Giải nhất HSG quốc gia: 'Môn Sử kém hấp dẫn vì SGK toàn chữ'

04/02/2013 13:27
Infonet
Từng học chuyên Anh, Bích Phương chuyển qua môn Sử. Giải nhất HSG quốc gia môn Sử cho biết bản thân môn học không hề nhàm chán, và em sẽ chọn một chàng trai khối C nếu đó chính là “một nửa” đích thực.

Ước mơ trở thành phiên dịch viên

Phùng Thị Bích Phương – học sinh lớp 12 Sử trường THPT chyên Lê Hồng Phong (Nam Định) vừa giành giải nhất trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2012 – 2013 với 17 điểm. Cô bạn rất vui mừng và bất ngờ về kết quả mà mình đạt được.

Phùng Thị Bích Phương.
Phùng Thị Bích Phương.

Trong đề thi năm nay, Phương ấn tượng nhất với câu hỏi về đường lối của Đảng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954–1975) và tác dụng đối với cách mạng nước ta. Đây không phải là nội dung mới nhưng cách ra đề rất độc đáo, Phương cho biết mình chưa bao giờ làm câu hỏi này nên rất hứng thú.

Phương có cách làm bài rất khoa học, trước tiên cô bạn dành 5 phút đầu giờ để vạch ra tất cả các ý chính vì “đây là giây phút mình sáng suốt nhất”; tiếp theo từng câu hỏi sẽ được phân chia thời gian dựa vào số điểm. Nữ sinh này cho rằng ngay lúc trong quá trình học tập, cần hiểu sâu kiến thức, vì đề thi học sinh giỏi quốc gia luôn cần phải tư duy, nhận biết và phân tích vấn đề. Kỹ năng viết cũng rất quan trọng, vì vậy Phương cũng thường xuyên trau dồi để lối diễn đạt được trong sáng và logic.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và phương pháp làm bài cũng như xây dựng được tâm lý vững vàng trong quá trình thi, Phùng Thị Bích Phương đã đạt được số điểm 17/20 điểm và nhận giải nhất tại kỳ thi này.

Bích Phương cho biết, em bắt đầu đến với môn Lịch sử rất tình cờ. Cấp 2, Phương học rất giỏi môn tiếng Anh và thường xuyên được lựa chọn vào đội tuyển của trường. Nhưng đến năm lớp 9, đội tuyển Anh không còn, cô giáo liền chuyển em sang đội Sử. Thế rồi, trong kỳ thi vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong , Phương rất bất ngờ thi đỗ vào lớp chuyên Sử. Cũng từ đó, tài năng và niềm đam mê môn học này của Phương ngày càng phát triển.

Mặc dù vậy, niềm yêu thích tiếng Anh vẫn ở trong em. Phương luôn say sưa với môn học này, và thường xuyên trau dồi từ mới bằng sở thích ghi và hát các ca khúc tiếng Anh. Đặc biệt, tuy được tuyển thẳng đại học, nhưng cô nữ sinh này vẫn sẽ dự thi khối D trong kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới và hy vọng được trở thành phiên dịch viên.

Học Lịch sử cũng cần tư duy

Là một học sinh chuyên Sử, Bích Phương rất băn khoăn về quan niệm của xã hội chưa nhận thức đúng về môn học này, và lý giải nguyên nhân vì sao nhiều bạn trẻ hiện nay không còn hứng thú với Lịch sử .

Bích Phương tâm sự: “Ngay khi bước chân vào lớp Sử, em cảm thấy luôn có sự thiệt thòi hơn các bạn khối chuyên khác. Đó chính là vì quan niệm của mọi người. Khi nghe nói em là học sinh trường Lê Hồng Phong, ai cũng khâm phục, nhưng biết em học chuyên Sử, nhiều người thay đổi ngay thái độ, bởi họ nghĩ rằng chúng em chỉ cần học thuộc giỏi”.

Tuy nhiên, đối với các bạn chuyên Sử, học thuộc cũng là một kỹ năng cần thiết nhưng không phải tất cả. Bích Phương nhận thấy: “Đề thi đại học môn Sử khối lượng câu hỏi học thuộc chiếm khoảng hơn 40%. Nhưng đề thi học sinh giỏi quốc gia tất cả các câu hỏi đều buộc chúng em phải tư duy, hầu như không có phần nào chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc”.

Vì vậy, Phương mong muốn mọi người sẽ thay đổi quan niệm về giá trị của môn lịch sử trong nhà trường cũng như những học sinh, giáo viên đã và đang theo đuổi môn học này.

Phương cho rằng lịch sử rất sinh động và phong phú, không hề nhàm chán như nhiều bạn trẻ hiện nay suy nghĩ.

Phương cho rằng lịch sử rất sinh động và phong phú, không hề nhàm chán như nhiều bạn trẻ hiện nay suy nghĩ.

Một một thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là đối với nhiều bạn trẻ, Lịch sử là một môn học khô khan và “dày đặc” các sự kiện khó nhớ. Chính vì thế, trong kỳ thi đại học nhiều năm gần đây, hàng nghìn bài thi sử điểm 0 đang khiến các nhà giáo dục đau đầu.

Là một học sinh chuyên sử và đam mê môn học này, Phương cho rằng lịch sử rất sinh động và phong phú, không hề nhàm chán như nhiều bạn trẻ hiện nay suy nghĩ. Cô bạn lý giải nguyên nhân của hiện tượng này: “Theo em, môn Lịch sử kém hấp dẫn các bạn trẻ bởi sách giáo khoa toàn chữ”.

Nữ sinh này hy vọng nếu lịch sử dân tộc được xây dựng thành bộ phim, cuốn truyện tranh chắc chắc sẽ lôi cuốn. Đó là lý do mà Phương cũng như nhiều bạn trẻ rất thích những clip thú vị về lịch sử như Đại chiến sông Bạch Đẳng hay Việt Nam – hình hài một chữ S.

Ngoài ra, Phương chia sẻ lý do khiến mình yêu môn Sử và không hề cảm thấy nhàm chán chính là do cách dạy của các thầy cô ở trường thường xuyên tổ chức cho các bạn xem những bộ phim, clip về những sự kiện nổi bật của đất nước.

Với mong muốn khám phá và tìm hiểu nhiều điểu lý thú về Lịch sử , bên cạnh việc thi khối D, Bích Phương dự định sẽ nộp hồ sơ tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn.

Khâm phục các bạn nam khối C

Trong môi trường “âm thịnh dương suy” của lớp chuyên Sử, Bích Phương không hề cho rằng các bạn nam khối C “nữ tính”, ngược lại em rất khâm phục những người bạn này.

Em chia sẻ do đặc thù các môn học của khối C rất cần sự chăm chỉ nên sẽ phù hợp hơn với các bạn nữ, ngoài ra tâm lý của xã hội thường thích con trai theo học các khối tự nhiên vì cho rằng như vậy mới “mạnh mẽ”, nên việc các nam sinh vượt qua được những khó khăn này để đến với các môn xã hội và thể hiện tài năng của mình là điều đáng ngưỡng mộ.

Bích Phương rất khâm phục các bạn nam học khối C.
Bích Phương rất khâm phục các bạn nam học khối C.

Phương cho biết, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lần này, ba trong số năm giải nhất môn Lịch sử thuộc về các bạn nam. Điều đó chứng tỏ các nam sinh khối C rất thông minh và học giỏi.

Không những thế, các nam sinh trong lớp Phương còn rất “ga lăng”, thường xuyên đem đến những món quà bất ngờ, tiết mục văn nghệ dí dỏm, trò chơi vui nhộn dành cho các cô gái nhân dịp những ngày lễ dành riêng cho phái đẹp.

Chưa từng “say nắng” một anh chàng nào, và cũng không đặt cho mình một mẫu bạn trai lý tưởng, Bích Phương bật mí có thể em sẽ chọn một chàng trai khối C nếu nhận ra người đó chính là “một nửa” đích thực của mình.

Infonet