Starbucks lạc lõng giữa “gu” uống cà phê của người Sài Gòn

09/02/2013 10:36
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - Thương hiệu cà phê Starbucks vừa khai trương, đã đi ngược lại với “gu” uống cà phê với mục đích thư giãn của người Sài Gòn.

Cách phục vụ của Starbucks không hợp “gu” với người Sài Gòn


Dù là một hoa hậu đi chăng nữa, nhưng nếu bước vào một ngôi nhà nào đó, cũng cần phải “nhập gia tùy tục”. Dường như  “người đẹp” Starbucks đang quá tự tin vào nhan sắc của mình, vẫn mặc nguyên bộ váy cũn cỡn, tự tin bước vào một ngôi chùa, mặc cho nhiều lời phản ứng.

Starbucks là thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới, không có gì bàn cãi. Nhưng cách phục vụ của thương hiệu cà phê này đã lộ dần khuyết điểm, đi ngược lại với “gu” thưởng thức cà phê của người Sài Gòn.

Trước tiên là muốn uống được ly cà phê Starbucks, khách hàng phải xếp hàng mất rất nhiều thời gian, bất kể giờ giấc là buổi tối hay giữa trưa nắng! Trong những ngày qua, nhiều khách hàng than phiền cách xếp hàng này biến họ giống như là một kẻ đi xin, chờ bố thí hơn là một “thượng đế”, phải bỏ tiền ra để thưởng thức cà phê!

Chầu chực, xếp hàng dưới trời nắng để được thưởng thức cà phê Starbucks.
Chầu chực, xếp hàng dưới trời nắng để được thưởng thức cà phê Starbucks.


Starbucks có vượt qua những

Starbucks có vượt qua những "rào cản" này ở thị trường Việt?

Starbucks lộ những điểm yếu đầu tiên ở thị trường Việt

Starbucks lộ những điểm yếu đầu tiên ở thị trường Việt

Hãy nhìn lại lượng khách hàng của Starbucks trong mấy ngày khai trương, gần như lứa tuổi “teen” chiếm đa số. Đây là lứa tuổi chỉ thích những điều mới lạ, thỏa mãn những tò mò kiểu “cả thèm, chóng chán”. Còn những doanh nhân thành đạt hoặc ở lứa tuổi trung niên, chắc chắn không thể nào chịu “chui” vào quán cà phê làm mình… căng thẳng ngay từ cửa ngõ như thế.

Nhìn các bạn trạc tuổi mình đứng xếp hàng hàng giờ trước hàng rào bảo vệ dưới trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, chờ đến lượt vào bên trong thưởng thức cà phê Starbucks, siêu mẫu Lương Công Tuấn nói: “Thay vì đổ mồ hôi, công sức, thời gian chỉ vì một ly cà phê, tôi nghĩ các bạn hãy dành mồ hôi đó để làm những việc có ích hơn. Tôi nhìn các bạn xếp hàng, tôi thấy buồn và không hiểu tại sao các bạn lại đi hành xác mình như vậy?

Mấy ngày qua, bạn bè cũng rủ tôi đi thưởng thức cà phê Starbucks nhưng tôi đã từ chối. Tôi không muốn biến mình thành kẻ đáng thương trong mắt mọi người, tự đánh mất giá trị của mình bằng cách chầu chực như thế, dù là tôi phải móc tiền để trả cho ly cà phê mình uống”.

Vất vả ngay từ cửa “vào”, khi đã “vào” được bên trong, càng cảm thấy thất vọng và chán hơn. Khách phải tự bước đến quầy, chọn thức uống, rồi đứng đợi nhân viên pha chế, xong bưng ra bàn ngồi thưởng thức, trong khung cảnh xô bồ, mất hẳn không gian lãng mạn thường thấy của một quán cà phê ở Sài Gòn.

Siêu mẫu Lương Công Tuấn đầm đìa mồ hôi trong một chuyến từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Siêu mẫu Lương Công Tuấn đầm đìa mồ hôi trong một chuyến từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Trái ngược với những giọt mồ hôi vì... ly cà phê Starbucks của các bạn trẻ này.
Trái ngược với những giọt mồ hôi vì... ly cà phê Starbucks của các bạn trẻ này.


Theo lời một khách hàng “teen”, giá thức uống rẻ nhất là 80.000 đồng/cốc. Điều đáng nói, tuy có giá “cắt cổ” nhưng  thức uống được đựng trong một cái ly nhựa rất “dã chiến”, bình dân như một cái ly đựng nước sâm vỉa hè.

Ngay thời điểm này, ông chủ quán cà phê Starbucks có thể đắc ý nhìn dòng người đông đúc, mồ hôi nhễ nhại, xếp hàng chờ đến lượt bước vào mua cà phê của mình. Nhưng chắc gì thời gian tới những khách hàng này sẽ trung thành với thương hiệu Starbucks? Trong khi khách hàng của Starbucks trong những ngày qua, phần lớn ở độ tuổi ăn, tuổi học, còn phải xin tiền bố mẹ, thì lấy đâu ra tiền thường xuyên chịu khó….“xếp hàng”? Hay là các em chỉ vì tò mò, “gồng mình” đến “thử” cà phê Starbucks một lần cho biết, để có chuyện để khoe với bạn bè “Tao uống cà phê nổi tiếng nhất thế giới rồi nhé!”, rồi vĩnh viễn “bái bai” thương hiệu này?

Trong khi những khách hàng có tiềm năng, giàu có thì họ không dại gì mất thời gian đến Stabucks để bị… hành hạ. Chắc chắn họ sẽ chọn những thương hiệu cà phê mà họ quen thuộc bấy lâu nay.

Người Sài Gòn, đi uống cà phê theo thói quen, đúng nghĩa thưởng thức thức cà phê và thư giãn. Ngoài cà phê ngon, các “thượng đế” cần một không gian thoáng đãng và khi họ hài lòng quán nào, sẽ thường xuyên lui đến như một thói quen hàng ngày, thậm chí phải ngồi đúng cái ghế đó, cái bàn đó. Người “nghiện” cà phê ở Sài Gòn ít khi chịu đi đến một quán “lạ”.

Một đặc điểm nữa, người Sài Gòn phóng khoáng, không và không bao giờ chịu kiên nhẫn xếp hàng để mua một món hàng, huống chi món hàng đó lại chỉ là một… ly cà phê! Điều quan trọng nữa, người Sài Gòn không có thói quen tự phục vụ khi sử dụng một dịch vụ nào mà họ phải… tốn tiền. Vì vậy, gần như ở tất cả các quán cà phê tại thành phố lớn nhất của cả nước này, đều có rất nhiều nhân viên, phục vụ “tận răng” cho khách, khi khách vừa bước chân vào quán.

Không gian lộn xộn, mất hẳn tính lãng mạn đúng "gu" của văn hóa cà phê Sài Gọn tại quán cà phê Starbucks.
Không gian lộn xộn, mất hẳn tính lãng mạn đúng "gu" của văn hóa cà phê Sài Gọn tại quán cà phê Starbucks.


Sự chu đáo của nhân viên các quán cà phê, đã trở thành một thói quen, cũng như đã trở thành nét văn hoá “cà phê” ở Sài Gòn: Khi khách vừa ngồi lên ghế, đã có ngay nhân viên bưng ngay ly trà đá miễn phí ra trước, giúp khách giải cơn khát, trong thời gian chờ đợi chế biến thức uống mà khách đã chọn.

Ở thành phố lớn nhất và năng động nhất của cả nước này, người ta có thể uống một ly cà phê bình dân ở vỉa hè, chỉ có giá từ 8.000 – 10.000, cũng có thể vung tay uống một ly cà phê có giá từ 30.000 – 80.000 đồng, thậm chí tính bằng tiền USD, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh… Dù thế nào, sự thoải mái vẫn được đặt lên hàng đầu.

Cho dù cà phê Starbucks tự hào là đã rất thành công, được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, chưa chắc điều đó thành hiện thực ở Sài Gòn, với cách phục vụ “ngược”lại  với “gu” thưởng thức cà phê của những thượng đế của mình...

Người Sài Gòn uống cà phê từ bình dân đến… cao cấp, miễn sao thoải mái

Mỗi buổi sáng, tầm khoảng 7 giờ, quán cà phê vỉa hè nằm gần ngã tư Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân, thuộc quận 3, đông nghẹt khách. Ngồi trên ghế “xúp”, dựa lưng vào tường, thêm một chiếc ghế để hai, ba ly cà phê chung của từng ấy khách, nhưng có cái thú vị riêng. Những câu chuyện “trên trời, dưới đất” được bàn tán sôi nổi, từ chính trị, đời sống trong nước đến quốc tế, từ lĩnh vực nghệ thuật đến thể thao…

Đừng tưởng quán cà phê bình dân này chỉ tiếp khách…bình dân. Đối tượng khách ở đây đa số là công nhân viên chức của các công ty gần đó, uống một ly cà phê cho tỉnh táo đầu óc trước khi vô làm. Điều đáng nói là ở quán cà phê vỉa hè này, có rất nhiều quý ông lái xe hơi đời mới như Lexus, Camry, BMW… tấp vào uống. Giá cà phê khá “bèo”, chỉ 10.000 đồng/ly.

Cái thú vị của quán vỉa hè, đó chính là vừa uống cà phê, vừa nhìn dòng đời xuôi ngược, vừa được nghe đủ chuyện của cuộc sống. Lúc sinh thời, nhà văn Sơn Nam rất thích uống cà phê kiểu này và ông đã  góp nhặt “tư liệu” sống, chấp bút rất nhiều truyện ngắn để đời. Loại hình cà phê này, gần như có mặt khắp Sài Gòn, đặc biệt là thường hay “toạ lạc” gần cổng các công ty, đối tượng phục vụ  là các công nhân viên chức.

Cà phê "bệt" ở công viên 30/4, Quận 1.
Cà phê "bệt" ở công viên 30/4, Quận 1.


Cũng cà phê vỉa hè, nhưng nếu ở độ tuổi “teen”, có thể ra khu công viên 30/4, trước dinh Thống Nhất. Khu vực này được gọi là khu cà phê bệt”. Muốn uống cà phê ở đây, khách phải tìm chỗ gửi xe, thông thường là ở một quán cà phê “hộp” gần đó, vì nếu để xe trên vỉa, bị công an phạt ráng chịu. Giá gửi xe chỉ 5000 đồng/lượt.  Cứ vào công viên ngồi, sẽ có người ra hỏi bạn uống gì. Lúc nhân viên mang nước ra, sẽ mang kèm cho bạn một tờ giấy báo để… lót ngồi, xong thu tiền một ly nước có giá từ 10.000 – 12.000, tuỳ loại.

Những ngày cuối tuần, dưới tán mát rượi của những cây cổ thụ trên 100 tuổi, ở công viên 30/4 có hàng trăm bạn trẻ, đa số là sinh viên tập trung, vừa đàn hát, vừa nhấm nháp cà phê, nước ngọt… Nếu uống vào buổi tối, thỉnh thoảng các bạn trẻ còn được nghe tiếng đàn Violin của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải. Ông già này rất thích kéo đàn cho các bạn sinh viên hát nhạc Trịnh, không đòi hỏi gì, vui là chính…

Cách khu vực cà phê “bệt” vài trăm mét là cà phê Windows 4, cà phê Đá. Xa một chút là thiên đường cà phê Hồ Con Rùa, tập trung các quán: Ngõ Thời gian, 42, Gió Bắc… Những quán vừa kể, chủ yếu là cà phê “hộp”, có máy lạnh, kiêm luôn phục vụ thức ăn.  Nhân viên phục vụ ở những quán này đa số là nam, cực kỳ lễ phép, niềm nở với khách hàng. Không cần biết khách uống gì, nhưng nhân viên sẽ mang ngay ra cho khách một ly trà đá, trong thời gian chờ khách chọn thức uống.

Khách vào uống một ly cà phê đá có giá từ 35.000 – 40.000, xài wifi thoải mái, ngồi suốt ngày mà không bị than phiền. Đặc biệt là ly trà đá của khách không bao giờ cạn, vì vừa vơi là đã có nhân viên bước đến gần, lịch sự đứng khép nép phía sau châm đầy. Nếu khách hút thuốc, gạt tàn không thể “tồn tại” quá 5 tàn thuốc, đã có nhân viên bước ra thay gạt tàn mới.

Không gian mang hồn quê đầy lãng mạn của quán cà phê ở khách sạn 5 sao Rex.
Không gian mang hồn quê đầy lãng mạn của quán cà phê ở khách sạn 5 sao Rex.


Cũng là dạng quán này, những người nghiện cà phê, có thể đến thiên đường cà phê thứ 2 tại Sài Gòn ở khu cư xá Bắc Hải, thuộc quận 10 hay khu vực đường Phan Xích Long, Phú Nhuận. Còn nếu khách thích không gian cà phê sân vườn thoáng đãng, nghe nhạc tiền chiến hay nhạc Anh bất hủ, có thể tìm đến các quán: Suối đá (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Tino Garden (Nguyễn Thượng Hiền, Quận 3), Sỏi đá (Ngô Thời Nhiệm), Mộc Miên (Quang Trung, Gò Vấp), Miền đồng thảo (Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận), Hội ngộ (Lê Văn Sĩ, Phú Nhuận)… Tất cả các quán có giá cà phê đá chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/ly cà phê đá, nhân viên phục vụ tận tình.

Muốn “đồng quê” hơn, khách chịu khó chạy xe khoảng 15 phút,  ra khu vực Thanh Đa, ngồi ghế bố, ngắm trăng thanh, gió mát sông Sài Gòn, uống cà phê. Khu vực này đa số dành cho các cặp tình nhân, có cả “chuồng” kín đáo cho họ tình tứ. Thức uống cũng chỉ nhỉnh hơn so với các quán bình thường khu vực trung tâm thành phố đôi chút.

Cao cấp hơn, là thưởng thức cà phê ở các khách sạn 5 sao như: Rex, Sheraton, Park Hyatt, Caravele... Các doanh nhân thành đạt thường uống ở các quán cà phê này, vừa thuận lợi bàn công việc làm ăn, vừa chứng tỏ đẳng cấp “V.I.P” và đương nhiên giá một ly cà phê đá không hề rẻ: Trung bình khoảng 5 USD!

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!


Lê Ngọc Dương Cầm