Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

Bàn về vị trí, chức năng, quyền hạn của Quốc hội

04/03/2013 06:56
Ngọc Quang
(GDVN) - “Một số ý kiến cho rằng, để thể hiện rõ tính chất, vị trí vai trò của Quốc hội đề nghị trên cơ sở của Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi lần này có thể quy định theo hướng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lập pháp...

Quy định như vậy là kế thừa Hiến pháp 1946, chỉ rõ mối quan hệ quyền lực của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và thể hiện Quốc hội là cơ quan chủ yếu thực hiện quyền lập pháp...", PGS.TS Nguyễn Đăng Dung cho biết.

PGS.TS Nguyễn Đăng Dung – Chủ nhiệm Bộ môn Hành chính – Hiến pháp Khoa Luật ĐHQG Hà Nội phân tích: Về vị trí, tính chất, chức năng và nhiệm vụ cũng như cơ cấu của Quốc hội trong Hiến pháp dự thảo sửa đổi về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Sở dĩ như vậy bởi vì nhận thức Ủy ban sửa đổi  về Quốc hội trước và trong khi soạn thảo dự thảo Hiến pháp không có gì thay đổi căn bản.

PGS.TS Nguyễn Đăng Dung
PGS.TS Nguyễn Đăng Dung



Dự thảo tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước  cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Việc quy định  như vậy đã kế thừa quy định của Hiến pháp 1959, 1980, 1992 thể hiện được vị thế của Quốc hội của Quốc hội với tính chất là cơ quan duy nhất gồm các đại biểu do cử tri của toàn quốc bầu ra, đồng thời thể hiện được chức năng quan trọng được nhân dân ủy quyền cho Quốc hội.

Đó là ban hành Hiến pháp, ban hành luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thiết lập nên các cơ quan hiến định trong bộ máy nhà nước, giám sát tối cáo hoạt động của toàn bộ các cơ quan nhà nước.

“Một số ý kiến cho rằng, để thể hiện rõ tính chất, vị trí vai trò của Quốc hội đề nghị trên cơ sở của Hiến pháp 1992, Hiến pháp sửa đổi lần này có thể quy định theo hướng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lập pháp. Quy định như vậy là kế thừa Hiến pháp 1946, chỉ rõ mối quan hệ quyền lực của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và thể hiện Quốc hội là cơ quan chủ yếu thực hiện quyền lập pháp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng lần thứ mười một. Cách thể hiện này không làm thay đổi vị trí, tính chất của Quốc hội mà thể hiện chính xác, đúng đắn hơn bản chất của Quốc hội và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, PGS Dung nói.

Về chức năng của Quốc hội, cũng như các Hiến pháp trước đây, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 không phân biệt được quyền lập hiến và quyền lập pháp. Hai nhiệm vụ này đều do Quốc hội thực hiện. Điều 83 và Điều 84 của Hiến pháp 1992 cũng như của Hiến pháp 1980, và của cả Hiến pháp năm 1959 đều khẳng định Quốc hội có quyền duy nhất lập hiến và lập pháp.

Ở dự thảo này đã không có sự phân biệt giữa quyền lập hiến và quyền lập pháp. Về nguyên tắc quyền lâp hiến là quyền lập quyền. Quyền này khác với quyền đã được lập ra, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Các quyền này phải phụ thuộc vào quyền lập hiến. Quyền lập hiến là quyền của nhân dân, thể hiện đúng quyền lực nhà nước  thuộc về nhân dân, theo kiểu của Khế ước xã hội.

Mặc dù quyền lập hiến được quy định trong thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, nhưng tất cả các công đoạn từ sáng quyền lập hiến cho đến việc thành lập ra Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, việc thảo luận trong Quốc hội dự thảo Hiến pháp, nhất là việc bỏ phiếu phúc quyết thông qua đều được quy định trong Chương XI với tên gọi là Hiệu lực của Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Điều 126 (sửa đổi, bổ sung Điều 147) quy định:

Không tạo kẽ hở khiến quyền con người bị lợi dụng

"Không tạo kẽ hở khiến quyền con người bị lợi dụng"

9 ưu điểm của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

9 ưu điểm của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:

1. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần

ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội;

2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm những thành viên là đại biểu

Quốc hội, đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;

3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp và trình Quốc hội xem xét, thông qua;  

4. Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu

Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. 

Đây chính là lập hiến, nó rất khác với quyền lập pháp của Quốc hội.  

Thứ hai, về nhiệm kỳ và việc kéo dài hoặc rút nhiệm kỳ của Quốc hội, cũng như trước

đây chính bản thân Quốc hội quyết định. Điều 77 (sửa đổi, bổ sung Điều 85) quy định:

1. Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm. 

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu

xong. 

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp chiến tranh.

PGS Nguyễn Đăng Dung chỉ rõ: “Quyền quyết định kéo dài hay rút ngắn thời gian nhiệm kỳ của Quốc hội cũng thuộc quyền lập hiến, tức là quyền của nhân dân không thuộc quyền lập pháp. Về quyền ra pháp lệnh của Ủy ban Thương vụ Quốc hội – cơ quan thường trực hoạt động thường xuyên giữa hai kỳ họp của Quốc hội chính là quyền lập pháp của Quốc hội.

Đây là quyền ra sắc lệnh của Chủ tịch nước, của người đứng đầu hành pháp là Thủ tướng trong trường hợp được Quốc hội – lập pháp ủy quyền. Về nguyên tắc quyền này chỉ được thực thi, trong những trường hợp đặc biệt của thời chiến tranh. Trong tình hình hiện nay nên bỏ quyền ra pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế những năm gần đây Ủy ban thường vụ càng này càng tiến tới giảm bớt quyền này”.

Ngoài ra, PGS Nguyễn Đăng Dũng cũng nêu thêm một vấn đề nữa là: Theo cách quy định của dự thảo Hiến pháp, cũng như trước đây không bị kiểm soát, bị giới hạn quyền lực như của các nhà nước phát triển, bởi không bị quyền phủ quyết của Nguyên thủ quốc gia. “Mọi dự luật đã được Quốc hội thông qua đều phải được Chủ tịch nước công bố thành luật có hiệu lực thực thi. So sánh với một dự án luật của nhà nước tư sản thì thấy rằng, khi dự án đó được thông qua có rất nhiều cửa "ngăn cản": hết Hạ viện rồi đến Thượng viện, nếu được cả hai viện thông qua dự án luật đó phải được Tổng thống hay Nhà Vua phê chuẩn, điều đó giúp cho việc ra luật chặt chẽ hơn”, PGS Dung nói. 

Ngọc Quang