Ngân sách Trung Quốc: Vừa lo giữ an ninh vừa tham vọng bành trướng

07/03/2013 06:00
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(GDVN) - Chi tiêu cho an ninh nội địa gia tăng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ theo đuổi tham vọng trong tranh chấp lãnh hải trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, mà còn lo đối phó với những nhân tố tiềm tàng gây bất ổn trong nước.

Cảnh sát Trung Quốc (hình minh họa, nguồn: Guardian)
Cảnh sát Trung Quốc (hình minh họa, nguồn: Guardian)

Trung Quốc có kế hoạch chi ngân sách quốc phòng lên 10,7% GDP trong năm nay lên 740,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 119 tỷ USD), giảm một chút so với con số của 2 năm trước. Trong khi đó,  ngân sách dành cho an ninh nội địa của Trung Quốc lại gia tăng với mức 8,7% GDP, tương đương 769,1 tỷ nhân dân tệ. Đây được coi là một dấu hiệu làm nổi bật mối quan ngại của Bắc Kinh về các mối đe dọa từ an ninh trong nước.

Lo ngại về những vấn đề an ninh trong nước

Chi tiêu cho an ninh nội địa gia tăng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ theo đuổi tham vọng trong tranh chấp lãnh hải trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, mà còn lo đối phó với những nhân tố tiềm tàng gây bất ổn trong nước như tình trạng ô nhiễm lan rộng, tham nhũng và lạm quyền tăng mạnh, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế và thu nhập đã đạt được những tiến bộ khá lớn những năm qua.
"Các sự cố gây bất ổn" ở Trung Quốc được chính phủ nước này ghi nhận đã tăng từ 8.700 vụ năm 1993 lên 90.000 vụ trong năm 2010 - theo kết quả một số công trình nghiên cứu do chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích ước tính rằng trong thực tế con số này còn cao hơn nữa, nhưng không được chính phủ Trung Quốc công bố.

Nó cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới những rủi ro tiềm tàng của tình trạng bất ổn đến từ bên trong hơn bên ngoài. Bắc Kinh đã giảm tự tin đi rất nhiều, một chính phủ tự tin thì không cần phải chi ngân sách an ninh nội địa cao hơn ngân sách quốc phòng, ông Nicholas Bequelin, một nhà nghiên cứu của tổ chức Human Rights Watch cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã chỉ ra rằng việc duy trì sự hài hòa, ổn định xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm 2013.
"Chúng ta phải cải thiện cơ chế đánh giá rủi ro tiềm năng quyết định tới các chính sách lớn có thể gây tổn hại cho sự ổn định xã hội... Mục đích của việc này là để bảo vệ luật pháp, trật tự, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội" - ông Ôn Gia Bảo nói.
Tham vọng quân sự của Trung Quốc
Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chiếm khoảng 5,4% tổng chi tiêu ngân sách nhà nước và tăng liên tục nhưng hiện vẫn chỉ bằng khoảng 1/5 chi tiêu của Lầu Năm Góc. Nhưng ngay cả khi đang lo lắng về những vấn đề nội bộ, Bắc Kinh vẫn trở nên ngày càng quyết đoán hơn trên sân khấu quốc tế.
Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh tới việc "Trung Quốc cần phải đẩy mạnh việc hiện đại hóa quốc phòng, các lực lượng vũ trang... và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo phát triển một cách hòa bình".
Trung Quốc cũng thúc đẩy quảng bá dài hạn cho các tham vọng quân sự của mình bằng các chương trình chế tạo phần cứng quân sự như tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiến đấu cơ tàng hình đầu năm 2011, biên chế tàu sân bay đầu tiên... Bắc Kinh cũng đang chế tạo các tàu ngầm mới, tàu nổi, tên lửa đạn đạo chống tàu như một phần của nỗ lực hiện đại hóa Hải quân.
Trung Quốc đã nhiều lần trấn an thế giới rằng không có gì đáng lo ngại trong chi tiêu quân sự của nước này vì đó là điều cần thiết với mục đích phòng thủ hợp pháp và rằng con số chi tiều này quá nhỏ bé so với con số 534 tỷ USD mỗi năm của Lầu Năm Góc. 

Các nước láng giềng châu Á, tuy nhiên, đã không thể không bày tỏ lo ngại về việc gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và nhất là động thái tăng ngân sách quân sự ở mức 2 con số mới đây của nước này khi Hải quân Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong cách tranh chấp lãnh hải.
Nhật Bản đã từng nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc có những động thái nhạy cảm mà được cho là có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự trên vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Ngoài ra, việc Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng cũng khiến các nước láng giềng không khỏi lo ngại.
"Theo truyền thống, phát triển không gian và phát triển các loại vũ khí mới không nằm trong danh sách chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc chi rất nhiều cho các chương trình không gian (có liên quan tới quốc phòng) nhưng không bao giờ công bố" - Toshiyuki Shikata, giáo sư tại Đại học Teikyo của Nhật Bản nhận xét.
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)