Cần cụ thể trường hợp được nổ súng

27/04/2011 06:25
Nhiều luật, pháp lệnh cho phép trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng lại chẳng có quy định cụ thể việc sử dụng.

Nhiều luật, pháp lệnh cho phép trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng lại chẳng có quy định cụ thể việc sử dụng.

Clip: náo loạn vì 4 người cầm súng áp tải đối tượng
Lãnh đạo CA Hải Phòng trả lời vụ 4 người giương súng giữa phố
Tin thêm vụ 4 người giương súng trên phố tại Hải Phòng

“Nổ súng là việc rất hệ trọng, có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người và những hệ lụy chính trị khác. Tuy nhiên, pháp luật mới chỉ quy định chung là “sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật” chứ chưa có quy định cụ thể, được nổ súng trong trường hợp nào dẫn đến những bất cập nhất định” - đó là ý kiến được Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu ra trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 26/4.
Phải tuân thủ quy định Bộ luật Hình sự
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, hiện nay Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Hải quan, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Pháp lệnh công an xã… đã cho phép lực lượng chức năng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, tuy nhiên lại chưa có quy định cụ thể việc sử dụng. Trong khi đó, kết quả giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thời gian qua cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí nhưng việc quản lý lỏng lẻo, lúng túng. Nhiều trường hợp nổ súng gây chết người, hoặc bị thương dẫn đến bị khởi tố vụ án hình sự.
Đi sâu vào quy định về các trường hợp được nổ súng được đề cập trong dự thảo trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng nhiều quy định chưa được chặt chẽ, rõ ràng. Chẳng hạn: Lực lượng chức năng được phép bắn hỏng phương tiện khi có căn cứ trên phương tiện giao thông vận tải có chở đối tượng phạm tội đang chạy trốn hoặc dùng phương tiện giao thông vận tải để tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ. “Quy định như trên sẽ rất khó áp và dễ bị lạm dụng” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, việc xác định các trường hợp được nổ súng trong thời bình cần phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết. Ngoài ra, có thể quy định cho từng lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng được nổ súng trong từng tình huống cụ thể như tình huống được nổ súng tiêu diệt mục tiêu ngay mà không cần phải xin ý kiến; tình huống phải có lệnh của cấp có thẩm quyền; tình huống chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác.
Cấm cá nhân sở hữu súng, đạn
Theo ông Bình, hiện nay hiến pháp và các văn bản luật của Nhà nước chưa có quy định về vấn đề sở hữu súng, đạn. Một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không cho phép cá nhân được sở hữu súng, đạn. Nhưng thực tế có một số lượng súng, đạn đã được tổ chức, cá nhân mua và được cấp phép sử dụng trước đây như súng hơi, súng săn tự chế của đồng bào dân tộc miền núi, súng là chiến lợi phẩm, kỷ vật mà số quân nhân khi ra quân không giao nộp lại… Do đó, trong pháp lệnh cần có quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu súng, đạn.
Ngoài ra, đối với việc trang bị vũ khí, công cụ cho các đối tượng, theo ông Bình, có nhiều ý kiến đề nghị không nên trang bị vũ khí quân dụng cho các cơ quan, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng khác phải căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng đấu tranh để quyết định trang bị cho phù hợp. Đồng thời, chỉ nên trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nhằm làm tê tiệt khả năng kháng cự của đối tượng, hoặc làm vô hiệu hóa hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho xã hội.

Một số trường hợp được phép nổ súng

Trong khi làm nhiệm vụ, sau khi đã nổ súng cảnh cáo mà đối tượng không tuân lệnh, người được giao vũ khí được nổ súng khi:
- Đối tượng đang sử dụng vũ khí tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của mục tiêu bảo vệ, lực lượng bảo vệ mục tiêu.
- Đối tượng đang phá trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; đối tượng đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải; phạm nhân đang nổi loạn cướp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc trốn trại giam.
- Đối tượng đang có hành vi dùng vũ lực, sử dụng vũ khí quân dụng gây nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng của người khác.
- Đối tượng đang có hành vi dùng vũ lực, sử dụng vũ khí quân dụng chống lại hoặc uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ.
Các trường hợp được phép nổ súng bắn hỏng phương tiện:
- Người điều khiển phương tiện không tuân lệnh, cố tình chạy trốn; khi người kiểm soát phương tiện giao thông vận tải ra lệnh và đã biết rõ trên phương tiện đó có vũ khí trái phép hoặc có tài liệu phản động, tài liệu bí mật quốc gia, tài sản quý hiếm thuộc diện cấm lưu thông.
- Có căn cứ cho thấy chở đối tượng phạm tội đang chạy trốn.
- Dùng phương tiện giao thông để tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ.
(Trích dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ)
Theo Thành Văn/Pháp luật TPHCM