cộng đồng quốc tế, khu vực…

Chúng ta hy vọng những ai được lựa chọn giữ nhưng vị trí quan trọng đó sẽ hành động một cách xưng đáng, không những vì uy tín của cá nhân mình mà còn vì uy tín, danh dự của Quốc gia, Dân tộc mình, trước công đồng nhân loại!

PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Hồng Chính Quang