Thường vụ Quốc hội nên xem xét vụ bài viết "tứ đại ngu" của ông Phước

23/02/2013 07:23
Dương Tùng/khampha
Nếu hai người bình thường xúc phạm nhau, mà một bên đã xin lỗi, bên kia chấp nhận, xong thì thôi. Nhưng nếu là hai ĐBQH nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến xem xét.

Dư luận gần đây đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước xúc phạm nặng nề ĐB Dương Trung Quốc. Xung quanh vấn đề ầm ĩ này, PV có cuộc trao đổi với ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Là một người có nhiều kinh nghiệm làm công việc giới thiệu nhân sự ĐBQH qua các kỳ bầu cử, ông có ý kiến gì trước việc các ĐBQH có lời lẽ xúc phạm nhau?

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Đỗ Duy Thường: Là ĐBQH muốn tranh luận, có thể tranh luận công khai tại các phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Đoàn ĐBQH. Trong khi tranh luận về nội dung không được xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác với những lời nói thiếu văn hóa.

Không nên nói rằng anh nói như thế thì anh là người thế này, thế khác.... bởi ĐBQH có quyền tranh luận, thậm chí có quyền sáng kiến pháp luật. Việc xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nhau là không nên và có thể dẫn đến vi phạm pháp luật dân sự, hình sự.

Thưa ông, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng ĐB Hoàng Hữu Phước có thể bị bãi nhiệm vì những lời nhận xét của mình. Theo ông, khi nào một ĐBQH bị bãi nhiệm?

Ông Đỗ Duy Thường: Đó là khi cử tri thấy một người không còn xứng đáng làm ĐBQH nữa. Ví dụ như vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm tiêu chuẩn của người ĐBQH... thì cử tri ở nơi bầu cử ra đại biểu đó đề nghị bãi nhiệm. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, Uỷ ban MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, có thể thấy hai nơi để bãi nhiệm ĐBQH là Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm và cử tri nơi bầu ra đại biểu đó.

Như trường hợp của ĐB Hoàng Hữu Phước có thể gọi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng được chưa?

Ông Đỗ Duy Thường: Như thế nào là nghiêm trọng, nên để Quốc hội xem xét theo luật. Có thể mình cho là không nghiêm trọng, nhưng người khác cho là nghiêm trọng và ngược lại. Nếu hai người bình thường xúc phạm nhau, mà một bên đã xin lỗi, bên kia chấp nhận, xong thì thôi. Nhưng nếu là hai ĐBQH nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến xem xét.

Quy trình bãi nhiệm một ĐBQH hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Duy Thường: Cử tri ở nơi bầu cử ra đại biểu đó đề nghị bãi nhiệm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật quy định người nào đứng ra tập hợp cử tri để xem xét đề nghị bãi nhiệm ĐBQH. Theo tôi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải có hướng dẫn.

Ông Hoàng Hữu Phước
Ông Hoàng Hữu Phước

Thông thường quy trình bãi nhiệm một đại biểu hiện nay là MTTQ tỉnh, thành phố đó đứng ra đề nghị. Uỷ ban Trung ương MTTQ cũng phải về địa phương xem xét, từ sự thống nhất với MTTQ tỉnh và hai bên có văn bản đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy nếu cử tri muốn bãi nhiệm ĐBQH lúc này chưa thể thực hiện được, thưa ông?

Ông Đỗ Duy Thường: Đúng là hiện nay chưa có quy định nói về việc bao nhiêu cử tri thì có thể đề nghị bãi nhiễm ĐBQH. Trước đây, khi tôi làm 4 khóa công tác trong MTTQ, cũng có những cử tri đề nghị bãi nhiễm ĐBQH nhưng diễn ra lẻ tẻ ở một vài cá nhân. Luật chưa quy định tỷ lệ bao nhiêu cử tri đề nghị thì có giá trị pháp lý để Ủy ban Thường vụ xem xét. Theo tôi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải có hướng dẫn.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hiệp thương chọn người ứng cử ĐBQH. Theo ông công tác chọn người ứng cử ĐBQH của chúng ta đã thực sự chặt chẽ chưa?

Ông Đỗ Duy Thường: Tôi cho rằng, quy trình lựa chọn người ứng cử ĐBQH rất chặt chẽ. Theo đó, quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử ĐBQH gồm có các bước tóm tắt như: Bước một, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Mặt trận ở cấp Trung ương và cấp tỉnh dự kiến phân bổ cơ cấu thành phần, số lượng người ra ứng cử cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp mình.

Ngoài ra, Luật bầu cử còn cho phép công dân có quyền tự ứng cử, lâu nay ta vẫn gọi là người tự ứng cử, nghĩa là không qua cơ quan, tổ chức, đơn vị nào giới thiệu.

Bước hai, các cơ quan, tổ chức được phân bổ tổ chức việc giới thiệu người ra ứng cử. Người tự ứng cử và người được giới thiệu ra ứng cử đều phải nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai của Mặt trận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Sau đó, tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và cuối cùng Mặt trận tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức giới thiệu những người ra ứng cử ĐBQH.

Hồ sơ lý lịch người ứng cử và người được giới thiệu ứng cử có khi nào để “lọt” người có vấn đề sức khỏe hay tiêu chuẩn người đại biểu không?

Ông Đỗ Duy Thường: Về hồ sơ lý lịch người ứng cử và người được giới thiệu ứng cử đều phải nộp cho Uỷ ban bầu cử để cơ quan này xem xét. Nếu đại biểu nào được công dân phát hiện có vấn đề về tiêu chuẩn người đại biểu, Ủy ban bầu cử phải kiểm tra.

Ví dụ, về sức khỏe có bệnh nan y, tinh thần... không thể đảm nhiệm được công tác của người đại biểu thì Ủy ban bầu cử phải yêu cầu có giám định sức khỏe đối với người đó. Trong hồ sơ không có giấy khám sức khỏe, nhưng đại biểu sẽ qua nhiều khâu giám sát của dân, nhất là khi lấy ý kiến cử  tri nơi công tác và cư trú cử tri sẽ phát hiện.

Thời gian gần đây, dư luận nổi sóng với bài viết của ĐBQH Hoàng Hữu Phước (Đoàn TP HCM) nói về "tứ đại ngu" với lời lẽ xúc phạm ĐB Dương Trung Quốc. Trong bài viết trên, ông Hoàng Hữu Phước đã công kích, thậm chí có lời lẽ thóa mạ tới ông Dương Trung Quốc. Cuối bài viết được ký tên: “Nhất Thạc Bàn Cờ, Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, Nhà VN Cộng Hòa Học, Nhà Biểu Tình Pờ-rô-tét Đì-mông-sờ-tra-sân Học, Nhà Đa Đảng Học, Nhà Lưỡng Đảng Học, Nhà Độc Đảng Học, Nhà Tiếng Anh Học, Nhà Thánh Kinh Học, Nhà Đủ Thứ Học Học”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, sáng 18/2 đã họp khẩn ngay trong buổi làm việc đầu tiên sau thời gian nghỉ tết với tập thể thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Tất cả nội dung của cuộc họp đều liên quan đến bài viết “bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)”. Tất cả ý kiến trong cuộc làm việc đều không đồng tình cách làm, cách ứng xử của đại biểu Phước qua bài viết nói trên, đồng thời đề nghị đại biểu này có cách xử lý, khắc phục những hậu quả đã phát sinh.Sau khi dư luận phản ứng, ĐB Hoàng Hữu Phước đã rút bài viết và xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận vẫn phản ứng mạnh mẽ.

Đây là một sự kiện xưa nay hiếm ở nước ta. ĐB Hoàng Hữu Phước dần được lộ diện là một khá khác người. Trong một bài báo gần đây, ĐB này đã trần tình về sự khác người của mình.

“Tôi dùng bút hiệu Lăng Tần Hoàng Hữu Phước viết thư cho Saddam Husein hiến kế liên hoành với mục đích tránh chiến tranh. Giờ tôi vẫn còn giữ các hóa đơn của bưu điện tiền gửi thư qua Iraq cho tổng thống Saddam. Theo đó, tôi đề nghị Saddam cử tôi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền để đi công du ở các nước, tạo thế chân vạc liên hoành giữ cho Mỹ không thể gây chiến tranh, giữ hòa bình thế giới. Điều đó không chỉ có lợi cho nhân dân Iraq mà còn có lợi cho chính nước Mỹ, Việt Nam ta và thế giới”, ông Phước tâm sự...

Hồi còn sinh viên, ông Phước đã từng có việc làm "khác người", như viết thư cho TBT Đảng Cộng sản Mỹ. Mục đích tìm hiểu của người Cộng sản ở đất nước tư bản như Mỹ. Thư gửi đi, 3 tháng sau ông Phước nhận được thư trả lời của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Mỹ.

Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội quy định một đại biểu quốc hội phải có những tiêu chuẩn sau đây:

1. Trung thành với Tổ quốc và hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật

3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Thường, trong tiêu chuẩn thứ 5 của tiêu chuẩn đại biểu quốc hội: “Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Hội đồng bầu cử Trung ương nên có văn bản hướng dẫn cụ thể cho công tác Hiệp thương của MTTQ.

Dương Tùng/khampha