Dùng thuốc ngủ cho trẻ dễ dẫn tới nguy cơ tai biến

27/04/2011 14:02
Việc lạm dụng thuốc ngủ cho trẻ sẽ gây lệ thuộc thuốc và làm chứng rối loạn giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Việc lạm dụng thuốc ngủ cho trẻ sẽ gây lệ thuộc thuốc và làm chứng rối loạn giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn. Đó là chưa kể việc dùng thuốc không đúng có thể gây các tai biến nguy hiểm đến tính mạng.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, phụ trách chuyên khoa thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, thuốc gây ngủ có nhiều loại. Loại thứ nhất là thuốc dùng vào mục đích điều trị bệnh có tác dụng phụ gây ngủ. Thứ hai là thuốc thật sự để điều trị mất ngủ. Thứ ba là thuốc tâm thần, thần kinh dùng để điều trị bệnh nhân tâm thần (bắt buộc phải cho ngủ thì mới hết bệnh). Trẻ em chỉ có thể dùng nhóm đầu tiên để ngủ nhiều hơn, bớt hoạt động, dễ lên cân và đỡ quấy khóc.

Việc dùng thuốc 2 nhóm sau rất nguy hiểm. Chúng là các loại thuốc hướng thần, gây nghiện được ngành y tế quản lý rất chặt chẽ và khi mua bắt buộc phải có đơn.

Dùng thuốc ngủ cho trẻ dễ dẫn tới nguy cơ tai biến. (Ảnh minh họa)
Dùng thuốc ngủ cho trẻ dễ dẫn tới nguy cơ tai biến. (Ảnh minh họa)

Loại thuốc dùng vào mục đích điều trị nhưng có tác dụng phụ gây ngủ thường dùng thuộc nhóm antihistamine. Thông thường những thuốc này dùng để điều trị những bệnh liên quan đến dị ứng như nổi mề đay, ngứa, sổ mũi, ho khan theo thời tiết. Một số thuốc thường được dùng cho trẻ là Théralène, Chlorpheniram, Peritol… (thường là dạng xirô).

Ngoài ra, còn có các thuốc điều trị bệnh tâm thần, thần kinh mà gây ngủ như thuốc chống động kinh (Gardenal), thuốc chống loạn thần như Aminazin, thuốc an thần như Seduxen (thuốc này mục đích điều trị là để cho êm dịu, đỡ căng thẳng thần kinh nhưng vì giúp ngủ ngon nên bị lạm dụng làm thuốc ngủ), thuốc điều trị mất ngủ như Meprobamate…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bác sĩ khuyên không dùng thuốc ngủ cho trẻ khi không có bệnh, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng sẽ gây nhờn thuốc (mất hiệu quả điều trị) hoặc lệ thuộc thuốc (không dùng thì không ngủ được). Mặt khác, việc tùy tiện dùng thuốc ngủ sẽ khiến trẻ ngủ ngày nhiều, đêm không ngủ nữa, và chứng rối loạn giấc ngủ càng nặng thêm.

Do đó, cần đặc biệt lưu ý không dùng thuốc cho trẻ khi không có bệnh. Và chỉ khi có chỉ định điều trị của bác sĩ thì mới được dùng thuốc cho trẻ, ngay cả thuốc bổ cũng vậy.

Nguyên nhân có thẻ gây mất ngủ ở trẻ

Khi ngủ bị giật mình chắc chắn là do tâm thần bất định, ban ngày nhiều người nói to, cười đùa... Trong khi ngủ não của tất cả mọi người đều xử lý, sắp xếp lại các thông tin nhận được ban ngày nên lúc đó nhiều thông tin không xử lý được sẽ làm não cần nhiều thời gian và năng lượng hơn, cơ thể bé không đủ sẽ dẫn đến bất an.


Ngoài ra, một số cơ quan khác phải hoạt động mạnh trong thời gian này sẽ chiếm hệ tuần hoàn của bé khiến não cũng không hoạt động đầy đủ. Đây là lý do giải thích tại sao không nên cho ăn no trước khi đi ngủ (kể cả người lớn). Ngoài ra, đó là chưa nói đến các lý do tạo ra bởi môi trường ngủ như âm thanh, ánh sáng, thời gian, khói thuốc lá...

Cách khắc phục tình trạng mất ngủ của trẻ

Khi nhà có em bé thì các thành viên trong môi trường chung sống phải hết sức giữ gìn, không nói to, nô đùa. Người trực tiếp chăm nuôi bé (có thể không phải chỉ có mẹ) luôn phải tự nghiêm khắc với mình, tuân thủ các quy tắc dinh dưỡng vì đứa bé (ăn uống đúng giờ, đủ chất, kiêng cữ cẩn thận) hạn chế tuyệt đối các tác nhân kích thích (bố không được hút thuốc lá trong phòng, mẹ không "làm vài ly" trước khi cho con bú)...

Phụ huynh nên lưu ý, không cho bé ăn quá no các thức ăn chính trước khi đi ngủ. Trước khi ngủ nên lau người cho bé thật sạch sẽ bằng nước ấm (kích thích tuần hoàn bằng nhiệt độ, sự thoải mái và các động tác tương tự massage...) nhưng tuyệt đối không tắm.

Đối với phòng ngủ của bé, tuyệt đối yên tĩnh và hạn chế ánh sáng. Nếu dùng các thiết bị điều chỉnh điều kiện không khí (quạt, máy lạnh...) thì luôn phải đảm bảo các yếu tố cần cho sức khỏe (độ ẩm, độ điện âm, mức lưu thông không khí...). Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh không nên dùng bất cứ loại thuốc nào và đặc biệt là các thuốc an thần nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.


Theo VnMedia