Hy hữu: Điểm chuẩn 9 cũng chỉ tuyển được... 6 sinh viên

05/02/2013 16:06
Quyên Quyên
(GDVN) - Thông tin này được GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, đưa ra để cho thấy cơ chế “điểm sàn” không phù hợp với thực tế tuyển sinh, đồng thời đề nghị mạnh mẽ Bộ GD&ĐT phải công khai phổ điểm thi của từng năm để có xã hội giám sát công tác thi cử.
(xem thêm: Hiệu trưởng ĐH FPT: "Bộ có muốn phát triển trường ngoài công lập nữa hay không"?)
Cuối tuần qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (Vipua) đã tổ chức hội nghị xây dựng đề án thi tuyển sinh riêng, trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Cuộc họp ghi nhận một vấn đề nóng bỏng được đại diện các trường ngoài công lập thảo luận rất kỹ, đó là “điểm sàn”, kèm theo đó là chuyện Bộ không công bố phổ điểm. Và những phát hiện của GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, thực sự khiến hội nghị “bùng nổ”.

GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: Đề nghị Bộ công khai phổ điểm của từng môn thi và của ba môn thi đối với từng khối thi.
GS Hoàng Xuân Sính, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long: Đề nghị Bộ công khai phổ điểm của từng môn thi và của ba môn thi đối với từng khối thi. 

Bộ “mở” hay “đóng” cơ hội đối với trường ngoài công lập?

Trong Công văn số 487/BGDĐT-KTKDCL ngày 18/1/2013 do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký có nêu: các trường ĐH, CĐ ngoài công lập xây dựng đề án thi tuyển sinh riêng cho mình, để thực hiện quyền tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, trình Bộ phê duyệt.

Thực tế, nguồn tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập 2 năm trở lại đây rơi vào tình trạng cạn kiệt, nếu kéo dài nhiều trường chỉ còn nước “đóng cửa”, nên Công văn này được Vipua và nhiều trường đón nhận như một làn gió mới, cơ hội mới.

Luật Giáo dục Đại học (trích)

Điều 32. Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

(...)

Điều 34. Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh

1. Chỉ tiêu tuyển sinh:

(...)

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học;

(...)

2. Tổ chức tuyển sinh:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

Thế nhưng, GS Hoàng Xuân Sính lại nhìn nhận Công văn này ở góc độ hoàn toàn khác. “Bộ trả lời công văn tưởng là mở cơ hội cho các trường ngoài công lập nhưng thật ra là đóng vấn đề luôn rồi”!

Bà lý giải: Trong công văn nêu rõ phương án tuyển sinh phải phù hợp với quy định tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học. Nếu theo luật, muốn tự chủ thì trước hết trường đó phải đạt chất lượng kiểm định của Bộ trước đã. “Giời ơi, trong bốn, năm trăm trường ĐH, CĐ đến thời điểm này, Bộ mới kiểm định được khoảng hơn 20 trường, thì thực hiện tự chủ kiểu gì đây”?

Từ đó, GS Hoàng Xuân Sính đề nghị cuộc họp bàn vào vấn đề trọng tâm là chỉ ra thực chất “điểm sàn”, và đề nghị Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm tuyển sinh từng năm để xã hội có cơ sở nhìn nhận đánh giá “điểm sàn” (nếu vẫn duy trì) đưa ra đúng hay không. “Không có phổ điểm, đấu tranh rất khó”, bà nói.

PGS.TS Vũ Phán, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, tán thành: “Bộ nói cho tự chủ nhưng kéo theo đó lại là các điều kiện như: phải có kiểm định chất lượng, không được xét tuyển từ THPT v.v. Như trường chị Sính uy tín mấy chục năm như vậy cũng chưa hề được kiểm định chất lượng. Vậy thì phải tự chủ kiểu gì? Theo tôi cần bỏ ngỏ việc xác định điểm sàn cho các trường”. 

Đồng tình, PGS Hoàng Hựu Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, nói: “Đúng là theo Công văn của Bộ thì các trường không thể làm gì được. Bộ bảo trình phương án tuyển sinh nhưng Bộ cũng không đưa ra tiêu chí nào cả”...

Sự thực về chất lượng “điểm sàn” và chuyện giấu phổ điểm

Chia sẻ thêm với Giaoduc.net.vn bên lề cuộc họp, GS Hoàng Xuân Sính đặt vấn đề: Trong vài năm trở lại đây, số lượng trường công lập phát triển từ hệ trung cấp, cao đẳng xin lên thành đại học nở rộ. Trường công ngày càng nhiều so với tình hình phát triển về kinh tế, khoa học, tài chính của đất nước. Với cái mác Đại học, họ dễ thu hút sinh viên hơn, nhưng thực ra chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Đào tạo tràn lan và chất lượng không đảm bảo, đó mới là nguy cơ. Và điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi của phần lớn thí sinh rơi vào khoảng 7-8/30 điểm, trong khi điểm sàn được Bộ GD&ĐT chọn lại dao động từ 13 đến 15 điểm. Điều này cho thấy, “điểm sàn” cao so với học lực của học sinh.

GS Hoàng Xuân Sính cho rằng: Điều Bộ GD&ĐT rất sợ khi họp Quốc hội đó là vấn đề “điểm sàn”. Bởi nếu “điểm sàn” thấp đi nghĩa là học sinh học kém đi. Điều này liên quan đến cả một nền giáo dục trong năm đó.

Vấn đề "điểm sàn" cũng phụ thuộc vào đề thi, bởi có những đề thi không khó nhưng lại “đánh đố” bằng mẹo, có những đề thi khó nhưng chỉ cần học chăm chỉ chương trình sách giáo khoa thì sẽ làm được. Như vậy, Bộ GD&ĐT đã không xem xét kỹ đề thi mà Ban đề thi đã làm, để xảy ra tình trạng “điểm sàn” cao hơn so với điểm thật của sinh viên.

Đồng thời, theo GS Hoàng Xuân Sính, việc Bộ GD&ĐT không công khai công bố phổ điểm trước xã hội dẫn đến câu hỏi, phải chăng việc xác định điểm sàn đã “không trúng” (phổ điểm nói lên điểm sàn có đúng hay không so với thực tế)?

Bà phân tích: Sâu xa hơn việc không công khai phổ điểm là việc không tính đến điểm điểm trung bình của sinh viên, điều này dẫn đến tình trạng các trường ngoài công lập không tuyển sinh được. Vì vậy, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cần đề nghị Bộ công khai phổ điểm; trong cuộc thảo luận về “điểm sàn” diễn ra hàng năm đề nghị Bộ mời Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cùng các chuyên gia tới để tăng tính dân chủ trong vấn đề “điểm sàn”.

"Thứ trưởng Bùi Văn Ga từng nói trước báo chí thừa nhận điểm sàn có những năm không chính xác. Vì vậy chúng ta cần góp ý với Bộ về điểm sàn và cách xác định điểm sàn" - PGS.TS Vũ Phán, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông nói tại cuộc họp xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, ngày 1/2/2013.


Chuyện thời chưa có “điểm sàn”

GS Hoàng Xuân Sính đưa ra một câu chuyện có thực: Ngày chưa có “điểm sàn”, Trường ĐH Thăng Long năm 1993 đã phải hạ thấp xuống 9 điểm để tuyển sinh, vậy mà chỉ lấy được 6 sinh viên trong một khoa, số còn lại chê là trường dân lập không chịu vào. Năm đó, cả trường Đại học Thăng Long đều run, mọi người bảo không tuyển sinh viên nữa, nhưng quan điểm của GS Hoàng Xuân Sính là, dù ít cũng phải tuyển, vì nếu không tuyển sinh thì năm sau sẽ không có học sinh thi vào, mặc dù biết dạy 6 sinh viên thì sẽ lỗ.

"Trường ĐH Thăng Long hồi đầu đã liên tiếp bù lỗ như vậy. Điều này cho thấy, đối với mỗi trường khi không có sinh viên thì phải căn cứ từng trường hợp mà hạ điểm xuống. Nếu Bộ GD&ĐT chỉ dựa vào "điểm sàn" thì các trường sẽ phải bù lỗ rất nhiều và việc đóng cửa ngành rồi dần dần đóng cửa trường là đương nhiên".

Khách quan mà nói, trường ngoài công lập mới mở rất khó có sinh viên, nhất là trong tình trạng quá nhiều trường đại học công lập mới mở như hiện nay. ĐH Thăng Long là trường dân lập đầu tiên vươn lên từ khó khăn, khẳng định uy tín, nhưng với chính sách của Bộ GD&ĐT gần đây, GS Hoàng Xuân Sính lo sợ năm học tới sẽ khó tuyển sinh.

"Một khi tài chính không đủ thì việc đóng cửa trường sẽ dẫn đến khó khăn rất lớn: công ăn việc làm của giảng viên, nhân viên, và việc học của sinh viên giải quyết thế nào? Đây là một vấn đề tác động rất lớn đến xã hội, không thể nhắm mắt làm ngơ. Vấn đề tài chính là cốt lõi của các trường ngoài công lập. Lúc đầu thành lập trường tư, nhà nước chỉ đòi hỏi vốn điều lệ là 10 tỷ, sau là 30 tỷ, sau nữa tăng lên 50 tỷ, nhưng thực chất mức vốn đổ vào phải là 200 tỷ. Bởi vì các hoạt động từ đền bù đất cho tới xây trường đã ngốn hết cả đống tiền rồi, vậy là tới khi bước vào đào tạo không còn kinh phí mà xoay nữa, cho nên không tuyển sinh được thì nhiều trường cứ thoi thóp, không thể tiếp tục cũng như không đem con bỏ chợ được".

“Hiện nay vấn đề tuyển sinh gấp rút như sóng thần ập đến nơi rồi, gây nên nỗi lo lắng chung của hệ thống các trường ngoài công lập. Bởi tuyển sinh là vấn đề sống còn của các trường. Lo thì lo, nhưng không nhìn thấy lối thoát. Trong khi đó, nếu thật sự muốn giúp đỡ thì Bộ có đầy đủ khả năng”, GS Hoàng Xuân Sính nói.

Sau hội nghị xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh trình Bộ phê duyệt, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã soạn Công văn gửi Bộ GD&ĐT. Bạn đọc quan tâm có thể đọc công văn TẠI ĐÂY.


Quyên Quyên