“Trung Quốc không thể ngăn chặn bán đảo Triều Tiên thống nhất”

04/02/2013 20:47
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Bài báo khẳng định như vậy và cho rằng, Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ điều hải, không quân có ưu thế lớn hơn nhiều nếu xảy ra xung đột quân sự với TQ.
Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một "điểm nóng" về an ninh khu vực Đông Bắc Á
Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một "điểm nóng" về an ninh khu vực Đông Bắc Á

Tờ tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản vừa đăng bài viết “Trung Quốc sẽ ngăn cản bán đảo Triều Tiên thống nhất?” của giáo sư Bùi Mẫn Hân – Học viện Claremont McKenna Mỹ.

Theo bài viết, gần đây, một số ít nhân vật ở Ủy ban Đối ngoại – Thượng viện Mỹ đã công bố báo cáo “Tác động của Trung Quốc đối với sự thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề đặt ra của Thượng viện”.

Đây là một báo cáo điều tra nghiên cứu có liên quan đến việc kinh tế Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày càng hội nhập, ít được các phương tiện truyền thông chú ý.

Giống như phần lớn các văn kiện khác của Chính phủ, bản báo cáo này hầu như sắp “chìm xuồng”, mãi cho đến tuần trước tờ “Bưu điện Washington” mới đăng tải.

Quan điểm của báo cáo này rất rõ ràng, đó là lợi ích kinh tế to lớn ngày càng tăng của Trung Quốc ở CHDCND Triều Tiên đang biến “vương quốc cách biệt với thế giới này” thành một “mắt xích” trong thế kỷ 21 có hiệu quả. Báo cáo kết luận, Bắc Kinh vừa có ý đồ vừa có khả năng ngăn chặn thống nhất của nam bắc Triều Tiên trong tương lai.

Mặc dù quan điểm này có thể gây sự chú ý của tờ báo lớn nước Mỹ, nhưng nó lại không có được bất cứ sự xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng nào. Báo cáo này không thể lý giải chính xác nguyên lý cơ bản tại sao Trung Quốc lại muốn duy trì một bán đảo Triều Tiên chia cắt.

Tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 phóng lên quỹ đạo
Tên lửa Unha-3 của CHDCND Triều Tiên mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 phóng lên quỹ đạo

Lợi ích kinh tế rất quan trọng đối với một doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc. Nhưng, trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên của Chính phủ Trung Quốc, lợi ích kinh tế cùng lắm cũng chỉ là một nhân tố thứ yếu phải xem xét. Lợi ích kinh tế ròng mà Bắc Kinh thu được từ chính sách đối với CHDCND Triều Tiên chắc chắn là lợi ích phụ.

20 năm qua, để hỗ trợ cho Triều Tiên, Trung Quốc đã tiến hành viện trợ hàng chục tỷ USD. Lợi ích kinh tế thu được hầu như không đáng gì. Nhiều người cho rằng, sở dĩ Trung Quốc thực hiện chính sách đối với CHDCND Triều Tiên như vậy là vì an ninh quốc gia của họ.

Nói tóm lại, Chính phủ Trung Quốc coi CHDCND Triều Tiên là một “vùng đệm” an ninh ngăn chặn Mỹ có giá trị triển khai ở tuyến đầu Đông Á, vì vậy sẵn sàng chịu gánh nặng kinh tế to lớn để hỗ trợ cho vùng đệm này.

Tuy nhiên, cho dù sự tồn tại của chế độ họ Kim hiện nay rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc, đồng thời chính sách hiện hành của Trung Quốc là một trở ngại lớn cho sự thống nhất của nam bắc Triều Tiên, nhưng từ đó kết luận Trung Quốc có khả năng ngăn cản nam bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia vẫn là sự thổi phồng.

Tên lửa tầm xa mới nhất của CHDCND Triều Tiên
Tên lửa tầm xa mới nhất của CHDCND Triều Tiên

Khả năng xuất quân can thiệp ngăn chặn thống nhất nam bắc Triều Tiên của Trung Quốc rất nhỏ. CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân – đây có thể chính là một nhân tố ngăn chặn Trung Quốc đưa quân vượt qua sông Áp Lục (Yalu).

Mặc dù những phân tích này còn có chỗ thiếu sót, nhưng báo cáo của thiểu số Thượng viện thực sự cũng đã đưa ra một vấn đề có giá trị, không chỉ là đối với Thượng viện, mà đối với Trung Quốc cũng như vậy. Bắc Kinh cần xem xét lại và thay đổi triệt để chính sách CHDCND Triều Tiên của họ.

Chính sách này được xây dựng trên rất nhiều giả thuyết chiến lược sai lầm và lỗi thời. Loại giả thuyết này hoàn toàn không coi Hàn Quốc là một đối tác hợp tác khu vực tiềm năng.

Một suy luận chiến lược căn bản để Bắc Kinh duy trì hiện trạng của bán đảo Triều Tiên là ngăn chặn Mỹ có thể thông qua đất liền xâm lược Trung Quốc lục địa. Trong thời đại hiện nay, loại suy luận chiến lược này rõ ràng là sai lầm. Một khi xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc (hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân xảy ra xung đột là điều không thể tưởng tượng được), thông qua đất liền xâm lược Trung Quốc e là sự lựa chọn cuối cùng của Lầu Năm Góc.

Quân đội Mỹ hầu như chắc chắn sẽ điều hải, không quân có ưu thế lớn hơn nhiều nếu cuộc xung đột này xảy ra. Trong tình hình đó, CHDCND Triều Tiên hầu như không có tác dụng gì đối với Trung Quốc, Bắc Kinh chẳng những sẽ không ngăn chặn được sự thống nhất của nam bắc Triều Tiên, ngược lại sẽ đồng ý với sự thống nhất này, đồng thời đặt cược vào Seoul. Chỉ có chính sách này mới phù hợp với lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Hàn Quốc tăng tầm phóng cho tên lửa
Hàn Quốc tăng tầm phóng cho tên lửa
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)