Mỹ sẽ hỗ trợ gì Nhật Bản khi xảy ra chiến tranh với Trung Quốc?

14/02/2013 10:17
Việt Dũng
(GDVN) - Về hành động, Mỹ-Nhật đang tích cực chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra ở các hòn đảo hướng tây nam...
Máy bay chiến đấu F-22 tại căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-22 tại căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản

Tờ nguyệt san “Kanwa Defense Review” số 2 của Canada vừa có bài viết cho rằng, một khi xảy ra xung đột quân sự Trung-Nhật, lực lượng không quân của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản là lực lượng tác chiến can thiệp trước tiên.

Trong giai đoạn đầu rất có khả năng Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản về tin tức tình báo, trang bị giống như đã hỗ trợ cho Anh trong cuộc chiến tranh quần đảo Falkland (hay quần đảo Malvinas) giữa Anh và Argentina trước đây.

Hỗ trợ tình báo gồm có cảnh báo sớm, chiến tranh mạng, thông tin, tin tức tình báo vệ tinh và tin tức tình báo hình ảnh.

Trong năm 2012, Bộ Ngoại giao Mỹ ít nhất đã 2 lần tái khẳng định đảo Senkaku nằm trong phạm vi có hiệu lực của Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật.

Tháng 8/2012, liên quân Mỹ-Nhật đã tiến hành cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ đảo tại Guam, Tinian, quân đoàn viễn chinh số 3 của Lính thủy đánh bộ Mỹ, lực lượng WaiR đóng ở Sasebo – Nagasaki cùng lữ đoàn 15 đóng tại Okinawa của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã tham gia cuộc diễn tập đổ bộ với tình huống là đoạt lấy những hòn đảo bị xâm chiếm.

Từ thành phần tham gia cuộc diễn tập có thể dễ dàng nhận thấy, về hành động, Mỹ-Nhật đang tích cực chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra ở các hòn đảo hướng tây nam.

Liên minh quân sự Nhật-Mỹ có tính chất đồng minh chặt chẽ, vì vậy các trang bị tác chiến chính của hải, không quân Mỹ-Nhật đều sử dụng liên kết dữ liệu Link16 chung, hải quân có liên kết dữ liệu Link11/14 tương đồng.

Tính thông dụng của vũ khí trang bị cũng tương đối mạnh. Một khi xảy ra bất cứ sự cố nào ở biển Hoa Đông, Mỹ sẽ can thiệp quân sự một cách “tự động”. Lực lượng tác chiến chủ yếu đương nhiên là do quân đồn trú Mỹ tại Nhật dẫn đầu.

Tiếp theo sẽ là lực lượng tác chiến không quân trong đến từ nước Mỹ, đặc biệt là lực lượng máy bay chiến đấu F-22. F-22 có nhiều tốp khác nhau đã nhiều lần đến triển khai luân phiên ở Okinawa, mỗi đợt khoảng 3 tháng.

Máy bay chiến đấu F-15C của quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F-15C của quân Mỹ

“Hiệp định trao đổi vật tư” được hai nước ký vào thập niên 90 của thế kỷ trước đã quy định rõ ràng, một khi có vấn đề xảy ra, Mỹ-Nhật sẽ chia sẻ vật tư tác chiến.

Đa số đạn dược của quân đội hai nước Nhật-Mỹ là thông dụng, quân Mỹ đã xây dựng kho hậu cần tuyến trước lớn nhất Viễn Đông ở Nhật Bản, những kho này gồm có tên lửa không đối không AIM-120, tên lửa không đối không tầm ngắn dòng AIM-9, các loại đạn dược pháo hạm…

Những đạn dược này cũng là trang bị thông dụng của Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Quân Mỹ cũng có thể lấy đạn dược tương tự từ các kho vật tư quân dụng của Nhật Bản. Thông qua phương thức này, tăng cường khả năng phản ứng nhanh của quân Mỹ khi xảy ra sự cố ở Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chức năng của quân Mỹ đóng ở Nhật Bản chủ yếu là ngăn chặn Quân đội Liên Xô đổ bộ lên Hokkaido, ngăn chặn bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan “có vấn đề xảy ra”.


Sau khi quan hệ hai bờ hòa dịu, chính sách điều chỉnh quân bị “quay trở lại châu Á” hiện nay thiên về tăng cường cảnh giới với sự trỗi dậy sức mạnh quân sự của Trung Quốc và phản ứng nhanh khi Trung-Nhật xảy ra sự cố.

Máy bay tiếp dầu trên không KC-135 của Mỹ
Máy bay tiếp dầu trên không KC-135 của Mỹ

Toàn lực hỗ trợ Nhật Bản đoạt lấy quyền kiểm soát trên không

Bài viết cho rằng, tranh chấp Trung-Nhật một khi leo thang thành xung đột quân sự thực tế, hoạt động do thám Trung Quốc của máy bay trinh sát, máy bay không người lái Không quân Mỹ sẽ tăng lên rõ rệt, những máy bay này bình thường đa số cất cánh từ Naha, Okinawa, do thám hai nước Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Một khi xảy ra xung đột trên không giữa Trung-Nhật mang tính chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm, máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ rõ ràng sẽ tham chiến, cung cấp hỗ trợ về hậu cần, đoạt lấy quyền kiểm soát trên không. Trừ phi xảy ra chiến tranh quy mô lớn toàn diện, Không quân Mỹ sẽ không tiến hành các hành động tấn công đối với lãnh thổ Trung Quốc.

Để đạt được mục đích tác chiến nêu trên, trên thực tế quân Mỹ đóng tại Nhật Bản đã liên tục tiến hành điều chỉnh sau năm 2000, đặc biệt là hải, không quân.

Năm 2010, quân Mỹ đóng tại Nhật Bản tổng cộng là 44.850 người, trong đó đóng ở lãnh thổ Nhật Bản là 22.078 người, đóng ở Okinawa là 22.772 người (Bộ Ngoại giao công bố). Một nửa lực lượng quân Mỹ đóng ở Okinawa chủ yếu là để ngăn chặn Trung Quốc.

Máy bay cảnh báo sớm E-3 Mỹ
Máy bay cảnh báo sớm E-3 Mỹ

Lực lượng hàng không số 5 Mỹ đóng ở Nhật Bản. Căn cứ lớn nhất của Không quân Mỹ ở Nhật Bản là căn cứ Kadena và căn cứ Misawa ở Okinawa, căn cứ Iwakuni ở Yamaguchi.

Căn cứ không quân Kadena là căn cứ lớn nhất ở Viễn Đông, cũng là căn cứ tuyến đầu chủ yếu nhất ngăn chặn Không quân Trung Quốc của Không quân Mỹ. Chính vì vậy, từ lâu, lực lượng không quân Trung Quốc không ngừng tăng cường khả năng tấn công của Hải, Không quân, Pháo binh 2 đối với căn cứ Kadena. Ở đây đã triển khai Liên đội hàng không 18 của Không quân Mỹ, với tổng số quân là 18.000 người.

Các phi đội máy bay chiến đấu 44, 67 trực thuộc lực lượng máy bay chiến đấu của Liên đội hàng không 18 có tổng cộng 24 máy bay chiến đấu F-15C/D. Một khi Trung-Nhật xảy ra chiến tranh, đây cũng là lực lượng máy bay chiến đấu F-15 của quân Mỹ gần Trung Quốc nhất.

Liên đội này cũng đã triển khai máy bay tiếp dầu trên không KC-135, máy bay cảnh báo sớm trên không E-3, có khả năng tác chiến liên hợp rất mạnh, đã tạo sự thống nhất giữa do thám và tấn công.

Cụm hàng không tác chiến đặc biệt 353 thực ra thuộc lực lượng tác chiến đặc nhiệm không quân trong nước, dùng cho không quân tác chiến đặc biệt. Trang bị máy bay vận tải chi viện hỏa lực trên không MC-130H/P. Tổng cộng có 3 phi đội, 750 quân.

Máy bay vận tải chiến trường MC-130H của Không quân Mỹ
Máy bay vận tải chiến trường MC-130H của Không quân Mỹ

Đội vận tải hàng không 733, mỗi tháng có gần 600 lượt bay từ trong nước, cung cấp 3.000 tấn vật tư tiếp tế.

Đội trinh sát 82 chuyên làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động phóng tên lửa đạn đạo, thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên. Trang bị các máy bay trinh sát/do thám như RC-135U/V/W, WC-135, cũng sử dụng để do thám vô tuyến điện trong thời bình.

Lực lượng tình báo 390 là bí ẩn nhất, chốt giữ ở Kadena, trực thuộc Cục Tình báo Không quân, phụ trách hoạt động thu thập tin tức tình báo đối với Không quân Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 3/2007, 12 máy bay F-22 của phi đội 27 Không quân Mỹ lần đầu tiên được điều tới Kadena tiến hành huấn luyện luân phiên. Đây là sự khởi đầu cho tăng cường tác chiến nhằm vào Không quân Trung Quốc của Mỹ.

Căn cứ Misawa triển khai phi đội máy bay chiến đấu 13 và 14, trực thuộc Liên đội hàng không 35. Chủ yếu trang bị 24 máy bay chiến đấu F-16C/D Block50. Một khi khu vực tây nam xảy ra không chiến giữa Trung-Nhật, nhiệm vụ chủ yếu của F-16C/D rất có thể là tham gia nhiệm vụ tấn công đối với các mục tiêu mặt đất, đặc biệt là nếu Không quân Trung Quốc tấn công trước các đảo, đá tranh chấp.

Máy bay trinh sát RC-135U Mỹ
Máy bay trinh sát RC-135U Mỹ

Tàu sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng

Bài báo chỉ ra, lực lượng tác chiến hàng không hải quân có cụm chiến đấu tàu sân bay USS George Washington, triển khai Liên đội máy bay hải quân 5. Hiện nay triển khai ở căn cứ Atsugi, tỉnh Kanagawa.

Tất cả sức mạnh tác chiến trên không của tàu sân bay USS George Washington gồm có 85 máy bay, trong đó có 44 máy bay chiến đấu tấn công F/A-18E/F. Khả năng tấn công đường không, tác chiến chặn đánh của một hạm đội tàu sân bay hầu như vượt sức mạnh của 2 trung đoàn máy bay chiến đấu Hải quân Trung Quốc.

Đối với cuộc xung đột quân sự Trung-Nhật có quy mô lớn hơn, Hải quân Mỹ chắc chắn điều động nhiều cụm tác chiến tàu sân bay hơn.

Cùng với việc triển khai hoặc sắp triển khai máy bay chiến đấu F-35 và máy bay vận tải MV-22 Osprey, khả năng vận tải tốc độ nhanh, khả năng không chiến thực tế của quân Mỹ tại Nhật sẽ còn được tăng cường rất lớn.

>> Follow us on Facebook

Máy bay trinh sát WC-135 Mỹ
Máy bay trinh sát WC-135 Mỹ
Máy bay chiến đấu F-16D Block 50 do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu F-16D Block 50 do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey Mỹ
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng