Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Bất khả thi và lãng phí!

03/03/2013 13:25
Độc giả Nguyễn Vũ
(GDVN) - Phản hồi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam sau bài viết Người đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm gây tranh cãi nói gì?, đa số ý kiến độc giả cho rằng, đây là một kiến nghị hết sức vô lý và người đưa ra kiến nghị không hiểu biết thị trường BĐS cũng như ngành tài chính.

Kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng của Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) những ngày qua khiến dư luận "nổi sóng". Trong khi nhiều chuyên gia và người dân cho rằng đề xuất này hết sức vô lý và mang màu sắc “lợi ích nhóm” thì ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HOREA, người đề xuất sáng kiến này tiếp tục đưa ra những lập luận để khẳng định: “Không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là vô lý!”.

Ngay sau khi đăng tải bài viết Người đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm gây tranh cãi nói gì? báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Qua đó, đa số ý kiến cho rằng, đây là một kiến nghị hết sức vô lý và người đưa ra kiến nghị không hiểu biết thị trường BĐS cũng như ngành tài chính. Để rộng đường dư luận, giaoduc.net.vn đăng tải nguyên văn ý kiến của độc giả Nguyễn Vũ (phường Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Bất khả thi và lãng phí!

Nếu đã là một người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thị trường, hẳn ai cũng hiểu rõ rằng: Ngân hàng là chủ thể chi phối mọi hoạt động kinh tế của cả quốc gia. Nhà nước dùng ngân hàng để định hướng hoạt động kinh tế. Cụ thể, để định hướng cho ngành kinh tế nào, Nhà nước sẽ chỉ đạo cho các ngân hàng ưu tiên cho vay để phát triển trong lĩnh vực đó. Nói cách khác, nhà nước bằng các quyết định của mình thông qua ngân hàng sẽ điều tiết (khống chế) nền kinh tế theo chủ trương của mình. Lại nói về hoạt động của ngành bất động sản Việt Nam, phải nói rằng ngành này đã có một thời làm giàu bằng bong bóng bất động sản, nhưng càng giàu người ta lại muốn giàu thêm, thế là nhà nhà làm dự án, ngành ngành làm dự án bất động sản. Số vốn đổ vào bất động sản, số dự án bất động sản bắt đầu vượt quá lực cầu. Thêm vào đó, ngành ngân hàng trong cùng thời điểm đã có chủ trương tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay, có thời điểm, lãi suất cho vay vượt quá 20%, chưa kể số tiền lót tay để được tiếp cận vốn vay.
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa)
Với lãi suất đó, doanh nghiệp vay vốn phải đạt được lợi nhuận không dưới 35% mới có thể duy trì hoạt động. Thử hỏi có ai làm ra được sản phẩm mà lợi nhuận thu lại cao từ 35% đến 40%?. Vì vậy doanh nghiệp phá sản, sản xuất đình trệ, nạn thất nghiệp gia tăng, hệ lụy gián tiếp đến bất động sản không bán được hàng, nợ xấu gia tăng … Trước tình hình đó, Nhà nước đã có một số biện pháp chỉ đạo cho các ngân hàng tiếp thị cho vay mua bán bất động sản, như hạ lãi suất cho vay, cho vay ưu đãi. Thế nhưng số bất động sản bán ra vẫn khiêm tốn. Vì sao vậy?Thứ nhất, dù đã hạ giá nhưng giá bất động sản vẫn còn quá cao so với nhu cầu thực, lại trong giai đoạn kinh tế vẫn còn ảm đạm. Ngành bất động sản vẫn cố bấu víu vào sự ưu ái của Nnhà nước, trong khó khăn nhưng vẫn muốn lời nhiều.Thứ hai, mua một căn nhà thì phải tích cóp cả chục năm để trả nợ. Trong lúc đó, chính sách cho vay của ngân hàng chỉ bảo đảm cho người mua bất động sản lãi suất cố định trong một hai năm đầu tùy ngân hàng, sau đó là lãi suất thả nổi. Vì thế, người vay không dám chắc là sau một hai năm, lãi suất có được giữ nguyên hay lại có thể bị đẩy lên đến hơn 20% như giai đoạn trước đó không, lúc đó, họ lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng. Vì vậy dù chủ trương của Nhà nước đã có, nhưng người vay tiền để mua nhà vẫn không nhiều, bất động sản vẫn không bán được hàng. Vậy nên, để bán được hàng, các dự án bất động sản cần tính toán lại giá bán cho hợp lý. Trong thời buổi này, tính toán lợi nhiều chỉ ôm thêm nợ ngân hàng mà thôi. Mặt khác, các ngân hàng cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong lĩnh vực cho vay bất động sản, bởi chính cứu bất động sản cũng là cứu mình. Tạo được niềm tin nơi người vay thì mới có người vay, bởi lẽ người vay tiền mua bất động sản không phải là người sản xuất, không cần phải vay bằng được với bất cứ giá nào. Người chưa có đủ tiền mua nhà lại đem tiền đi gởi ngân hàng. Nhưng nếu họ bị thu phí thì họ sẽ tìm cách bảo toàn số tiền của họ thông qua các kênh trú ẩn khác, khi đó ngân hàng lại mất đi thêm một nguồn tiền nữa. Vậy nên đề xuất thu phí tiền gởi tiết kiệm là bất khả thi mà lại còn lãng phí nữa!

* Bài viết thể hiện ý kiến độc giả.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Nguyễn Vũ