Đột nhập những cung đường kinh doanh “mát mẻ”

17/08/2011 00:53
Từ các vùng ven đến trung tâm thành phố, trong số các quán cà phê, hớt tóc, karaoke, massage... đều có dịch vụ trá hình xâm nhập.
Từ các vùng ven đến trung tâm thành phố, trong số các quán cà phê, hớt tóc, karaoke, massage... đều có dịch vụ trá hình xâm nhập. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng các hoạt động kinh doanh “mát mẻ” vẫn tồn tại, thậm chí có nơi còn rộ lên, tụ thành những cung đường “mờ ảo” gây bức xúc dư luận.
Những năm gần đây, các dịch vụ “hái ra tiền” này bùng phát mạnh mẽ, phát triển đến chóng mặt, có nhiều biến tướng và đang trở thành một tệ nạn xã hội. Không những vậy, tại nhiều địa điểm, loại hình kinh doanh này đã chuyên môn hóa thành nơi tập trung hoạt động khá công khai.
Ăn mặc mát mẻ để câu khách
Ăn mặc mát mẻ để câu khách
Theo chân một anh bạn thân, chúng tôi tìm đến đường Nguyễn Thị Định, phường An Phú, quận 2 (TP Hồ Chí Minh) để “mục sở thị” nơi được cho là điểm nóng về hớt tóc “vui vẻ”. Cung đường này, từ cầu Giồng Ông Tố đến cuối đường chưa đầy 300m có tới hơn 30 quán hớt tóc trá hình đang ngày đêm hoạt động, ảnh hưởng đến người dân sở tại và mỹ quan đô thị.
Dạo qua các quán này, chúng tôi ghi nhận hoạt động “trá hình” hết sức tinh vi; tất cả các quán nhìn bên ngoài trang trí rất lịch sự, có cây cảnh ngụy trang, cửa kính kín đáo, hệ thống máy lạnh... Tuy nhiên, khi vào trong, tất cả những đặc trưng của nghệ thuật “trá hình” được phơi bày. Từ cách ăn mặc “trên dưới thiếu vải”, phấn son lòe loẹt, ngôn ngữ cử chỉ suồng sã của các nữ “nhân viên” cho đến phòng ốc cũng được bố trí ánh sáng mờ ảo đầy “gợi tình” để chiêu dụ khách ham “vui”.
Chúng tôi ghé vào tiệm hớt tóc M.H và lập tức được nghe lời mời chào đon đả của nhân viên: “Anh vào đây chúng em sẽ phục vụ anh tới bến, cần gì cũng có”. Nói xong nhân viên này uốn éo, lả lơi tiếp tục gạ gẫm: “Đừng ngại, chỉ cần anh “ga lăng” em sẽ là của anh rồi”.
Tôi trả lời: “Anh tính đi hớt tóc, không mang theo tiền để hôm khác anh ghé, hôm nay hớt tóc thôi”. Lạ thay, nhân viên này chợt cau mặt: “Mới mở hàng đã gặp của nợ rồi, hôm nay chắc chết đói!”. Anh bạn đi cùng thấy những lời nói xúc phạm đành kéo tôi ra khỏi quán.
Tiếp tục thâm nhập tiệm M.T ở cách đó không xa, hoạt động của quán này sôi nổi hơn, khách ra vào liên tục. Tiệm này hoạt động từ lâu, lại có nhiều nhân viên ăn mặc nóng bỏng, gợi cảm nên khách kéo đến nhiều. Vừa bước chân vào quán, một nhân viên chạy ra níu tay, bá vai chúng tôi như đã từng quen. Giật mình bởi hành động chụp giựt của cô nhân viên, chúng tôi nói ngay: “Tối qua thức đêm mệt quá, em lấy ráy tai và massage mặt cho anh...”.
Không đợi tôi nói thêm, nhân viên này nói thẳng: “Dụng cụ ráy tai bị hư, mấy anh thích gì thì vào trong tụi em “thư giãn”, ráy tai để hôm khác”. Thấy vậy chúng tôi đành rút. Khi quay ra, chúng tôi thấy bên trong một ông khách tay cầm tờ 200 ngàn đồng gí vào tay nhân viên, vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi. Hỏi ra mới biết, ông khách này vừa đi từ A tới Z với một nhân viên trong quán. Tiếng là tiệm hớt tóc, nhưng bên trong dụng cụ hớt tóc rất ít, các nhân viên trong tiệm dường như không biết sử dụng kéo, chỉ giỏi vuốt ve, sờ mó và vòi vĩnh khách.
Không chỉ có các quán trên, ở cung đường này có hơn 30 tiệm hớt tóc kiêm massage như thế. Thậm chí có những quán nhân viên còn gạ gẫm khách mua dâm, tranh giành khách, gây ra tình trạng hỗn loạn ảnh hưởng tới cuộc sống người dân trên địa bàn.
Sau hớt tóc “mát mẻ” đến cà phê “đèn mờ” đang ngang nhiên hoạt động náo loạn trên nhiều tuyến phố (theo phản ánh của một bạn đọc). Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi ghé đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh. Nơi đây không chỉ có cà phê “đèn mờ” mà hớt tóc “mát mẻ” cũng song song hoạt động tối ngày nên nhiều người dân gọi là “đường thác loạn”. Đoạn đường này chưa đầy 1km đã có tổng cộng gần 50 quán “nhạy cảm” bao gồm cả cà phê và hớt tóc.
Lưu thông trên tuyến đường này, chỉ cần một cái liếc mắt, một cử chỉ, hành động hướng về nhân viên trong quán, người đi đường sẽ bắt gặp những lời chào gạ tình: “Vào đây cà phê với em, đảm bảo mê liền!”. Chúng tôi vừa mới bước chân vô quán, một nhân viên bước đến nói: “Anh vào trong ngồi thư giãn với tụi em, trong đó kín đáo lắm. Anh thích gì em cũng chiều”. Các quán cà phê này đa số là không có bảng hiệu, không tên gọi, ngang nhiên hoạt động, chẳng lẽ chính quyền địa phương không hề hay biết?
Từ hớt tóc, cà phê, massage biến tướng đến “hoạt động mại dâm” đều có trên Quốc lộ 1A, đoạn từ Nghĩa trang TP đến cầu vượt Linh Xuân. Nguy hại hơn, đoạn từ ngã ba ĐH Nông Lâm TPHCM đến ĐH Kinh tế luật và khu vực gần khu du lịch Suối Tiên xuất hiện nhan nhản dịch vụ trá hình và mại dâm, cho nên sinh viên thường gọi là “ngã ba tình” và đường “làm khổ sinh viên”. Mỗi tối trên tuyến đường này đều có gái mại dâm lượn lờ, chèo kéo khách. Những hôm không bắt được khách, gái mại dâm sẵn sàng quay sang gạ gẫm, mời chào sinh viên.
Bạn Nguyễn Tiến Vương kể lại câu chuyện rùng mình: “Một buổi tối đứng ở ngã ba 621 chờ người bạn thân, bỗng từ đâu xuất hiện một phụ nữ phấn son lòe loẹt, ăn mặc hở hang đến chào hàng và gạ mua dâm, tôi liền chạy một mạch về phòng trọ bên trong làng đại học”. “Mại dâm” và “trá hình” ngang nhiên hoạt động bên vành đai làng đại học sẽ là tệ nạn chực chờ các bạn sinh viên.
Tiếp tục tìm hiểu trên đoạn đường này, đi về phía tiếp giáp ĐH Kinh tế luật và ven cầu vượt Linh Xuân, chúng tôi thấy hàng chục điểm massage biến tướng đang hoạt động như: S.H, T.N, H.N, H.T, N.T, H.T.T... Tại các tụ điểm này, hoạt động tiếp khách diễn ra cả ngày lẫn đêm; có hai loại giá khi khách tham gia massage phải trả, là vé thường (60.000đ/người/suất), vé Vip (120.000đ/người/suất), chưa kể tiền bo cho nhân viên.
Dù là vé Vip hay vé thường thì khách tham gia đều được nhân viên trong nhà hàng chăm sóc từ A đến Z. Thậm chí, theo một nhân viên tên H. tại tiệm massage H.T cho biết: “Vé Vip bao gồm được hưởng các dịch vụ xông hơi, tắm gội, thư giãn toàn thân tại một phòng kín, có người canh chừng bên ngoài, khách thoải mái cùng nhân viên hú hí”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa số nhân viên trong các nhà hàng này đều không có nghiệp vụ massage. Bằng cách này, cách nọ họ chạy chọt để có được một thẻ kỹ thuật viên massage (KTV). Nhân viên đến làm việc không phải với mục đích massage “sạch”, chủ yếu bằng hoạt động “ngoài luồng” để lấy tiền bo từ khách.
Hoạt động rầm rộ của các dịch vụ “tươi mát” không chỉ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nhiều người dân sống gần đấy bức xúc phản ánh: “Các quán trá hình hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, hầu hết đều không có giấy phép kinh doanh, nhân viên không có hợp đồng lao động, không nghiệp vụ, hoạt động quá thời gian quy định, thường xuyên gây rối, mất trật tự...
Những vi phạm này ngày đêm hiện hữu, nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng vẫn đứng ngoài cuộc?”.
Hơn nữa, dịch vụ “mát mẻ” ngang nhiên tồn tại sẽ kích động các bạn trẻ đến với tệ nạn ma túy, mại dâm. Nó còn là mầm mống bệnh xã hội như: HIV, lậu, giang mai... Các quán này còn là mối nguy hại cho đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và cuộc sống chung của cộng đồng. Thiết nghĩ, chính quyền sở tại cần có một biện pháp căn cơ để dẹp bỏ các quán “trá hình” này, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.
{iarelatednews articleid='9659,9633,9442,8074,7632,5956,5510,4630,3276,3207,675'}
Theo NGỌC HUY - ĐOÀN TUẤN/Công an TPHCM