Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Gornec:

“Chúng tôi không muốn 51 đấu với 49, chúng tôi muốn 99 đấu với 0”

13/03/2013 07:55
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ không thể dừng dự án máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do diện liên quan rộng, lại muốn duy trì ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ tiềm tàng.
Máy bay chiến đấu F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35 Mỹ

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” vừa có bài viết cho rằng, mặc dù chương trình máy bay F-35 những năm gần đây do bị kéo dài và ngân sách tăng vọt nên bị chỉ trích rất nhiều, nhưng ngày 10/3 tờ “Bưu điện Washington” Mỹ có bài viết cho rằng, khi đối mặt với chính sách “vánh đá tài chính”, ngân sách dành cho máy bay F-35 vẫn rất khó bị cắt giảm.

Điều này không chỉ do việc nghiên cứu phát triển kéo dài này có diện liên quan quá rộng, đã trở thành “công trình chính trị” kiểu “rút dây động rừng”, hơn nữa chương trình này cũng thực sự đang đối mặt với một loạt vấn đề phiền phức cần tiền gấp.

Theo bài viết, mặc dù F-35 là hệ thống vũ khí đắt giá nhất trong lịch sử Mỹ và là chương trình đắt đỏ nhất trong ngân sách của Lầu Năm Góc, nhưng năm nay khi đối mặt với lời kêu gọi cắt giảm ngân sách, nó chỉ bị thẩm tra đơn giản. Bộ Quốc phòng Mỹ và nhà thầu chính chương trình F-35, công ty Lockheed Martin đã hợp lực tránh để ngân sách của F-35 bị cắt giảm.

Những người dự định tiến hành cắt giảm ngân sách quá mức phát hiện, mặc dù cắt giảm một phần rất nhỏ tốp máy bay tương lai của quân Mỹ cũng rất khó khăn, tuy rằng chương trình này đã chậm nhiều năm so với kế hoạch, đồng thời vượt 70% chi phí ban đầu.

Bài viết cho rằng, khi chương trình này được Lầu Năm Góc phê chuẩn lần đầu tiên, hãng Lockheed Martin cho biết, nghiên cứu chế tạo 2.852 chiếc máy bay F-35 cần đến 233 tỷ USD. Nhưng, hiện nay, tổng số chi phí dự tính của Lầu Năm Góc sẽ lên tới 397,1 tỷ USD, trong khi đó số lượng chế tạo đã giảm 409 chiếc.

Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ

Bài báo cho rằng, hãng Lockheed Martin để công việc nghiên cứu chế tạo F-35 phân tán tới 45 bang, vì vậy F-35 cũng được phê phán là “công trình chính trị”, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ luân phiên ra sức ủng hộ kế hoạch này. Lực cản cắt giảm còn đến từ nước ngoài, cắt giảm số lượng mua sẽ gây ra sự lo ngại nghiêm trọng cho 8 nước khác tham gia chương trình F-35, bởi vì điều này sẽ làm gia tăng giá thành mua máy bay của họ.

Trong khi đó, cấp cao quân Mỹ cảnh báo, nhất định phải sở hữu máy bay chiến đấu F-35 để đối phó với Iran, Trung Quốc và các đối thủ tiềm tàng khác, những nước này sẽ trang bị vũ khí phòng không tiên tiến. Không quân Mỹ cần phải bảo đảm được, trong bất cứ cuộc xung đột nào trong tương lai, máy bay chiến đấu đều có khả năng tác chiến tấn công và phòng thủ đầy đủ, để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào và tránh bị bắn rơi.

Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Gornec cho biết: “Chúng tôi không muốn 51 đấu với 49, chúng tôi muốn 99 đấu với 0”. Ông cho rằng, F-35 sẽ trở thành “siêu sao” trong kho vũ khí của Mỹ.

Theo bài viết, trở ngại lớn nhất để cắt giảm ngân sách F-35 đã ăn sâu vào phương thức nghiên cứu phát triển: Loại máy bay chiến đấu phản lực này sẽ tiến hành sản xuất quy mô lớn và giao cho các phi công, trong khi đó máy bay vẫn chưa được định hình hoàn toàn.

Hơn vài triệu phần mềm mã nguồn phải hoàn thành, bộ phận quan trọng còn phải thiết kế lại, trong khi đó máy bay đã hoàn thành 80% bay thử cần thiết cho định hình. Mỹ đã chế tạo 65 máy bay loại này, những máy bay sẽ lắp ráp trong mấy năm tới đó sẽ phải cải tiến thực sự, chi phí phải bỏ ra khoảng 4 tỷ USD.

Máy bay chiến đấu F-35A
Máy bay chiến đấu F-35A

Tờ “Bưu điện Washington” cho rằng, tổng chi phí cho chương trình này hầu như đã vượt gấp 4 lần chi phí bất cứ hệ thống vũ khí nào khác hiện đang phát triển.

Những người nộp thuế Mỹ đã chi 84 tỷ USD cho thiết kế và sản xuất ban đầu loại máy bay này. Trong khi đó, tổng chi phí cho 18.000 máy bay ném bom B-24 trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai còn chưa đến 60 tỷ USD, đây còn là giá sau khi đã tính toán đến lạm phát.

Thực ra, đối với vấn đề máy bay F-35, quân Mỹ có cái khổ khó nói. Cách đây không lâu, toàn bộ số máy bay đã dừng bay hoàn toàn, bởi vì cánh quạt động cơ của một chiếc máy bay phát hiện có vết rạn; máy bay F-35 phiên bản lính thủy đánh bộ bị cấm tiến hành cất/hạ cánh thẳng đứng do thiết kế có khiếm khuyết; máy bay phiên bản hải quân loại này không thể hạ cánh thành công trên tàu sân bay, bởi vì thiết kế móc đuôi có vấn đề. Mà những vấn đề này đều cần có tiền để giải quyết.

Máy bay chiến đấu F-18D bay cùng máy bay chiến đấu F-35
Máy bay chiến đấu F-18D bay cùng máy bay chiến đấu F-35
Việt Dũng