Tái chiến El Clasico: Barca 12 trận liên tục thủng lưới vì sao?

01/03/2013 07:34
Hoàng Quân
(GDVN) - Nguyên nhân không chỉ đến từ các cá nhân, mà còn đến từ một người đã không còn ở Nou Camp.
Từ Gerard Pique
Trước tiên, chúng ta hãy bắt đầu với nhân vật Gerard Pique.
Pique khiến cho Barcelona lâm vào thế bất lợi trong trận bán kết lượt về Copa del Rey vừa qua khi anh phạm lỗi với Cristiano Ronaldo trong vòng cấm, dẫn tới quả 11m thành công của Ronaldo và chiến thắng 3-1 của Real Madrid.
Điều đó dường như khẳng định một điều rằng, Gerard Pique, dù có thể chất lý tưởng cho một trung vệ, chưa thực sự là một cầu thủ phòng ngự hàng đầu thế giới mà người ta tưởng.
Cách đây vài tháng khi danh sách các ứng cử viên cho danh hiệu Quả bóng Vàng 2012 (danh sách dài) được công bố, người ta đã chỉ ra rất nhiều điều không hợp lý. Và trong số các ý kiến chỉ trích, có một ý kiến chỉ ra rằng Pique không đá trọn mùa giải 2011/12 cho Barcelona và phong độ cho đội tuyển TBN không ổn định ở EURO 2012 cho tới vòng bán kết, nhưng vẫn lọt vào danh sách đề cử vì chơi cho hai đội bóng lớn. Trong khi đó, Mats Hummels và Giorgio Chiellini không thấy có tên.


Với những lý lẽ đó, khi so sánh với những gì diễn ra từ đầu năm 2013, có lẽ Gerard Pique thực sự không (chưa) giỏi như dư luận ca ngợi.
Gary Neville đã từng viết trên tờ Thư Tín Thể Thao (Anh) rằng, trong quá trình tổ chức phòng ngự, các cặp trung vệ luôn chọn một người làm công việc gọi tình huống (call the plays), và người còn lại chỉ việc làm theo. Neville nhấn mạnh rằng ngay cả nếu anh có cao to, khỏe mạnh hay nhanh nhẹn đến mấy, anh chưa chắc đã được giao việc gọi tình huống nếu như người đá cặp kinh nghiệm hơn.
Neville chỉ ra ví dụ từ chính hai đồng đội cũ, Nemanja Vidic và Rio Ferdinand. Theo ý kiến của cá nhân Neville, Vidic khi mới thi đấu cho Man Utd không phải là một trung vệ xuất sắc, với trình độ chỉ ở mức OK. Ferdinand luôn là người gọi tình huống khi hai người cùng đá cặp, và đến tận bây giờ Ferdinand vẫn làm công việc đó, chỉ khác là giờ Vidic cũng có thể gọi tình huống khi đá cặp với người khác.
Trong những mùa giải trước, Gerard Pique hay đá tốt khi có Carles Puyol bên cạnh, bởi vì Puyol là người gọi tình huống cho Pique. Tuy nhiên với việc Puyol đã 34 tuổi và đã suy giảm về tốc độ, Mascherano thế chỗ Pique. Cầu thủ người Argentina vốn không phải trung vệ nên hiệu quả phòng ngự của Barcelona suy giảm rõ rệt.
Pique không phải một cầu thủ tồi, anh có chiều cao, thể lực lẫn tốc độ để đá phòng ngự. Điểm yếu của Pique không nằm ở những cái đó, nó nằm ở kỹ năng đưa ra quyết định. Mùa giải này Pique đôi khi có những quyết định không hợp lý dẫn tới bất lợi cho đội nhà, ví dụ như 2 thẻ vàng ở trận gặp Sociedad ngày 20/12013 hay cú xoạc Ronaldo gần đây nhất. Điều làm nên một trung vệ xuất sắc là kỹ năng ra quyết định chính xác. Pique chưa tốt về kỹ năng ra quyết định, và điều đó khiến hàng thủ Barcelona thỉnh thoảng gặp rắc rối.
Tới Pep Guardiola
Nhưng còn một yếu tố nữa lý giải vì sao Gerard Pique nói riêng và hàng thủ Barcelona nói chung không đá tốt trong mùa giải này, và đó là Pep Guardiola. 
Khi Pep còn ở Nou Camp, ông không chỉ kế tục tư tưởng chơi bóng ngắn, chạy chỗ liên tục và nới rộng không gian càng nhiều càng tốt, ông còn học một điều quan trọng khác đó là khi cầu thủ Barcelona mất bóng, cả đội chuyển sang trạng thái phòng ngự toàn sân. Ông nói: “Anh phải giành lại bóng khi cách cầu môn đối phương 30m chứ không phải 80m”. Đó là tư tưởng của Valeriy Lobanovskyi.
Lối chơi phòng ngự toàn sân của Guardiola đã giúp giải tỏa áp lực phòng ngự lên hàng hậu vệ 4 người, do vậy sức ép phải chống chọi đối phương của Pique, Puyol cũng như các hậu vệ khác ít hơn khi cả đội đá phòng ngự theo cách của Pep. Nếu mất bóng, hàng tiền vệ lẫn tiền đạo lao vào cướp lại ngay, nếu không cướp được thì hàng thủ cũng kịp lùi về để có thời gian tổ chức. 


Khi Pep Guardiola ra đi cũng là lúc tư tưởng phòng ngự toàn sân mất dần, và nếu chúng ta để ý kỹ, hàng tiền vệ Barcelona khi đá trước Real Madrid lẫn AC Milan tỏ ra rất uể oải khi bị mất bóng. Barca bế tắc trong tấn công, nhưng điều tồi tệ hơn là họ đã không tổ chức phòng ngự một cách quyết liệt để giành lại bóng.
Thậm chí có thể nói một điều thế này: Đừng nghĩ rằng ta đã biết tiki-taka là gì. Có ép sân, có chạy chỗ liên tục, có làm bóng qua nhiều kênh, có ban ngắn… tất cả những thứ đó vẫn chưa đủ để gọi là tiki-taka. Khi thiếu phòng ngự toàn sân, thì đó không phải là tiki-taka.
Tự đó mà suy, lối đá hiện tại của Barcelona là một lối chơi nào đó của Tito Vilanova và Jordi Roura. Không, đây không phải là tiki-taka.
Hoàng Quân