GS Ngô Bảo Châu bị 'đánh trượt' vì... Bổ đề cơ bản!

14/03/2013 06:44
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Bổ đề cơ bản, công trình đã đưa GS Ngô Bảo Châu lên tới đỉnh vinh quang nhất của Toán học thế giới - giải thưởng Fields - lại chính là "lực cản" khi ông thi vào một cơ quan nghiên cứu. Đó là bài học sâu sắc ông chia sẻ với hàng nghìn sinh viên chiều 13/3.
Chiều 13/3, hàng nghìn sinh viên đến từ nhiều trường ở Hà Nội đã đổ về ĐH Bách Khoa để nghe GS Ngô Bảo Châu nói chuyện về phương pháp học tập hiệu quả. Buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu về chủ đề “Học như thế nào” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình", do Quỹ Hòa bình Quốc tế phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức.

Hội trường C2 Trường Đại học Bách Khoa chật ních các bạn trẻ trước giờ nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu. Nhiều sinh viên thậm chí không có chỗ đứng, đành ở ngoài chờ tới khi giáo sư kết thúc buổi nói chuyện để nắm tay bày tỏ niềm cảm phục. 
Bắt đầu buổi trò chuyện, GS Ngô Bảo Châu cho biết, đi đâu giáo sư cũng rất hay được sinh viên hỏi về bí quyết học tập. Và "bắt buộc" lần nào giáo sư cũng phải trả lời rằng, không có bí quyết gì ngoài niềm say mê. “Bắt buộc phải trả lời như vậy vì đây là một vấn đề phức tạp nhưng không thể né tránh mãi được, đây cũng là câu chuyện, là một công tác giáo dục”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trước khi đi vào phẩn nói chuyện khoa học. 

Mở đầu phẩn nói chuyện với sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, giáo sư Ngô Bảo Châu gặp ngay câu hỏi: Làm thế nào để duy trì lòng say mê nghiên cứu khoa học? 

Giáo sư Ngô Bảo Châu đáp: Muốn làm gì tất nhiên đều có khó khăn, tôi cũng đã gặp phải và tôi nghĩ các bạn ngồi đây cũng đã gặp phải, nhiều người không tin về thành công. Tôi kể câu chuyện vui thế này: Sau khi làm luận án Tiến sĩ tại Pháp tôi được tuyển vào làm cán bộ nghiên cứu, nhưng khi thi tuyển tôi lại trượt. Vì sao tôi trượt? Vì nhiều người không tin tôi. Khi họ (Hội đồng phản biện - PV) hỏi tôi sẽ nghiên cứu về vấn đề gì? Tôi nói nghiên cứu Bổ đề cơ bản, tất nhiên ban giám khảo họ không tin mình vì nghĩ mình còn ngây thơ nên đánh trượt tôi. Đó là tâm lí khó khăn khi mình chưa được người khác tin tưởng.

Khó khăn thứ 2 tôi muốn nói là có thể chính các bạn cũng không tin vào bản thân. Khi bắt đầu làm việc với Bổ đề cơ bản năm 2003 tôi có một số ý tưởng mới và làm việc say sưa với các thầy giáo khác, năm 2006 cố gắng theo đuổi và mở rộng chương trình, khó khăn xuất hiện và chính bản thân mình cũng không tin mình nữa, đó là những khó khăn vô cùng. Tuy nhiên mỗi người cũng nên tự tìm ra phương án riêng cho mình.
 
Nhiều sinh viên tò mò về con người và công việc của GS Ngô Bảo Châu.
Nhiều sinh viên tò mò về con người và công việc của GS Ngô Bảo Châu.

Sinh viên hỏi: Có cách nào thu hút các nhà toán học đang làm việc tại nước ngoài về nước cống hiến không? 

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Vấn đề này Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đang cố gắng làm. Ở nước ngoài họ có một cơ chế thuận lợi để làm việc này và chính trong Viện Toán hiện nay không có biên chế chính thức, thay vào đó chỉ có nhóm làm việc trong thời gian từ 2 đến 6 tháng. Cán bộ Việt Nam và nhà khoa học của Việt Nam tại nước ngoài cùng nhau làm việc. Điều đáng mừng nhất là cho tới bây giờ hoạt động của Viện đi đúng theo tinh thần lúc đầu đề ra.

Sinh viên hỏi: Sự kiện nào mang dấu ấn khoa học của giáo sư nhiều nhất?

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi lại nhắc lại chuyện lúc trước tôi nói: khi người ta không tin mình. Thực ra khi mỗi người hướng đến một đích xa và khó khăn trong nghiên cứu khoa học bạn sẽ có 2 trường hợp: Một là, không có cơ sở nào cho việc tự tin đó, đó là thần kinh không bình thường; Hai là, bạn phải có sẵn và phải có một ý tưởng “mầm mống” mà chưa ai triển khai ra, nếu bạn triển khai ý tưởng này đến cùng thì đó là cơ sở để người khác tin vào mình. Sơ khởi đó là bước để vượt qua khó khăn ban đầu. 

Quan trọng hơn trong nghiên cứu khoa học là làm sao vượt qua được cái mình không tin vào mình, đây là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng theo nghĩa nào đó chúng ta phải tin tưởng ở số phận, có khi đúng thời điểm cảm tưởng tất cả những tính toán của mình trở nên vô vọng thì tình cờ lại tìm được “ánh sáng”. Tôi là một ví dụ, bản thân tôi đã vô vọng trong nghiên cứu, nhưng tình cờ tôi nói chuyện với đồng nghiệp, đồng nghiệp có nói về công trình 20 đến 30 năm mà vẫn không có giá trị, ngay lúc đó tôi hiểu đó là “mẩu” cuối cùng của bức tranh. Tất cả những ý tưởng vô vọng trước đây chưa thành hiện thực nay tôi ghép lại thành bức tranh cuối cùng và bức tranh đó đã hiện ra. Tuy nhiên, nếu không có quá trình phấn đấu trước đó thì cũng không thể nhận ra “mẩu” mà mình biết để ghép lại thành bức tranh. 
Sinh viên hỏi: Một ngày bình thưởng của giáo sư như thế nào?

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Mỗi ngày đều khác nhau. Nếu như làm việc ở Viện Toán sẽ họp từ sáng đến tối, còn ở Mỹ ngoài việc đến đúng giờ (mặc dù không ai kiểm soát nhưng phải tôn trọng tính kỉ luật) sau đó nói chuyện với sinh viên, với nghiên cứu sinh. Bạn không có ý tưởng hay có ý tưởng cứ đúng giờ hàng tuần là gặp trao đổi, nhiều khi gặp nhau không có ý tưởng để nói cảm giác rất khó chịu, nhưng những lần như thế làm mình phải phấn đấu để lần sau gặp còn có gì để nói. 

Thường ở Mỹ, buổi sáng gặp sinh viên để trả lời thắc mắc, buổi chiều nghe Semina hoặc tập trung nghiên cứu khoa học. Tối về nhà sau bữa ăn sẽ ngồi tâm sự với gia đình, nếu còn sức khỏe thì đọc sách. 

Sinh viên hỏi: Hướng nghiên cứu của giáo sư sẽ là gì sau công trình Bổ đề cơ bản?

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Toán học rất rộng lớn còn nhiều bí ẩn chưa khám phá. Bổ đề cơ bản là quan trọng như là mắc mớ trong cánh cửa toán học, như một sự khai thông các nền khoa học khác, và tiếp tục sẽ được khám phá. 

Sinh viên hỏi: Giáo sư từng nói, thuộc tính của người học cần trung thực, quả cảm. Liên quan vấn đề này giáo sư có trích dẫn nhiều luận điểm của các nhà khoa học lớn, tại sao giáo sưu không dẫn những luận điểm của chính học giả Việt Nam, liệu có rủi ro nào khi người học cố gắng học nền văn minh của phương Tây, giáo sư có lo sợ mình không còn thuộc về cộng đồng của mình khi tiếp nhận nền khoa học lớn đó?

Sinh viên hỏi: Thuật ngữ "tha hóa" được phát triển nhiều qua học thuyết của Mác, nhiều lần giáo sư có nói tới "tha hóa". Vậy nguồn gốc trong việc nói "tha hóa" của giáo sư xuất phát từ đâu mà có?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Về câu hỏi thứ nhất, tôi đã nói phát triển ý tưởng của khoa học thế giới, đây là luận điểm của thế giới có tính tổng quát mang yếu tố khách quan của tất cả con người. Tôi không tin có một quan niệm khoa học nhân văn đặc thù của Việt Nam đối lập với quan niệm thế giới, chuyện giữ gìn bản sắc, biết hòa đồng với cuộc sống của nhân dân tôi nghĩ là câu chuyện khác, đó là cách sống của mỗi người. Chuyện học và cách sống của mình là hai vấn đề khác nhau, đi học là học giá trị phổ quát của nhân loại.

Câu hỏi thứ hai tôi xin trả lời “tha hóa” tôi khẳng định lấy của Mác - đó là tha hóa con người.

GS Ngô Bảo Châu nhận hoa từ lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
GS Ngô Bảo Châu nhận hoa từ lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Sinh viên hỏi: Việc lập gia đình sớm có ảnh hưởng tới công việc nghiên cứu khoa học của giáo sư không?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi để ý lần nào nói chuyện tôi cũng được hỏi như thế này. Tôi nghĩ việc này có vẻ tốt tới sự nghiệp khoa học của tôi, nếu có điều gì vất vả có lẽ không phải tôi mà là phu nhân của tôi gánh nhiều hơn. Một gia đình ấm áp là nơi con người bình tâm cho công việc khoa học. 

Sinh viên hỏi: Hiện nay ở các trường đại học, số lượng giáo sư đang giảm dần, nguyên nhân ở đây là đề tài làm ra không được trọng dụng nhiều, làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và nghiên cứu, xin giáo sư chia sẻ?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Đây là vấn đề nghiên cứu ở các trường đại học, theo tôi có lẽ mắc mớ khó nhất là làm như thế nào có bức vách giải quyết sự mâu thuẫn về mặt quyền lợi trong các trường và bức vách của nguời nghiên cứu được ưu tiên hơn. Đây là cách để cho khoa học trong trường phát triển. Viện nghiên cứu về Toán là một mô hình như vậy. 

Sinh viên hỏi: Sinh viên hiện nay đang gặp vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là nghiêm trọng hơn hai vấn đề là người khác không tin mình và mình không tin mình, đó là không còn niềm say mê nghiên cứu và học tập mà mình đã chọn nghề. Thực tế sinh viên cảm thấy được học nhiều lý thuyết và toàn lí thuyết khô khan, từ đó không thấy được cái đẹp của khoa học. Đã bao giờ giáo sư không còn đam mê với con đường đã chọn, quá trình vượt qua như thế nào?

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ niềm say mê không bao giờ ổn định, trừ trường hợp đặc biệt nhưng sau cũng đều chán cả. Nhưng kể cả không còn niềm say mê vẫn phải cố học để hoàn thành bổn phận. Không cái gì vĩnh viễn ra được, quan trọng các bạn không bỏ cuộc. 

Sinh viên hỏi: Giáo sư có thể cho biết phương pháp nghiên cứu, điều kiện nghiên cứu có phải là yếu tố quyết định sự thành công hay không?
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Thứ nhất, quan niệm tôi là không được sợ, khi đọc quyển sách cảm thấy khó mà không đọc thì không được, khó không phải bản chất khó mà do người viết tồi. Vấn đề không nhất thiết theo từ đầu nhưng ít nhất cũng phải tìm hiểu cặn kẽ vấn đề. Học lại từ đầu không có nghĩa là học kinh viện. Việc học xuất phát từ những câu hỏi, trong một cuốn sách chỉ học để trả lời câu hỏi đó, học thì phải đến cùng chứ không thể để biết lơ mơ về vấn đề đó. 

Về điều kiện làm việc có ảnh hưởng không, tôi trả lời là đúng. Điều kiện trong nước bắt con người phải nỗ lực nhiều. Vậy sự khác nhau từ đâu ra? Đó chính là chính sách về lương, giờ làm việc, chỗ làm việc. Ngoài ra, tổ chức làm việc là sự nỗ lực mà mỗi người có thể làm được. Tôi làm việc ở trường đại học nước ngoài, lương chắc chắn sẽ nhiều hơn, nhưng bản thân trường đó họ mang lại điều gì cho tôi – đó là hệ thống tổ chức tốt. Tổ chức ở đây tuy không có chương trình nào làm chung nhưng thường xuyên gặp gỡ, semina thảo luận, có thể không liên quan trực tiếp đến vấn đề mình làm nhưng đó là để duy trì sự say mê, kích thích sự tò mò của mình, giúp mình duy trì nỗ lực làm việc.

Buổi nói chuyện kết thúc sau gần 2 giờ làm việc và chia sẻ những chuyện đời, chuyện làm khoa học của giáo sư Ngô Bảo Châu. Những bài chia sẻ của giáo sư về cách học như thế nào sẽ được Giaoduc.net.vn đăng tải vào sáng mai. 
Xuân Trung (ghi)