Cristiano Ronaldo về lại nhà xưa: Để nhớ một thời ta đã yêu

05/03/2013 07:20
Theo Dân Trí
3 năm trước, bốn góc khán đài Old Trafford đã đứng cả dậy để thay lời tri ân đứa con cưng ngày nào, đó là David Beckham. Đêm nay, “nhà hát” sẽ lại làm vậy để tri ân một “số 7” lưu lạc khác. Chào mừng anh trở về nơi từng là nhà, Cristiano Ronaldo!
Kẻ phản bội ư? Không, đừng bao giờ nói về Cristiano Ronaldo như vậy. Sau tất cả những gì anh đã cống hiến trong màu áo đỏ, chàng trai người Bồ Đào Nha, cũng giống như Beckham trước kia, xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ mọi Manucians.

Sẽ rất lâu nữa người ta mới quên được cái đêm 10/3/2010 ấy, khi một “số 7” lừng lẫy khác của MU là David Beckham trở lại Old Trafford, dù là ở phía bên kia chiến tuyến. Trong cái đêm mà “Quỷ đỏ”, với Wayne Rooney đang chơi thứ bóng đá đỉnh cao nhất của cuộc đời anh làm đầu tàu, đã hủy diệt AC Milan với cách biệt kinh hoàng 4-0, sự hiện diện của Becks vẫn là một câu chuyện rất đặc biệt.

Ngày về của “số 7”, thần tượng lớn một thời ở Old Trafford.
Ngày về của “số 7”, thần tượng lớn một thời ở Old Trafford.

Các khán đài của Old Trafford đã đứng cả dậy để chào đón Beckham với những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất. Thứ tình cảm này, ngay chính Becks cũng không thể ngờ nổi anh vẫn còn nhận được tại “nhà hát”, nơi mà 7 năm trước ngày đó, “số 7” đã bỏ lại với một mảng kí ức buồn sau vụ “chiếc giày bay” nổi tiếng.

Đó là bởi Old Trafford vẫn luôn như vậy, vẫn luôn giang tay chào đón những đứa con lưu lạc trở về: “Một lần là Quỷ đỏ, mãi mãi là Quỷ đỏ”. Đêm nay, sẽ lại là một khoảnh khắc lịch sử khác, ngày Cristiano Ronaldo đặt chân lên những thảm cỏ của “nhà hát” trong màu áo Real Madrid để làm nhiệm vụ mà anh phải làm: loại MU ra khỏi Champions League.

Đã gần một thập kỉ trôi qua kể từ lúc cựu cầu thủ Sporting Lisbon lần đầu chính thức trình làng dưới màu áo đỏ khi vào sân thay cho Nicky Butt trong một chiến thắng tưng bừng 4 sao của MU trước Bolton. Chứng kiến cầu thủ có cái tên đầy đủ là Cristiano Ronaldo dos Santos Aveiro thi đấu ngày đó, nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: Cái gã trai bảnh chọe này thì làm gì mà được mặc áo số 7?

Và quả thật, 3 năm đầu tiên ở MU, những màn trình diễn của Ronaldo cũng không thật sự nổi bật. Tuy nhiên, bước ngoặt đến ở mùa giải 2006-2007, khi cầu thủ người Bồ Đào Nha chơi bừng sáng để góp công lớn giúp MU giành lại “ngai vàng” Premier League sau 3 mùa giải bất lực đứng nhìn Arsenal rồi Chelsea bước lên bục cao nhất. Ở Champions League, điểm dừng của C.Ronaldo cùng các đồng đội là bán kết, nơi họ đã thua tán nát AC Milan khi Kaka bay bổng như một “thiên thần” trong một đêm mưa ở San Siro.

Dĩ nhiên, Ronaldo chơi tốt lên không phải chỉ vì lời cá cược vui sẽ ghi hơn 15 bàn với ông thầy Sir Alex, mà đó là bởi nỗ lực vươn mình đến đỉnh cao của anh. Hai mùa giải tiếp theo, như tất cả đều đã biết, Ronaldo và MU thậm chí còn thành công hơn gấp bội. Nhưng chưa hết, khi sang Real Madrid, mỗi mùa giải trôi qua là người ta lại được chứng kiến CR7 lợi hại và hoàn thiện hơn.

Anh là một kẻ bị ám ảnh bởi chủ nghĩa hoàn hảo, chính cá tính mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá đã trui rèn nên Cristiano Ronaldo của ngày hôm nay. Xuất phát điểm của Ronaldo không bằng nhiều thần đồng khác, anh biết điều đó mà bằng chứng là chuyện CR7 chỉ muốn mặc chiếc áo số 28 như thời còn ở Sporting Lisbon khi mới đến MU. Song ông thầy Sir Alex Ferguson với niềm tin vào cậu học trò này đã trao cho Ronaldo cái số áo huyền thoại ở Old Trafford. Tuyệt vời hơn, chính Fergie là người có công lớn nhất để giúp Ronaldo vươn tới đẳng cấp của cầu thủ hay bậc nhất thế giới.

Bởi thế, nguyện vọng của C.Ronaldo trước rời thành Manchester là phải vô địch Champions League 2009 để làm món quà chia tay với MU, như lời anh từng tâm sự với Zoran Tosic (giờ đã lưu lạc sang CSKA Moscow). Tuy nhiên, mơ ước đó của anh đã không thành và điều còn lại Ronaldo có thể làm để tri ân những người cũ chỉ là bay trở lại Manchester để mời “người cha thứ hai” Ferguson một bữa tối thân mật.

4 năm sau ngày chia tay với bệ phóng đã đưa anh lên đỉnh cao, Ronaldo đã sớm biết sẽ có ngày này. Anh cũng đã chuẩn bị từ lâu cho cuộc tái ngộ với “Quỷ đỏ”, thậm chí là từ 2 năm trước bằng tuyên bố “Hãy đưa MU đến đây” trước lễ bốc thăm vòng tứ kết Champions League 2010-2011.

Trận lượt đi, Ronaldo rõ ràng chẳng hề bị ảnh hưởng chút nào về mặt tâm lí khi có cú đánh đầu không thể ngăn cản tung lưới De Gea. Cứ ngỡ như khoảnh khắc CR7 trực tiếp ghi bàn vào lưới MU sẽ khiến trái tim các Manucians thắt lại vì đau, vì nhớ nhưng sự thật thì dù kẻ bắt De Gea vào lưới nhặt bóng là Ronaldo hay có là Benzama, Di Maria hay Ozil đi chăng nữa, mọi chuyện vẫn như thế. Ronaldo của màu áo đỏ đã thuộc về quá khứ và đã là quá khứ, kể cả có tươi đẹp đến mấy thì cũng không ai có thể sống mãi với nó được.

Người ta phải học cách quên quá khứ và chấp nhận hiện tại. Không có Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney trở thành ngôi sao số một ở Old Trafford. Rooney sa sút, đã có Van Persie đưa giấc mơ ở “nhà hát” bay cao. Và một ngày không có họ, sẽ lại có ngôi sao khác trở thành cảm hứng cho những khúc ca chiến thắng tiếp tục được cất lên ở “nhà hát”.

Đêm nay, Old Trafford sẽ rộng cửa để đón chào một đứa con của kỉ niệm, một thần tượng lớn ngày nào trở về. Thế nhưng, 90 phút bóng lăn trên sân (và có thể hơn thế nữa) vẫn sẽ là những thời khắc hơn 7 vạn “Quỷ đỏ” tại Old Trafford muốn Ronaldo phải “buồn”. Còn những cái ôm, những tràng pháo tay dành cho “số 7”, hãy đợi để khi tiếng còi mãn cuộc vang lên đã.

Cristiano Ronaldo tái ngộ MU để người ta nhớ. Nhớ về một thời dấu yêu đã xa, xa thật rồi…
Theo Dân Trí