Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Cựu quan chức cao cấp Quốc hội góp ý về Quyền sống, Quyền con người

31/01/2013 13:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều chuyên gia, học giả cho rằng cần phải nghiên cứu lại Khoản 2 Điều 15 dự thảo Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng”.

Một số điểm diễn đạt mơ hồ

Điểm mới nhất của dự thảo so với Hiến pháp 1992 là tách bạch quyền con người với quyền công dân, bổ sung một số quyền con người và thể hiện sự chú trọng quyền con người, quyền công dân bằng cách đưa chương viết về những quyền ấy lên vị trí thứ 2 sau “Thể chế chính trị”.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết (Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định, những quy định này nhiều nhưng không mới, sự phân biệt giữa quyền con người và quyền công dân chưa thật có căn cứ thuyết phục, rõ ràng.

Ví dụ, qua việc sử dụng các từ ngữ chỉ chủ thể “mọi người” và “công dân”, có thể hiểu dự thảo quan niệm “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 25), “quyền khiếu nại, quyền tố cáo” (Điều 31) là quyền con người; còn “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” thuộc về quyền công dân (Điều 26).

Mặc dù các nhà nghiên cứu đều thừa nhận việc phân biệt rành mạch quyền con người và quyền công dân không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng trong trường hợp cụ thể này rất khó nêu lý do biện hộ cho sự phân biệt các quyền ấy trong dự thảo.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Dự thảo hiến pháp còn một vài điểm hạn chế
GS Nguyễn Minh Thuyết: Dự thảo hiến pháp còn một vài điểm hạn chế

Nếu quan niệm tự do là quyền công dân thì nó có thể bị hạn chế theo thoả thuận giữa các thành viên của xã hội nhất định, phù hợp với trình độ phát triển và điều kiện thực hiện quyền của xã hội ấy, như quy định tại Điều 26: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Nhưng các quyền tự do (về ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình) là quyền đương nhiên của con người. Việc hạn chế chúng bằng cụm từ “theo quy định của pháp luật” là không đúng và không cần thiết, bởi vì trong trường hợp việc thực hiện quyền tự do của một người hoặc một số người ảnh hưởng xấu đến quyền tự do của người khác hoặc đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội thì hành vi đó sẽ bị điều chỉnh bằng những quy định khác của pháp luật.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, một số chỗ diễn đạt mơ hồ khiến các quy định của Hiến pháp có thể bị vận dụng theo ý muốn chủ quan, hạn chế quyền con người, quyền công dân. Cụ thể là Khoản 2 Điều 15: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng”.

"Cần phải làm rõ thế nào là “trường hợp cần thiết”? Tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền giới hạn quyền con người, quyền công dân? Trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền ấy ra sao? Thời hạn tối đa áp dụng biện pháp đặc biệt đó là bao lâu? Trong trường hợp nào thì biện pháp đó phải được chấm dứt? Theo tôi, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp tình trạng khẩn cấp và chiến tranh mà thôi", GS Thuyết phân tích.

Còn nhiều điều khoản phải nghiên cứu lại

Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH), thành viên ban soạn thảo Hiến pháp năm 1992 phân tích, “Chương 'Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân' đã được chuyển lên vị trí thứ 2 trong dự thảo hiến pháp với cái ý là coi trọng, nhưng thực tế vị trí ở chỗ nào không phải là vấn đề mà bản chất mới là quan trọng.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

“Ngay khoản 2 điều 15 (sửa đổi điều 50) tôi thấy không ổn khi nói ‘Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng’. Theo tôi, không cần thiết phải đưa điểm này vào, bởi vì trong luật sẽ quy định cụ thể những trường hợp xâm phạm an ninh quốc gia thì công dân không được nhà nước bảo vệ.

Tôi cho rằng cùng lắm là giữ lại ‘Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia’ và cũng phải nêu cụ thể hơn, còn toàn bộ ý sau là 'trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng' quá mênh mông cần phải bỏ đi. Nếu để lại ý này thì rất dễ dẫn đến lạm quyền, rất nguy hiểm và như vậy thì quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế bất cứ lúc nào. Tôi đã góp ý điều này nhưng dường như các đồng chí ấy chưa thực sự lắng nghe", ông Vũ Mão nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng chỉ ra điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống” và cho rằng, đây là một câu chưa đầy đủ, dù Ủy ban soạn thảo cũng có ý tốt là muốn khẳng định quyền được sống của con người.

“Có người đã đưa ý kiến rằng, có quyền được sống rồi, vậy có quyền được chết không? Nếu như có người bệnh tật nan y, họ không muốn sống mà muốn được giải thoát thì sao? Bên cạnh đó, nếu giữ điểm này thì cần diễn giải cho rõ ràng hơn, quyền sống là như thế nào, bởi khi xây dựng Hiếp pháp thì đã phải có định hướng cho luật, nếu không cụ thể thì sau này soạn luật sẽ rất rối”, ông Vũ Mão nói.

Ngọc Quang