CQ chức năng chỉ đích danh 2 cô đồng vờ bị 'thần xà' nhập ở Vạn Phúc

13/03/2013 16:06
Hoàng Phương/Giadinh.net.vn
Thông tin về “thần xà” ở miếu Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) ngày càng lan rộng khiến nhiều người hiếu kỳ đổ về cúng bái. Lợi dụng điều đó, một số “đồng cốt” đã cố tình tự nhận mình được “thần xà nhập” nhằm tăng uy tín cho việc cúng lễ tại gia.
Nhiều người đổ về miếu Vạn Phúc làm lễ sau khi thông tin “thần xà nhập người” loang ra. Ảnh: HP
Nhiều người đổ về miếu Vạn Phúc làm lễ sau khi thông tin “thần xà nhập người” loang ra. Ảnh: HP

Miếu thờ không liên quan đến… mãng xà

Có thể nói, chưa bao giờ, miếu Vạn Phúc lại có đông người đến cúng bái đến thế. Các lễ vật chủ yếu là trứng sống, thịt sống, gạo, muối và nước lọc đóng chai. Theo quan sát của chúng tôi, ban quản lý di tích này đã phải lập các bàn ghi công đức “dã chiến” để tiếp nhận tấm lòng hảo tâm của khách đến làm lễ. Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng Ban quản lý (BQL) di tích phường Vạn Phúc cho biết, số tiền công đức mà ngôi miếu nhỏ này nhận được từ Rằm tháng Giêng đến nay đã lên tới 191 triệu đồng. Đây là sự việc chưa từng có tại địa phương.

Ông Thủy kể lại, sự việc bắt đầu khi chị Triệu Ngọc Ánh đến miếu lễ và bị “thần xà nhập”, yêu cầu phải cúng bò vào ngày 28/1 âm lịch. Sự việc loang ra, dân chúng tự kéo đến làm lễ rất đông. Ngay khi nhận được thông tin, BQL di tích xác định tôn trọng việc cúng bái của nhân dân và định không tham gia vào việc làm lễ này. Tuy nhiên, khi số tiền góp lễ lên tới hơn 100 triệu đồng thì những người đứng ra làm lễ phải nhờ đến BQL di tích. BQL di tích phường đã xin ý kiến của lãnh đạo địa phương và quyết định tổ chức lễ tổng kết lễ hội vào ngày 28/1 âm lịch vừa qua. Buổi lễ đã cúng nghi thức bằng 2 con bò sống, sau đó bò được trao cho 2 hộ nghèo nuôi. Theo ông Thủy, số tiền được chi cho lễ tổng kết vừa qua hết gần 100 triệu đồng. Số tiền còn lại, BQL sẽ dùng để tôn tạo di tích sau này.

Tính đến ngày 12/3 (1/2 âm lịch) đã có 9 trường hợp được cho là bị “thần xà nhập”. Có trường hợp há hốc mồm, thè lưỡi, trườn bò; có trường hợp trèo cây…Theo ông Thủy, miếu thờ làng Vạn Phúc chưa từng được ghi nhận là có liên quan gì đến mãng xà. Chỉ có một sự liên đới duy nhất đó chính là thành hoàng của làng Vạn Phúc được thờ tại đây được cho là tuổi rắn và tính đến nay, vị thành hoàng này tròn 1.000 năm tuổi.

Cơ quan an ninh vào cuộc

Theo ông Đỗ Xuân Thủy, trước việc “thần xà nhập người” gây hoang mang dư luận, cơ quan an ninh đã vào cuộc và cho biết có một số trường hợp lợi dụng dịp lễ hội tại miếu nhằm gây thanh thế cho mình. Trong số 9 người nói trên, có 2 trường hợp có điện thờ tại nhà đã đến khu vực miếu Vạn Phúc và giả vờ “lăn đùng, ngã ngửa” ra tự cho là có “thánh nhập”.

Ông Đỗ Quang Vĩnh, nguyên cán bộ Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện phụ trách phòng đọc sách của phường Vạn Phúc cho rằng các sự việc đã và đang diễn ra tại miếu Vạn Phúc nằm ngoài tầm kiểm soát của làng. Đối với hai trường hợp giả bị “thánh nhập”, ông cũng biết rõ là cô Hoan và bà Hồng. Đây là hai người có điện thờ tại nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vĩnh không trực tiếp nhận xét về các hiện tượng “thánh nhập” còn lại mà chỉ kể cho chúng tôi nghe về đức tin của dân làng đối với vị thành hoàng đáng kính.Theo lời ông Vĩnh, vị thành hoàng này đã nhiều phen che chở cho dân làng Vạn Phúc vượt qua những gian khó. Vì vậy, sự ngưỡng mộ của dân làng với vị phúc thần này là không thể phủ nhận.

Ông Vĩnh cho rằng, nếu sự việc tại miếu Vạn Phúc bị biến tướng thành các hiện tượng mê tín dị đoan thì cần phải lên án. Sự việc cần được nhìn nhận một cách bình tĩnh, thấu đáo, có những lý giải cụ thể để dư luận hiểu đúng, tránh hiện tượng lợi dụng đền miếu để trục lợi, gây hoang mang trong nhân dân.
Hoàng Phương/Giadinh.net.vn