Kinh đô thời trang Italia đang bị hàng Trung Quốc thống trị

28/02/2013 08:00
Theo ANTG
Sự chuyển mình của thành phố Tuscany, Italia từ một kinh đô thời trang và may mặc truyền thống sang một trung tâm quần áo giá rẻ đang đem đến một nỗi thất vọng lớn cho cư dân bản địa, những người đang lo sợ sẽ thua người Trung Quốc trên chính sân nhà mình.
Rất nhiều biển hiệu hàng dệt may Trung Quốc đang xuất hiện ở Prato.
Rất nhiều biển hiệu hàng dệt may Trung Quốc đang xuất hiện ở Prato.

Người Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn thấy được sự phát triển vượt bậc của công nghiệp thời trang ở thị trường Prato, thủ phủ của Tuscany, thành phố vệ tinh của kinh đô thời trang Florence và coi đây như một cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp khai thác tâm lý ưa chuộng hàng "Made in Italy" theo một cách thức mới.

Theo ông Marco Landi, Chủ tịch của CNA, cơ quan đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Tuscany, việc duy trì 3.000 doanh nghiệp quy mô nhỏ trong quận Prato nhỏ bé đang phải đối mặt với một biến động chưa từng có. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, các doanh nghiệp Italia bị buộc phải đứng trước một cuộc tái cấu trúc trong ngành. Tại thời điểm này, có khoảng 4.000 xí nghiệp may mặc của Trung Quốc có mặt ở Prato.

Lịch sử lâu đời của ngành công nghiệp dệt may ở Prato bắt nguồn từ thế kỷ thứ XII khi những xí nghiệp sản xuất trang phục phải phụ thuộc nhiều vào các lái buôn len và sợi vải. Trước khi những người Trung Quốc đến đây, hàng nghìn đơn vị sản xuất nhỏ ở Italia từng là nguồn cung cấp nguyên liệu rẻ và chủ yếu cho quần áo "Made in Italia". Nhưng để sản xuất các loại sợi vải của Italia, lúc bấy giờ họ phải thuê mướn rất nhiều các lao động giá rẻ từ Trung Quốc.

Dần dần người Italia đã bị người Hoa đánh bại trong chính cuộc chơi của mình khi chính những người làm thuê đã tự mở được doanh nghiệp của chính mình và ồ ạt hạ giá thành sản phẩm bằng cách nhập sợi vải từ Trung Quốc với giá rẻ hơn rất nhiều. Hiện tại, số lượng sản phẩm dệt may ở Prato có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% thị trường Prato. Ông Landi cho biết thêm: "Hơn nửa số doanh nghiệp do người Italia làm chủ trong khu công nghiệp đã bị dồn vào chân tường trong suốt một thập kỷ qua. Giờ đây, số xí nghiệp may mặc Trung Quốc còn nhiều hơn các nhà sản xuất trang phục Italia".

Một người mẫu chuẩn bị biểu diễn tại tuần lễ thời trang Trung Quốc ở Italia.
Một người mẫu chuẩn bị biểu diễn tại tuần lễ thời trang Trung Quốc ở Italia.

Người Trung Quốc đến Italia rồi trở về và mở ra một thị trường tại quê hương họ theo cái cách mà người Italia không bao giờ có thể làm được. Họ xuất khẩu các loại trang phục giá rẻ gắn mác Made in Italia mà dường như không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nhập khẩu nào tại Trung Quốc. Còn tại châu Âu, họ khiến nhu cầu mua sắm của cư dân ở đây tăng lên đáng kể bằng các sản phẩm có giá cạnh tranh không tưởng.

Nhưng theo Xu Lin, người sở hữu công ty may mặc Giupel tại Prato hơn 10 năm nay, trong khi các công ty của Italia không thể cạnh tranh với hàng Trung quốc về mặt giá cả, họ có thể dựa vào thế mạnh của mình là gu thẩm mỹ tuyệt vời. Các công ty dệt may của Italia cũng đã đem gia công các sản phẩm khăn giấy của họ tại các quốc gia có lao động rẻ từ nhiều năm nay. Nhưng điều quan trọng là họ có những kỹ thuật và bí quyết truyền thống cho những công đoạn cuối cùng để hoàn thành sản phẩm và các chi tiết tinh xảo nhất chỉ được thực hiện ở giai đoạn cuối cùng trong chu trình sản xuất. Đối với quần áo cũng vậy. Theo ông Xu Lin, Italia không thể cạnh tranh về giá nhưng họ vẫn còn những thế mạnh khác.

Quãng thời gian người Trung Quốc ở Prato cũng đã góp phần làm phong phú các mặt hàng trong các shop hàng hiệu như Primark, H&M và Topshop với các loại quần áo thông dụng và thời thượng cho thị trường châu Âu. Thế nhưng, người Trung Quốc cũng đã để mắt tới phân khúc thời trang cao cấp của thị trường nơi đây. Lu Chen, một người mẫu đang sống và làm việc tại Italia cho biết rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc đang khao khát được học tập tại các trường đào tạo thời trang ở Italia để có thể tiếp cận với những kỹ thuật thiết kế bậc thầy của người Italia - biểu tượng cho ngành thời trang cao cấp thế giới.

Về phần ông Xu, ông đã thuê những nhà thiết kế người Italia để đảm nhận các vị trí trọng yếu trong công ty của mình. Ông nói: "Nếu những người Trung Quốc không có mặt ở Prato và quần áo thay vì thế lại được sản xuất ra tại Trung Quốc đại lục thì người Italia sẽ còn chịu thiệt nhiều hơn bây giờ. Chúng tôi đã giúp cho thương hiệu Made in Italia trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người Trung Quốc biết đến và ưa chuộng".

Hiện tại thành phố Prato vẫn dẫn đầu trong thế giới vải sợi, nơi được ví như phòng thí nghiệm của công nghiệp dệt may và là nơi thử nghiệm những loại sợi vải mới nhất.

Một trong những nhà thiết kế hàng đầu của Italia, Ermanno Scervino khẳng định rằng, đồ hand-made (làm bằng tay) ở Tuscany là những thứ tốt nhất mà những người sành thời trang có thể tìm thấy. Nơi đây quy tụ những nghệ sĩ sáng tạo nhất thế giới làm việc trong lĩnh vực này chính vì vậy mà sự nghiệp của ông gắn liền với Frolence chứ không phải các kinh đô thời trang khác như Paris hay Milan. Scervino sử dụng những bí quyết đặc biệt của người Tuscany để tạo ra những loại sợi vải độc đáo và khoa học nhất cho các bộ sưu tập của ông. Hiện tại ông đang lên kế hoạch mở một số cửa hàng tại Thượng Hải và Bắc Kinh trong năm tới.

Trong lúc thử chiếc áo da tinh xảo và bộ váy lụa cho người mẫu Lu Chen, ông Scervino bày tỏ mối nghi ngờ rằng, những thứ cao cấp và thanh lịch như thế lại có thể được đem dạy đại trà ở các trường học. Ông nói: "Tôi có những khách hàng Trung Quốc đến các shop của mình ở mọi nơi trên thế giới để mua những thứ tinh tế và làm bằng tay như thế. Chúng là những thứ độc nhất vô nhị và chính vì vậy những người biết thưởng thức sẽ luôn tìm kiếm. Bạn cần phải sinh ra và lớn lên ở một đất nước nơi cái đẹp, nghệ thuật và nghề thủ công được gìn giữ và trân trọng từ thời Phục hưng mới có thể cảm nhận được chúng. Đó không phải là những gì bạn có thể dễ dàng sao chép"

Theo ANTG