La Liga nợ thuế 535 triệu euro, bị EU điều tra

Người Đức đóng thuế để giúp Real mua Ronaldo, Kaka…?

20/03/2013 08:16
H.T (Báo TT&VH)
Với những thành công liên tiếp trong nửa thập kỷ và những ngôi sao đang quy tụ về La Liga, người TBN có thể tự hào rằng họ đang có một giải đấu hấp dẫn, chất lượng nhất hành tinh…
… Nhưng ở mặt đối nghịch, Liga lại đang nợ đầm đìa. Chính phủ TBN gánh khoản nợ ấy, trong khi EU gánh nợ cho TBN.

Hai bộ mặt của Liga

La Liga đang có hai bộ mặt. Bộ mặt thứ nhất đầy hào nhoáng: đó được xem như giải đấu hàng đầu thế giới với những siêu sao hàng đầu thế giới như Messi, Ronaldo, Xavi, Iniesta… Việc FIFA công bố đội hình tiêu biểu bóng đá thế giới 2012 gồm toàn bộ là cầu thủ đang chơi ở Liga, với 5 người của Barca, 5 của Real và 1 của Atletico Madrid là một chiêu PR mạnh mẽ cho giải đấu này. Tại vòng tứ kết Champions League mùa giải này có tới 3 đại diện của Liga. Những trận “El Clasico” diễn ra với tần suất dày đặc hàng năm thu hút hàng tỷ người theo dõi… Giải đấu có lịch sử hơn 80 năm dần trở thành thiên đường của bóng đá thế giới.

Deportivo của chủ tịch Augusto Lendoiro là một trong những CLB nợ nần nhiều nhất La Liga.
Deportivo của chủ tịch Augusto Lendoiro là một trong những CLB nợ nần nhiều nhất La Liga.

Bộ mặt thứ hai lại xám xịt và ảm đạm khi tờ El Pais công bố khối nợ thuế khổng lồ 690,4 triệu euro của các CLB chuyên nghiệp TBN. Khoản nợ này đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2012 (752,3 triệu euro) nhờ chính sách khống chế của cơ quan thuế (AEAT) nhưng vẫn còn là một con số khủng khiếp. La Liga là giải đấu nợ nhiều nhất với 535,8 triệu euro, trong khi các giải đấu hạng dưới “chỉ” nợ 154,6 triệu.

Nguyên nhân khiến hàng loạt CLB phải lao đao vì nợ nần là bởi tiền đầu tư cho chuyển nhượng gia tăng cũng như quỹ lương liên tục nới rộng nhưng nguồn thu từ bán vé, bản quyền truyền hình hay quảng cáo lại sụt giảm. Nếu như năm 2008 các CLB TBN mới nợ thuế 607 triệu euro thì sau 4 năm, con số ấy đã tăng thêm 145 triệu. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm bóng đá TBN giảm được nợ nhưng vẫn còn ở mức cao và trở thành một thách thức với nền kinh tế quốc gia Nam Âu này.

EU điều tra La Liga

Năm ngoái chủ tịch Uli Hoeness của Bayern Munich từng bất bình trước việc các CLB Liga nợ thuế trên 700 triệu euro trong khi chính phủ TBN lại đi vay nợ của khối EU: “Thật quá kinh tởm. Chúng ta trả hàng trăm triệu euro để rồi xuất hiện “đồ thối tha” này đây”. Ông Hoeness có cớ để bực dọc bởi các đội bóng Liga như Real, Barca đang dùng tiền đi vay để mua cầu thủ và dùng những cầu thủ ấy để đánh bại Bayern, CLB đại diện cho Đức, “chủ nợ” lớn nhất khối EU.

Năm ngoái EU đã đồng ý cho TBN vay tới 100 tỷ euro để vực dậy ngành ngân hàng đang bên bờ vực phá sản (chính phủ TBN trước đó từng xin cứu trợ tới 300 tỷ euro để giải quyết triệt để tình trạng nợ nần). TBN trở thành quốc gia châu Âu thứ tư phải nhận gói cứu trợ do khủng hoảng nợ công sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và giống như những nước khác, đất nước thuộc bán đảo Iberia phải cam kết chính sách thắt lưng buộc bụng để được vay tiền.

Bởi vậy, việc các CLB TBN tiếp tục nợ đầm đìa khiến người Đức không thể ngồi yên. Tờ Bild từng đặt câu hỏi: “Phải chăng người Đức đang đóng thuế để giúp họ mua Cristiano Ronaldo?" Trước đó vào tháng 7/2011, chính quyền Valencia từng cấp cho 3 CLB trong vùng là Valencia, Hercules và Elche vay 118 triệu euro và cho tới nay khoản nợ ấy vẫn chưa được hoàn trả. Liên minh châu Âu sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc này đã quyết định mở cuộc điều tra chính thức. Tại sao chính quyền Valencia cho 3 CLB vay khoản tiền lớn, quy trình cho vay đã hợp lệ chưa… là những điều EU hết sức quan tâm. Tình hình tài chính của Malaga cũng là chủ đề mà EU cân nhắc. Ngoài TBN thì 5 CLB Hà Lan gồm NEC, MVV, Willem II, PSV và Den Bosch cũng bị EU điều tra.

Rõ ràng cuộc điều tra của EU với 3 CLB mới chỉ là sự khởi đầu với bóng đá TBN. Trong tương lai, những gã khổng lồ Real Madrid, Barcelona cũng có thể sẽ bị “chiếu tướng”. Hai ông lớn luôn được các ngân hàng lớn chống lưng bằng cách cho vay những khoản lớn với lãi suất ưu đãi hoặc thậm chí không lãi để chiêu mộ các siêu sao như Ronaldo, Kaka, Ibrahimovic… và EU phải cho chính phủ TBN vay tiền để giải cứu các ngân hàng này. Sự bất cập ấy là điều EU không mong muốn, La Liga sẽ phải thay đổi nếu không muốn tiến đến bờ vực thẳm.
H.T (Báo TT&VH)