Khó tin công nghệ nấu bún riêu, phở bò chỉ... 30.000 đồng

17/08/2011 06:42
(GDVN) - Người bán hàng giới thiệu, loại phụ gia này có giá chỉ 30 – 35 nghìn đồng, tương đương với 2,3 cân cua và bằng cả 1 nồi bún riêu cua lớn...

(GDVN) - Nghe PV "thành thật" đang mở quán bún riêu, người bán hàng mới hồ hởi giới thiệu loại phụ gia có vị cua và tạo gạch. Chị cho biết loại phụ gia này rất rẻ, gói 500gr có giá chỉ 30 – 35 nghìn đồng, tương đương với 2,3 cân cua và bằng cả một nồi bún riêu cua lớn.

Trong khi giá thực phẩm ngày càng tăng cao, nguyên liệu nấu bún riêu, phở bò, phở gà... cũng đội giá gấp hai lần so với năm ngoái thì việc sử dụng các loại gia vị cho vào bún riêu, phở bò, gà càng được người bán "lạm dụng" nhiều hơn.

Theo khảo sát của phóng viên, thời gian gần đây, các loại phụ gia như vị phở dạng hộp, vị bò, vị gà… và các loại hương liệu giúp tạo mùi vị, có thể thay thế xương hầm lấy nước đang được khách hàng đặc biệt ưa chuộng.

Tại nhiều quầy hàng hàng trong chợ Đồng Xuân (Hà Nội), các mặt hàng này thường được tiểu thương xếp thành từng bao tải lớn và chỉ ghi duy nhất dòng chữ tên sản phẩm trên bao bì còn tem hàng, nguồn gốc cũng như hạn dùng của sản phẩm, tìm mỏi mắt khách cũng không thể thấy.

Sà sùng để chế vào nước lẩu cho có vị ngọt bị nghi bảo quản bằng lưu huỳnh

Sà sùng để chế vào nước lẩu tạo vị ngọt bị nghi bảo
quản bằng lưu huỳnh.

Trong vai người muốn mua các sản phẩm về mở quán phở bò, phóng viên được những người bán hàng tại đây đua nhau chào hàng. Tại quầy của mình, chị H. bày ra  hàng chục sản phẩm kèm theo quảng cáo từ các gói gia vị hóa học cho đến các sản phẩm xuất xứ tự nhiên như sà sùng.
“Sà sùng giúp nước phở, bún ngọt đậm hơn. Vài cọng sà sùng có thể ngang với cả cân xương”, chị H nhanh nhảu giới thiệu.

Bên cạnh đó là các gói vị lẩu giúp nấu nước dùng phở và các món bún có hương vị không khác hàng thật. Người bán hàng tên H. không giấu giếm: những gia vị này đa phần là hàng Trung Quốc, một số ít là hàng Sài Gòn đóng gói. Ngay cả sà sùng, trần bì là vị không thể thiếu trong nước phở, nước bún cũng chủ yếu từ cửa khẩu đưa về.
Một người bán hàng tên K. thừa nhận, đa số các mặt hàng đều mua từ các cơ sở chế biến nhỏ, không phải của các hãng chế biến thực phẩm. Nếu có người chào bán hàng, họ lập tức mua ngay và bán cho người khác. Việc thu hoạch cũng như chế biến như thế nào, có lẽ chỉ người làm mới biết.

Một gói vị phở 150 gr có giá 50 đến 70 nghìn đồng. Một nồi nước phở 20 lít chỉ cần một muỗng nhỏ cho vào sẽ có vị ngọt bằng vài cân xương. Không chỉ có vị lẩu, những người bán hàng còn giới thiệu đến hơn 10 loại gia vị có trong chế phở từ vị phở, trần bì, sà sùng cho đến tinh dầu bò, gà, heo. "Khi cho những hương liệu này vào, nồi nước phở bò có thể có vị như thịt bò thật:, người bán khẳng định.

Những hương liệu cho vào các món bún phở dưới dạng khô thường được người bán hàng bảo quản bằng sinh diêm (lưu huỳnh) để chống mối, mọt, chống mốc, kéo dài thêm thời hạn sử dụng.

Nấu 1 nồi bún riêu cua, chỉ mất 30.000 đồng

Một bát bún riêu hiện có giá 20 nghìn đồng trong khi một lạng cua giá thấp nhất đã là... 12 nghìn đồng. Để có một bát bún riêu cua vừa có gạch cua, vừa có màu sắc của cua và vị cua đồng mà giá cả phải chăng, người chế biến không thể không "gia cố" thêm ít hương liệu, đó là lời tiết lộ của một chủ gánh bún riêu tại đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại quầy đồ khô K.T trong chợ Đồng Xuân, khi PV hỏi gia vị chế biến bún riêu cua, người bán hàng còn trả lời khéo “bún riêu cua phải nấu từ cua chứ làm gì có vị gì”. Nhưng khi nghe PV "thành thật" đang mở quán, có người mách lên chợ mua hương liệu, phụ gia về nấu thay thế thực phẩm tươi, người bán hàng mới hồ hởi giới thiệu loại phụ gia có vị cua và tạo gạch. Chị cho biết loại phụ gia này  rất rẻ, gói 500gr có giá chỉ 30 – 35 nghìn đồng, tương đương với cả 2,3 cân cua và bằng cả 1 nồi bún riêu cua lớn.
alt

Những hương liệu làm phở, bún riêu bán tràn lan, rất khó
quản lý.

“Đây là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng nhưng cửa hàng không bày ra trực tiếp mà khi có khách đặt mới mang ở kho ra. Đa số khách hàng mua đều quen cả,  chỉ cần gọi điện đến trước thì mình mang hàng ra”, người bán hàng xởi lởi.

Tại một quầy đồ khô khác, khi được hỏi đến vị riêu cua, người bán hàng cũng tỏ vẻ không mặn mà vì khách lạ: “Chị chỉ bán từ 10kg trở lên, không bán 2,3 gói đâu. Đồng ý mua thì chị mới mang hàng ra”. Theo kinh nghiệm của những người bán hàng tại đây, khách mua nhiều họ chỉ cần nói mua mà không phải hỏi kỹ, băn khoăn về nguồn gốc sản phẩm.
 
Trong khi đó, người bán hàng tên Ng tại cửa hàng số 8.. phố Hàng Buồm, cho biết: Vị riêu cua nếu là phụ gia thực phẩm “sạch” có giá 400 nghìn đồng/kg, còn đắt hơn cua thật, người ta chỉ mua thay thế vào mùa đông ít cua. Những phụ gia thực phẩm giá dưới 100 nghìn đồng/kg, chỉ có thể là phụ gia công nghiệp bị cấm sử dụng mới có giá đấy”.

Chị Ng. cho biết, để chế biến món bún riêu cua với nguyên liệu phụ gia, có khi cần đến hàng chục loại. Nên nếu khách mua phụ gia công nghiệp phải gọi điện trướcđể đặt hàng từ đầu mối. Mua ít, mua lẻ thường cửa hàng không bán hoặc không có hàng.

PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm Bách Khoa thừa nhận, hiện nay đúng là có rất nhiều hương liệu để nấu bún riêu, phở bò, phở gà… được phép sử dụng trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, giá của những sản phẩm này rất cao, có thể ngang với sản phẩm tươi ngon.
Tuy nhiên, mặc dù các phụ gia thực phẩm này được chứng nhận an toàn này đã ghi rõ liều dùng, nguồn gốc cũng như thành phần một cách chặt chẽ đầy đủ nhưng nếu người sử dụng dùng quá liều cũng sẽ rất nguy hiểm. Do đó, đối với những chất phụ gia công nghiệp, rẻ tiền thì mức độ nguy hiểm không ai lường trước được. Đối tượng ảnh hưởng trực tiếp chủ yếu là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp thường xuyên phải ăn những thực phẩm bình dân.

Bình An
{iarelatednews articleid='6537,598,10497,8591,6470,4646,1396,682,4031,1031'}

alt