HP chính thức 'khai tử' TouchPad và các thiết bị chạy webOS

20/08/2011 00:04
Tuyên bố chấm dứt mảng kinh doanh thiết bị di động, trong đó có TouchPad và các smartphone chạy webOS của HP, dường như là một hồi chuông báo tử chính thức cho

Tuyên bố chấm dứt mảng kinh doanh thiết bị di động, trong đó có TouchPad và các smartphone chạy webOS của HP, dường như là một hồi chuông báo tử chính thức cho Palm.

Hơn 1 tháng rưỡi sau khi bán ra, HP TouchPad đã chính thức bị loại khỏi cuộc chiến máy tính bảng
Hơn 1 tháng rưỡi sau khi bán ra, HP TouchPad đã chính thức bị loại khỏi cuộc chiến máy tính bảng
Hewlett-Packard (HP) mua lại Palm hồi năm ngoái với giá 1,8 tỷ USD dường như là cơ hội cuối cùng của hãng smartphone để tên gọi Palm còn sống trên thế giới.
Những đã 1 năm kể từ ngày đó, thương vụ trên vẫn không phát huy mấy tác dụng. Palm từng hy vọng rất nhiều vào mẫu smartphone mới nhất, Palm Pre, chạy hệ điều hành mới của công ty là webOS. Palm cần một vị cứu tinh, và HP cũng đang cần một cú huých trên thị trường công nghệ di động, dường như là đối tượng thích hợp nhất.
Song cả Palm và HP đều không thành công. Với sức cạnh tranh mạnh mẽ của Apple iPhone và các mẫu smartphone chạy phần mềm Android của Google, các mẫu máy chạy webOS của HP do Palm phát triển chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong tâm trí người tiêu dùng. Mẫu máy tính bảng TouchPad ra hồi tháng Bảy cũng chạy webOS, cũng có doanh số èo uột.
Thị trường dường như quá khắc nghiệt với HP, buộc hãng phải tuyên bố đóng cửa mảng kinh doanh thiết bị di động, trong đó có TouchPad và các smartphone chạy webOS. HP cũng tuyên bố sẽ chấm dứt mảng kinh doanh PC. Như vậy, HP sẽ bước chân ra khỏi thị trường tiêu dùng, mặc dù họ vẫn bán máy chủ và các thiết bị khác cho các khách hàng doanh nghiệp.
Tuy vậy, công nghệ do Palm phát triển có thể vẫn tồn tại ở một số hình thức khác nhau. CEO Leo Apotheker của HP nói công ty thất vọng với doanh số phần cứng hơn là phần mềm webOS – và hãng sẽ cố gắng để tìm kiếm cơ hội cho nó trong tương lai. HP đang nghiên cứu các lựa chọn của hãng, bao gồm cấp phép phần mềm cho các nhà sản xuất máy điện thoại hoặc cho phép họ sử dụng nó miễn phí như một phần mềm nguồn mở, như Google đang làm với Android. Tuy vậy, với Palm, quyết định đó dường như là một hồi chuông báo tử sau gần 20 năm sáng tạo công nghệ di động, thay đổi sở hữu và thất bại trong việc trở thành hãng đi đầu trên thị trường di động.
Palm, do Donna Dubinsky và Jeff Hawkins sáng lập năm 1992, đã tạo ra thị trường điện toán cầm tay với thiết bị hỗ trợ cá nhân (PDA) Palm Pilot vào những năm 1990. Nhưng sau đó, Palm bị hãng sản xuất modem Robotics của Mỹ mua lại, và hãng Robotics lại bị chính 3Com Corp thâu tóm vào năm 1997. Cuối cùng, đến năm 2000, Palm lại tách riêng thành công ty độc lập.
Đầu năm 2009, Palm phát triển lại công ty với việc tiết lộ mẫu smartphone màn hình cảm ứng rất phong cách Pre và phần mềm webOS tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng quốc tế (CES). Lúc đó, phần mềm webOS có thể làm một số thứ mà iPhone không thể, như là chạy đa ứng dụng cùng một lúc.
Ngoài ra, hãng còn hy vọng sẽ làm sống lại công ty với việc tuyển dụng một nhà lãnh đạo từng giúp Apple có được thành công như ngày hôm nay. Đó là trước khi ra Pre, Palm đã thay thế CEO lúc đó là ông Ed Colligan, bằng ông Jon Rubinstein, người đã có 10 năm làm việc tại Apple. Rubinstein, tham gia vào Apple năm 1997, là người đóng góp quan trọng cho sản phẩm imac và iPod của Apple.
Nhưng những nỗ lực của Palm có vẻ vẫn quá ít, quá muộn. Dù nhiều nhà phân tích cho rằng webOS và Pre rất tốt, song người tiêu dùng vẫn không thấy thế. Các smartphone đến sau dưới thương hiệu Palm, và gần đây là HP, vẫn thất bại thảm hại. Các lãnh đạo của Palm và HP đau xót thừa nhận “thế giới chuyển động nhanh hơn chúng tôi tưởng, và chúng tôi đã bị trật đường ray”.
 
Thực ra, nguyên nhân chính là sự nổi tiếng quá mạnh của iPhone, tiếp đến là các mẫu điện thoại chạy Android lần đầu tiên cập bến thị trường vào năm 2008. Theo hãng phân tích IDC, Apple đứng ngôi đầu trong quý II về doanh số, theo sau là Samsung – một nhà sản xuất điện thoại Android lớn. Nokia đứng thứ 3 và nhà sản xuất BlackBerry Research In Motion Ltd đứng thứ tư.
Rubinstein, hiện là phó chủ tịch cấp cao mảng hệ thống của HP, nói rằng Palm đã nghiên cứu nhiều khả năng khi về dưới trướng HP. Ông nói HP là sự lựa chọn tốt, bởi HP là công ty máy tính lớn nhất thế giới về doanh thu, có thể giúp Palm đưa sản phẩm của họ đến nhiều người hơn. Nhưng., giờ đây nhiều khả năng Palm sẽ không còn “cửa sống” nữa.
Theo ICTNews