Không được “khoác áo” kinh tế-xã hội để thu hồi đất của dân

05/03/2013 10:46
Thu Huyền/Lao động
“Thực tế trong giai đoạn vừa qua cho thấy, việc thu hồi đất ở một số dự án đã có chuyện vì tính chất cá nhân và một nhóm cá nhân, có việc vì lợi ích nhóm. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi đề nghị nên bỏ ý “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở nội dung thu hồi đất”.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp kiến nghị tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do thường trực HĐND – UBND TP.Hà Nội tổ chức ngày 4.3.

Giữ điều 4 Hiến pháp là cần thiết
Khẳng định việc giữ điều 4 như dự thảo Hiến pháp là cần thiết, đúng đắn, chính xác, ông Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội - lý giải: “Nhất thiết phải duy trì điều 4. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã đứng mũi chịu sào, hy sinh biết bao xương máu vì dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ. Hiện nay, không có lực lượng, tổ chức nào xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ông Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, cần có luật về Đảng. 

Một số dự án thu hồi đất gây bức xúc trong dân, nhưng cũng có nhiều trường hợp ngược lại như dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế này. Ảnh: DDDN
Một số dự án thu hồi đất gây bức xúc trong dân, nhưng cũng có nhiều trường hợp ngược lại như dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế này. Ảnh: DDDN
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tỵ, việc quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” phần nào đã bình thường hóa vai trò của Đảng. Ông góp ý, ở khoản này cần quy định là “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật về hoạt động của Đảng”. Theo ông, cần thiết phải có điều này vì ở Việt Nam hiện nay, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhưng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong đó, Quốc hội là cơ quan đại diện nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. 
Thống nhất cao với việc giữ điều 4 và bổ sung thêm một số điểm như dự thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn lại cho rằng, đây chưa phải thời điểm cần xây dựng luật về hoạt động của Đảng. Ông cho rằng, chỉ cần quy định, các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Hiến pháp và pháp luật là đủ. “Thực tế ta chưa chuẩn bị kỹ, chưa nên nêu vào luật gốc. Khi nào cần thiết tổ chức, cần thiết đề cập ta mới xem xét. Quy định như dự thảo là đủ” - ông Tuấn nói.
Bỏ ý “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở nội dung thu hồi đất
Liên quan tới vấn đề thu hồi đất, dự thảo có quy định, Nhà nước thu hồi đất có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp kiến nghị bỏ cụm từ “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”
 “Thực tế trong giai đoạn vừa qua cho thấy, việc thu hồi đất ở một số dự án cũng đã có chuyện vì tính chất cá nhân và một nhóm cá nhân, có việc vì lợi ích nhóm. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi đề nghị nên bỏ ý “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ở nội dung thu hồi đất” - ông Thiệp kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội - cũng cho rằng, nên bỏ đoạn “các dự án phát triển kinh tế, xã hội”. Ông nói: “Dự án nào giờ chả “khoác áo” kinh tế - xã hội. Như vậy, mọi dự án đều thoải mái được quyền thu hồi đất hay sao? Trong khi đó, quyền sử dụng đất của người dân phải được Nhà nước bảo hộ”.
Về tổ chức chính quyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, dự thảo không quy định rõ “UBND do HĐND bầu” là hợp lý. Bởi, thực tế hiện nay đang thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nếu vẫn giữ quy định “UBND do HĐND bầu” sẽ rất vướng khi triển khai chủ trương này.
Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Lê Quang Nhuệ cho rằng, những gì viết trong dự thảo thì vai trò của HĐND là mờ nhạt, vai trò của ĐB HĐND là không quan trọng. Ông đề nghị quy định về ĐB HĐND phải tương tự như phần nói về Quốc hội và ĐB Quốc hội. “Đành rằng sau này sẽ có luật để làm rõ hơn nhưng quan điểm cơ bản phải rõ ngay từ Hiến pháp, không có sau này lại mất công tranh luận xem ai sẽ bầu UBND. Đây là việc rất quan trọng, bởi mọi chính sách pháp luật muốn đi vào cuộc sống được đều phải nhờ chính quyền địa phương” - ông nói.
Thu Huyền/Lao động