“Bè lũ 4 đội” tìm cách ngăn chặn Chelsea & Man City tiếp tục tiêu tiền

07/02/2013 17:09
H.Q
(GDVN) – 4 đội bóng đó chính là Arsenal, Liverpool, Tottenham, và tất nhiên, Manchester United.
Goal.com tiết lộ rằng cách đây 3 tháng một bức thư do đại diện của 4 đội bóng, Manchester United, Arsenal, Liverpool và Tottenham đã được chuyển tới ban tổ chức Premier League. Nội dung của bức thư yêu cầu Premier League phải áp đặt luật tài chính Công Bằng, một điều luật sắp được UEFA áp dụng trong thời gian tới với các CLB châu Âu.
Điều luật tài chính này đòi hỏi các ông chủ sở hữu CLB không được quyền bao tiêu các khoản lỗ mà một CLB đang có sau một năm tài chính. Giám đốc điều hành David Gill của Man Utd phát biểu: “Premier League sẽ tận hưởng một nguồn thu nhập từ bán bản quyền truyền hình, điều đó tạo cơ hội cho các CLB làm ăn có lãi trong giai đoạn chuyển giao này”.

David Gill (phải) cùng đại diện của Arsenal, Liverpool và Tottenham đã đòi Premier League phải áp dụng luật tài chính Công bằng.
David Gill (phải) cùng đại diện của Arsenal, Liverpool và Tottenham đã đòi Premier League phải áp dụng luật tài chính Công bằng.

Theo luật của UEFA, các chủ sở hữu CLB có quyền bao tiêu khoản nợ lên tới mức 39 triệu bảng trong 3 năm đầu thi hành luật tài chính Công bằng. Sau 3 năm, việc bao tiêu nợ sẽ bị cấm.
Trong cuộc gặp giữa đại diện của các CLB vào tháng 11/2012, đại diện của 16 CLB đã đồng ý với ý kiến được đưa ra của 4 đội bóng lớn trên. Chỉ có Fulham, Aston Villa, West Brom và Man City phản đối vì những lý do khác nhau.
Tuy nhiên thực tế cho thấy sẽ không chỉ có 4 CLB đó phản đối. Chelsea, Newcastle và Queens Park Rangers đều không muốn, bởi họ muốn được quyền bơm tiền một cách vô hạn, ít nhất thì cũng qua hình thức cầm cố tài sản thay vì vay tiền. Điều luật tài chính nếu được áp dụng sẽ ngăn chặn những đội bóng yếu hoặc đang nợ nhiều có cơ hội vươn lên, còn những CLB mạnh vẫn sẽ tiếp tục mạnh.

Bất bình đẳng

Điều luật tài chính Công bằng của UEFA được áp dụng cho các CLB thành viên bởi vì UEFA không thể kiểm soát nổi hơn chục quốc gia với hàng ngàn đội bóng chuyên nghiệp khác nhau. Nhưng Premier League lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Nhà báo Martin Samuel đã chỉ ra rằng nếu điều luật được thực thi trong nội bộ Premier League, nó sẽ thể hiện sự đối xử bất công với những CLB yếu, vì một số đội đã từng mạnh lên nhờ bỏ nhiều tiền mua cầu thủ, mà ví dụ điển hình là Manchester United cuối thập niên 1980, khi CLB này lập kỷ lục chuyển nhượng với Gary Pallister.

Điều luật mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng phá sản của các CLB chuyên nghiệp chi tiêu quá tay, nhưng nó sẽ biến Premier League thành giải đấu mà ở đó những đội bóng mạnh về tài chính và nằm ở những thị trường lớn (các thành phố đông dân) sẽ luôn luôn có cơ hội giành danh hiệu (và ở đây là nói trong một giai đoạn dài khoảng 10 – 30 năm), còn những đội ở thị trường nhỏ (địa phương ít dân) thì không ngóc đầu lên được.

Trong khi đó, ý tưởng về quỹ lương (Salary cap) không được cân nhắc. Mô hình tổ chức CLB chuyên nghiệp theo quỹ lương được người Mỹ sử dụng trong hơn 40 năm qua ở mọi giải đấu thể thao chuyên nghiệp nhằm tránh cho các đội thể thao bị phá sản. Người Mỹ đã học được bài học này khi giải vô địch Bắc Mỹ mà họ tổ chức – giải đấu từng quy tụ cả Pele và Franz Beckenbauer – sụp đổ vì sự thiếu nợ trầm trọng. Giải MLS ngày nay được tổ chức hoàn toàn theo mô hình quỹ lương.

H.Q