"Coca Cola giống người đi ô tô, ở nhà lầu vẫn xin trợ cấp nghèo đói?"

30/01/2013 08:06
Độc giả Mai Anh
(GDVN) - Gửi thư đến Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam, độc giả có tên Mai Anh đưa ra ý kiến: “Việc Đà Nẵng từ chối không cho Coca Cola thuê thêm đất để sản xuất không khác gì Coca Cola như một người có nhà 3 tầng, đi xe ô tô rồi đứng xếp hàng để xin trợ cấp nghèo đói".


"Hôm qua tôi có đọc bài viết “Coca Cola từng bị Đà Nẵng từ chối cho thuê 4.700 m2 như thế nào?” trên Báo Giáo dục Việt Nam, cảm nhận đầu tiên của tôi là rất đồng tình với cách làm của lãnh đạo Đà Nẵng. Một doanh nghiệp kinh doanh gần 20 năm, chiếm đến quá nửa thị phần nước giải khát tại Việt Nam mà năm nào cũng báo lỗ để không phải nộp thuế thì cũng đến lúc không nên được hưởng quá nhiều ưu đãi.

Gần 20 năm kinh doanh nhưng Coca Cola luôn báo lỗ và chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam
Gần 20 năm kinh doanh nhưng Coca Cola luôn báo lỗ và chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam

Bài báo cho biết, khu đất hiện tại của Coca Cola ở Đà Nẵng rộng 40.000 m2, doanh nghiệp này cũng vẫn mới chỉ sử dụng hết 1/3 diện tích. Tuy nhiên, Coca Cola vẫn muốn thuê thêm đất với lí do “các sản phẩm của Coca Cola được tiêu thụ rất tốt tại Việt Nam cũng như khu vực miền Trung trong những năm qua”. Lí giải này đang biến Coca Cola thành một "ông lớn" có những phát ngôn bất nhất. Ông nói, ông kinh doanh tốt, sản phẩm tiêu thụ tốt vậy tại sao gần 20 năm nay ông luôn báo lỗ và không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho nước tôi? Cực kỳ mâu thuẫn! 

Coca Cola giờ đây không khác một người có nhà 3 tầng, đi xe ô tô rồi đứng xếp hàng cùng với những người áo vá để xin trợ cấp nghèo đói.

Lá thư “về tình yêu” gửi ông Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam

Lá thư “về tình yêu” gửi ông Tổng Giám đốc Coca Cola Việt Nam

Vụ Coca-Cola: Sự trừng phạt của người tiêu dùng Việt

Vụ Coca-Cola: Sự trừng phạt của người tiêu dùng Việt

Tôi đoán, việc Đà Nẵng không cho Coca Cola thuê đất cũng chính là lời nhắn gửi đến những doanh nghiệp có dấu hiệu "chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế” khác đang muốn đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã nói không, giới trẻ Việt cũng đã kêu gọi nhau tẩy chay các sản phẩm của Coca Cola trên diện rộng. Thời gian tới, nếu nghi vấn trốn thuế của Coca Cola được chứng minh, chắc chắn những sản phẩm của Coca Cola sẽ bị người tiêu dùng Việt quay lưng.

Việc Coca Cola kinh doanh gần 20 năm tại Việt Nam nhưng không đóng một đồng thuế nào cho đất nước khiến tôi bức xúc và trăn trở lắm. Là người Việt Nam, chẳng lẽ chúng ta đành phải bó tay đứng nhìn nhxng doanh nghiệp như Coca Cola đang từng ngày bòn rút tiền thuế của nhà nước mang về làm giàu cho công ty mẹ hay sao? Nếu doanh nghiệp nào cũng như Coca Cola, thử hỏi nước ta sẽ phát triển thế nào?

Tôi nghĩ, để cho Coca Cola thấy rằng, người Việt Nam không hề dung túng cho những hành vi sai trái thì ngoài sự quyết liệt của người tiêu dùng, của các cơ quan chức năng, các siêu thị, đại lý cũng nên phải có động thái rõ ràng với doanh nghiệp này. Có thể hạn chế hoặc cấm hẳn các sản phẩm của Coca Cola bán tại các siêu thị, tương tự như việc Đà Nẵng từ chối không cho Coca Cola thuê thêm đất để sản xuất.

Dẫu biết rằng, việc cấm hay hạn chế các sản phẩm của Coca Cola là việc “cực chẳng đã” nhưng nhiều người dân đã phải từ bỏ thói quen uống Coca Cola vì bức xúc trước kiểu làm ăn mập mờ của họ thì không có lí do gì, các siêu thị không dám bớt chút ít lợi nhuận của mình khi ngừng bán Coca Cola? Những hành động đó sẽ cho Coca Cola thấy rằng, tôi không uống Coca Cola - tôi vẫn ổn, không bán Coca Cola - chúng tôi vẫn hoạt động bình thường.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Mai Anh