Hơn 2000 bằng thạc sĩ, cử nhân ở ĐH Quốc gia: Hủy hay công nhận?

30/01/2013 13:08
Xuân Trung
(GDVN) - "Các văn bằng này được đào tạo theo chuyên đề rất thực tế hữu ích cho người học, bằng đó là bằng thật, kiến thức thật”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khẳng định.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm ở ĐHQGHN, trong đó có việc cấp 159 tấm bằng cử nhân, 2.035 bằng thạc sĩ. Những tấm bằng này do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm - ETC (thuộc ĐHQGHN) cấp và do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cấp. Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị không công nhận những tấm bằng này.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: Từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ĐHQGHN đang cùng với Bộ GD&ĐT thẩm tra lại các văn bằng này theo hướng đảm bảo quyền lợi của học viên.
Đảm bảo quyền lợi của người học

Ông Sơn nói: “Tôi khẳng định lại cho tới thời điểm này chưa có ý kiến nào nói văn bằng được công nhận hay không được công nhận, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng giao cho ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT thẩm tra theo hướng đảm bảo quyền lợi của người học. Các văn bằng này được đào tạo theo chuyên đề rất thực tế hữu ích cho người học, bằng đó là bằng thật, kiến thức thật” - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nói.

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, không nên có một quan điểm đánh đồng với một số chương trình liên kết đào tạo như nhau. Nên có chính sách khác nhau đối với từng loại liên kết.

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, không nên có một quan điểm đánh đồng với một số chương trình liên kết đào tạo như nhau. Nên có chính sách khác nhau đối với từng loại liên kết. 


Việc để xảy ra sai phạm trong quá trình liên kết của ETC theo ông Sơn là điều không mong muốn. Ông Sơn cho rằng, vấn đề chỉ ở chỗ có một vài điểm thanh tra nhận định chương trình liên kết chưa hoàn toàn phù hợp với các văn bản hiện có về liên kết đào tạo. Ngay như các văn bản hiện hành ở thời điểm liên kết của ETC chưa có quy định chặt chẽ, đó là điều đáng tiếc vì đây là một quá trình đào tạo thật, chất lượng của trường ở Hoa Kỳ (ĐH Griggs và ĐH Delaware). 

Trước nhiều băn khoăn của học viên trong diện đào tạo này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn trấn an: “Những người đã nhận được văn bằng này theo tôi hoàn toàn có thể yên tâm về những gì mình đã nhận được. Điều quan trọng nhất là những gì họ đã thu nhận, kiến thức được áp dụng trong những công việc thực tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cách xử lý dẫu có thế nào cũng phải theo hướng có lợi cho người học”. 
Để được công nhận bằng, học viên phải bổ sung chương trình?

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay phải chờ ý kiến chính thức từ phía Bộ GD&ĐT, nhưng theo nhận định của ông có thể phương án sẽ là Bộ GD&ĐT yêu cầu học viên phải bổ sung một vài điểm trong nội dung đào tạo để được công nhận bằng. Và trong khi chờ ý kiến từ Bộ GD&ĐT, các học viên hoàn toàn có thể yên tâm với các văn bằng của mình - ông Sơn nhắc lại.

Trong hơn 2.000 người đã tốt nghiệp, theo đánh giá của ĐHQGHN, về mặt kiến thức và chất lượng đào tạo đây là một chương trình hữu ích cho người học, sau khi học học viên được tăng cường về mặt kiến thức, kĩ năng phục vụ công việc, trước và sau khi học đã trở thành một con người khác.

Nói về các chương trình liên kết đào tạo hiện nay, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các chương trình liên kết đào tạo liên quan tới một số ngành khoa học cơ bản cần được khuyến khích như: Môi trường, công nghệ na nô, công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Khuyến khích những ngành này để cho sinh viên Việt Nam có điều kiện tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài, học tập bằng tiếng Anh, và so với đi học nước ngoài sẽ tiết kiệm hơn. Hiện nay, có nhiều loại liên kết như: theo tài trợ của nước ngoài, theo chương trình của các tổ chức quốc tế, các đối tác lớn để đào tạo nguồn nhân lực và các mức học phí cũng rất thấp. 

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, không nên có một quan điểm đánh đồng các chương trình liên kết đào tạo như nhau, nên có chính sách khác nhau đối với từng loại liên kết.
Xuân Trung