Con mắc bệnh, phụ huynh "chạy" ngược xuôi kiếm lớp học

23/08/2011 16:20
Phương Thúy
(GDVN) - Không muốn tin con mình bị bệnh, phụ huynh kiên quyết từ chối kết quả khám bệnh của bệnh viện và tìm mọi cách để con được học trong các lớp bình thường.

Cô giáo có "vấn đề" khi nói con tôi bị bệnh

Cầm kết luận của Bệnh viện Nhi Trung ương về tình trạng bệnh tật của con mình, vợ chồng anh Lê Văn Lượng (Thanh xuân Băc, Hà Nội) vẫn không tin con mình bị chứng tăng động giảm chú ý (TĐGCY).

Anh Lượng cho biết, từ trước đến giờ cháu vẫn bình thường, thấy cháu ham chơi anh chị chỉ nghĩ con hiếu động nên cũng không để ý. Gần đây cô giáo cảnh báo về tình trạng hiếu động thái quá của con và khuyên anh chị nên đưa con đi kiểm tra sức khỏe.

Trước đó, nghe lời cô giáo nói, anh Lượng còn giận dỗi đòi cho con chuyển trường vì cô giáo kém hiểu biết, con anh khỏe mạnh, hiếu động thì cần gì đi khám bệnh. Nhưng khi chuyển sang trường mới được hơn 1 tháng thì nhà trường gọi điện thông báo về con anh. Vợ chồng anh mới chịu đưa con đi khám bệnh.

Chị Vũ Thị Hòa (Quảng Ninh) đưa con xuống bệnh viện tâm thần Ban ngày Mai Hương để khám bệnh. Cháu Tít nhà chị Hòa 3 tuổi nhưng nói và chơi không biết mệt mỏi. Cả ngày cu Tít cứ chạy khắp nhà không lúc nào ngồi yên khiến người trông cháu cũng không quản nổi cháu. Chị đã thuê đến 3 người giúp việc nhưng người ta đều bỏ đi hết vì không chăm được cu Tít.

Chị Hòa cho biết, không chỉ nô nghịch, khó trông, các đồ đạc trong nhà đều được cháu mang ra đập. Cháu lao vào đánh bạn bè nếu ai ngăn cản cháu sẽ tự đập đầu mình vào tường hoặc dưới sàn nhà. Người giúp việc đến trông con cũng sợ vì những hành động đó của cháu.

Chị đã gửi con đến mấy nhà trẻ nhưng ai chẳng được bao lâu lại phải chuyển trường. Ai cũng nói cháu có vấn đề nhưng lên đến bệnh viện chị vẫn tin con mình chỉ hiếu động quá. “Nó còn nhỏ làm gì đã có nhận thức mà nói cháu bị bệnh nó bệnh kia”. Khi bác sĩ thông báo cháu bị TĐGCY, chị Hòa còn chưa hiểu nó là bệnh gì và khăng khăng con mình không bị bệnh.

Cha mẹ chỉ cho rằng con họ quá hiếu động không phải bệnh tăng động giảm chú ý
Cha mẹ chỉ cho rằng con họ quá hiếu động không phải bệnh tăng động giảm chú ý

Hàng xóm xua đuổi, bạn bè tẩy chay

Việc chấp nhận bệnh tật của con cái tương đương với việc mất ăn, mất ngủ lo việc học hành của con. Có lẽ chính vì điều này mà nhiều ông bố bà mẹ, cố dấu diếm bệnh tật của con mình để hi vọng con có một môi trường học tập thật tốt.

Gia đình anh Nguyễn Sơn (Trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) có cậu con trai thứ 2 bị mắc chứng TĐGCY, vợ chồng anh biết bao đêm mất ngủ vì lo trường học cho con. Cháu Quang đã 4 tuổi nhưng chỉ biết chơi, nô đùa. “Chưa một lần chị thấy cháu biểu hiện cảm xúc ra mặt, chưa một lần cháu tỏ ý sợ hại điều gì. Làm mẹ chỉ ước con giận dỗi một lần cũng khó” - vợ anh Sơn than thở.

Con anh Sơn quá hiếu động nên trẻ con trong khu xóm cũng không chơi với cháu. Hễ cháu đánh con nhà hàng xóm họ lại sang nhà anh chị nói “không biết dạy con, rồi nhốt con vào đi” - có ai muốn con mình đi đánh con thiên hạ đâu chứ, nghe lời trẻ con mất lòng người lớn lắm - anh Sơn đau lòng nói.

Hàng ngày cháu Quang được ông đưa đi học ở một trung tâm tâm lý trẻ em, nhưng khi ra khỏi lớp thì không ai kiểm soát được cháu. Điều khiến anh Sơn lo lắng nhất là sang năm cháu phải vào học mẫu giáo không biết anh sẽ cho con học ở trường nào vì các cô trong trường đều không nhận con anh. Nếu đi học trong trường công lập đúng tuyến thì con anh phải xuống Minh Khai, Từ Liêm học nhưng chắc gì người ta đã nhận. Thời buổi trường ít, trò nhiều người ta cũng kén học sinh lắm chứ.

Chị Tô Phương Anh (Cầu Giấy), tìm mọi mối quan hệ để "chạy" cho con vào học lớp 1 tại một trường bình thường trong quận. Vì theo chị: Tôi sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy, con tôi không bị mắc bệnh gì cả!

Tuy nhiên, cháu vào học chẳng được bao lâu thì nhà trường lại gọi gia đình lên vì cháu làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, nhiều phụ huynh yêu cầu nhà trường chuyển lớp cho con họ. Hết trường này, đến trường khác chị cố lo lót thật tốt để con mình vào học bình thường như bao trẻ khác.

TĐGCY là sự kết hợp của một hành vi hoạt động quá mức, kém kiềm chế với thiếu chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong công việc. Các biểu hiện trên nổi lên trong các tình huống và kéo dài nhiều năm’’.

Sự thiếu chú ý là nét trọng tâm của hội chứngTiến sĩ Ngô Thanh Hồi (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) khẳng định có những bậc phụ huynh không công nhận con mình bị bệnh.

Họ nghĩ rằng bệnh TĐGCY là do sự giáo dục của cha mẹ, nhưng cha mẹ đã nhầm vì bệnh này là do phát triển của não. Bố mẹ cần được giáo dục một cách triệt để để phân biệt thế nào là bệnh tự kỷ, thế nào là bệnh tăng động giảm chú ý.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cũng thừa nhận có khá nhiều bậc cha mẹ khi đi khám cho con đều không tin con mình bị TĐGCY mà chỉ cho rằng còn mình nhạy cảm với một vấn đề, hiếu động. Một số người còn bi quan lo lắng về tình trạng của con nên đi cầu cúng, tốn kém tiền của…

Còn tiếp...

Phương Thúy