'Cục phó cảnh sát mắng phóng viên thể hiện sự coi thường báo chí'

13/03/2013 07:31
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Ở nước ngoài, quan chức lỡ miệng thường tự xử bằng cách xin lỗi dân và từ chức ngay. Những công bộc lỡ miệng mắng dân ở nước ta cũng nên tham khảo cách làm này".

Sự việc ông Đinh Mạnh Toàn – Cục Phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) khi đề cập tới những bài viết tuyên truyền về việc xử lý mũ bảo hiểm đã nói: “Báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết luận của các cơ quan chức năng. Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng. Gần đây tôi lên mạng xem, báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, đó là chúng ta nêu lên thế nào là mũ giả, mũ rởm. Các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, kém gì đó, không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng lời lẽ, bằng giải thích từ ngữ …”.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, ông Đinh Mạnh Toàn đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ của giới báo chí, mà còn của dư luận cả nước nói chung. Liệu phát ngôn của vị Cục phó này có “phạm luật”? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.Nguyễn Minh Thuyết – nguyên ĐB Quốc hội khóa XI, XII; nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để làm rõ hơn vấn đề này.

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, ông có bình luận gì về chi tiết vị Cục phó Đinh Mạnh Toàn nhận xét một số phóng viên bị "thiểu năng"?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đây là một phát ngôn thiếu chín chắn. Nó phản ánh sự bất bình của người nói, nhưng cũng thể hiện thái độ coi thường báo chí và công luận.  Xin lưu ý là Luật Báo chí đã quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 15: “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Thiết tưởng, một cán bộ lãnh đạo ở cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhớ điều này.

- Cũng trong phát biểu trên, ông Toàn còn khuyên “Báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết luận của các cơ quan chức năng. Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng.” Phải chăng vị Phó Cục trưởng này có hàm ý nói việc báo chí phản biện chính sách là không đúng đắn? GS có cho rằng báo chí nên làm theo lời khuyên này không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngoài chức năng thông tin tuyên truyền, báo chí còn có trách nhiệm giám sát việc làm của các cơ quan nhà nước và gửi những ý kiến phản biện của nhân dân tới các cơ quan này. Việc thể hiện chính kiến về từng sự việc, từng chính sách cụ thể là quyền của báo chí dựa trên kết quả phân tích chính sách, kết quả nghiên cứu ý kiến nhân dân.

Bởi vậy, chỉ nên coi phát biểu nói trên thể hiện nguyện vọng của cá nhân hoặc của cơ quan ông phó cục trưởng. Còn nếu coi đó là một lời khuyên răn hoặc ràng buộc báo chí thì không phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Báo chí: Nhà báo có nghĩa vụ "Thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân".


- Thưa GS, không phải đến bây giờ chúng ta mới nghe thấy những phát biểu "gây sốc" của một vị lãnh đạo nào đó ở các bộ, ngành, mà trong quá khứ cũng đã xảy ra rất nhiều rồi... Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh hơn với những vị này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước vừa phải kiểm điểm và phải xin lỗi dân về phát ngôn châm biếm người dân “quen hít khí trời miễn phí nên kêu ca khi phải nộp phí rút tiền từ thẻ ATM”. Chỉ sau sự kiện ấy chưa đầy nửa tháng lại đến phó cục trưởng của Bộ Công an chỉ trích nhà báo “thiểu năng”. Đáng tiếc là hai ông này không phải những quan chức đầu tiên buông lời khinh mạn người dân.

Từ trước đó, báo chí đã bất bình vì có vị lãnh đạo cấp cao hơn không ngần ngại quy kết “báo chí gây ra đến 40% - 50% khó khăn” của ngành ông. Trước đó nữa, lại có vị đã hỏi thẳng thừng: “Vì sao báo tiếp thị lại đi viết về chính trị?”.

Với những người dân khác, thời gian qua cũng không hiếm ý kiến phê phán, chụp mũ “nhẹ bâng”. Ở nước ngoài, quan chức lỡ miệng thường tự xử bằng cách xin lỗi dân và từ chức ngay. Những công bộc lỡ miệng mắng dân ở nước ta cũng nên tham khảo cách làm này.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Quang (Thực hiện)