Phương án tuyển sinh sẽ thay đổi?

01/03/2013 11:51
Ths. Trần Tín Nghị
(GDVN) - Tuy Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã gửi “tâm thư cầu cứu Thủ tướng” nhưng Bộ GD&ĐT vẫn kiên quyết giữ phương án tuyển sinh như đã công bố. Vậy khi nào Bộ mới có phương án tuyển sinh mới để cứu các cơ sở giáo dục này?

Có thể thấy với Quy chế tuyển sinh gần như không thay đổi gì mấy so với các năm trước đây, Bộ GD&ĐT đã vô tình chung đẩy các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập đứng trước nguy cơ đóng cửa do không tuyển sinh được.

ĐH Thăng Long là một trong những mô hình thành công nhất của khối ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong ảnh là thư viện của trường.
ĐH Thăng Long là một trong những mô hình thành công nhất của khối ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong ảnh là thư viện của trường.

Không phải đến đợt tuyển sinh năm 2013, các trường cao đẳng, đại học ngoài công lập mới lên tiếng phản đối về phương án tuyển sinh của Bộ đưa ra mà do ý kiến của họ trong các Hội nghị về công tác tuyển sinh đã bị phớt lờ một cách khó hiểu. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong cả nước đang chờ xem ngày 15/3 tới, Bộ GD&ĐT sẽ trả lời giải trình các kiến nghị của Hiệp hội như thế nào theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ như thế nào? Liệu sau tâm thư cầu cứu Thủ tướng, các trường ngoài công lập có được “cứu” khi mà Bộ GD&ĐT vẫn kiên quyết giữ phương án tuyển sinh như đã công bố?

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay có đến 81 thành viên, trong đó 31 trường CĐ và 50 trường ĐH nhưng chỉ đào tạo 254.370 sinh viên, chiếm không quá 15% tổng số sinh viên cả nước. Sở dĩ có sự khập khiểng trên là do trong thời gian vừa qua Bộ GD&ĐT đã cho phát triển quá “nóng” về số lượng các trường ngoài công lập nhưng lại không có chính sách, cơ chế tuyển sinh hợp lí để các trường tạo thế cạnh tranh công bằng với các trường công lập.

Cộng với đó, việc thả nổi chỉ tiêu do các trường tự xác định trong các năm vừa qua đã thành lệ cho các trường công ”tha hồ” vượt chỉ tiêu trong khi các trường dân lập phải tự bỏ kinh phí để duy trì các lớp (của các ngành được phép mở) chỉ với 10 – 15 sinh viên. Phương án tuyển sinh như hiện nay chỉ góp phần giải quyết phần ngọn của vấn đề về chất lượng giáo dục đại học bằng cách đặt ra điểm sàn để siết đầu vào. Với cách làm như vậy các trường cao đẳng, đại học ngoài dân lập không tránh khỏi nguy cơ tan rã hệ thống vì các trường công lập gần như vét hết số lượng thí sinh trên điểm sàn theo quy định của Bộ.

Thật không công bằng khi tỉ lệ giảng viên/sinh viên của các trường công lập còn quá thấp nhưng chỉ tiêu tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Thiết nghĩ Bộ cần đánh giá đúng vị thế, những đóng góp không nhỏ của các trường ngoài công lập cho nền giáo dục đại học Việt Nam trong hơn 20 năm qua khi có cuộc vận động xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Bộ GD&ĐT phải có những cuộc thanh, kiểm tra năng lực đào tạo của các trường ngoài hệ thống công lập nhằm quyết liệt hơn trong việc cho dừng tuyển sinh hoặc xóa các cơ sở, trường không có trụ sở chính, không đủ giảng viên cơ hữu theo đúng quy định nhưng phải có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển hệ thống giáo dục này theo đúng định hướng, tầm nhìn của chiến lược giáo dục 2020. Thách thức từ bài toán chất lượng giáo dục đại học sẽ còn đó nếu Bộ không tạo điều kiện để các trường hoạt động theo Luật giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Có thể nói ổn định và phát triển hệ thống của các trường ngoài công lập đang là một thách thức lớn được đặt ra từ thực tiễn của công tác xã hội giáo dục mà người dân chờ đợi trong cách điều hành và quản lí của Bộ chủ quản. Trước mắt nếu không thay đổi, bổ sung các qui định trong phương án tuyển sinh năm 2013 sẽ làm mất cơ hội học tập của các em học sinh khi mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện lo cho con du học nếu không đạt điểm sàn theo quy định. 

Ths. Trần Tín Nghị