Khi nhà giáo không yêu trẻ

20/03/2013 15:29
Võ Bích Thúy
"Đây là đôi dòng tâm sự của em trong lúc quá tuyệt vọng và bức xúc. Gửi báo Giáo dục, hy vọng có thể chia sẻ với tất cả phụ huynh học sinh rơi vào thảm cảnh giống gia đình em" - thư bạn đọc Võ Bích Thủy gửi tới Tòa soạn. Chúng tôi xin đăng tải nội dung bức thư này.
Hướng nghiệp lớp 12, cô giáo đã nói: “Nếu các em không yêu trẻ thì đừng bao giờ chọn Sư phạm Mầm Non, Sư phạm Tiểu Học”!

Đến bây giờ tôi mới thấm thía cái chân lý ấy. Nghề giáo muôn đời là người dẫn dắt, là người lái đò đưa thế hệ trẻ sang sông. Nhà giáo là người có ảnh hưởng trực tiếp đến lối tư duy và phương hướng phát triển của học sinh.

Tựa như nghề y, nghề giáo cũng đòi hỏi một phẩm chất để dạy người, dạy đời. Em trai tôi là đứa nhỏ kém phát triển. So với bạn bè đồng trang lứa, em rất khờ và thiếu hiểu biết. Một đứa trẻ tiếp thu chậm, thích nghi chậm và phản ứng chậm. Dạy dỗ nó là cả một quá trình kiên trì mệt mỏi và đoạn trường. Năm nay em vào lớp 5, học tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ tôi đã đi tới quyết định cho em nghỉ ở bậc tiểu học.

Một phần vì em không có khả năng học tiếp, một phần vì cô giáo chủ nhiệm đã đóng cánh cửa trường lớp đối với em trai tôi. Cô N là người miền Bắc, tuổi nghề đã 11 năm. Ấn tượng của mẹ về cô rất ngắn gọn: khi dẫn em tôi đến giới thiệu và nói rõ tình trạng bệnh tình, nhờ cô chú ý quan tâm giúp đỡ, cô N nhìn hai mẹ con bằng ánh mắt “ngỡ ngàng”. Thật không biết phải dùng từ gì để diễn tả cái nhìn đó, là cái nhìn xa cách và lạnh lùng, cái nhìn dành cho kẻ lập dị. Tối hôm đó mẹ tôi mất ngủ vì ánh mắt kia ám ảnh đến bà. Em trai tôi không bằng bạn bằng bè nhưng nó vẫn là một đứa trẻ trong sáng ngây thơ, nó chậm phát triển chứ không bệnh hoạn. Vì sao cô lại nhìn em như thế?

Năm cuối cấp trôi qua nặng nề và tuyệt vọng. Em tôi làm sai, cô giáo trách. Em tôi học kém, cô phê bình. Em tôi đánh nhau, cô nói rằng “Đều tại nó!” Em có những biểu hiện của trẻ mới lớn, nghịch ngợm và thiếu suy nghĩ. Khi em lên 10, bộ não chỉ đến trình độ trẻ 5 tuổi. Em chưa hiểu tầm quan trọng của học tập. Trong lớp em không nghe giảng, làm việc riêng, cô giáo bỏ mặc. Điểm số liên tục kém, cô thờ ơ. Mỗi khi có xung đột giữa các học sinh, cô luôn cho rằng em tôi có lỗi.

Vào một ngày mẹ đến đón em tan trường, bé Thiên – bạn cùng lớp đã nói cho mẹ hay em bị bạn trong lớp đánh.

“Ở sân Khoa chọc ghẹo bạn Thanh rồi lên lớp đánh bạn Thanh”

Mẹ tôi sốt ruột hỏi: “Thế cô giáo đâu?”

Thiên nói: “Cô ngồi ở đó nhưng không làm gì!”

Mẹ tôi là người biết cách cư xử. Vào những dịp lễ, mẹ tặng quà cho giáo viên chủ nhiệm để cảm ơn sự dạy dỗ của thầy cô. Học kì I, mẹ cũng làm như thế nhưng đáp lại vĩnh viễn là sự bỏ mặc. Cô có 11 năm tuổi nghề, sao cô không hiểu một đứa trẻ khi đến trường cần có sự dạy dỗ và chở che? Nhà trường và gia đình là hai bến bờ bình an để trẻ thơ trưởng thành. Nhưng bây giờ, trường học với em tôi là thế giới nguy hiểm. Ở đó, em luôn bị bắt nạt, em không học được điều hay mà chỉ tiếp thu cái xấu. Mẹ tôi muốn em nghỉ học, đó là cách giải quyết tốt nhất của bà. Có người mẹ nào chứng kiến con mình sau giờ học lại bầm dập, thương tích mà không đau?

Đã không yêu trẻ, xin đừng làm nhà giáo!

Dạy giỏi không đơn thuần là đào tạo ra học sinh xuất sắc từ những em có tư duy sáng dạ và linh động. Dạy giỏi phải là khiến những đứa trẻ kém như em trai tôi có thể theo đuổi việc học và hòa nhập vào trường lớp. Sự bất cẩn trong bất kì nghề nghiệp nào cũng là sự bất lượng. Bất cẩn trong ngành Y có thể mất mạng người. Bất cẩn trong xây dựng gây tai nạn lao động. Bất cẩn trong ngành Giáo có thể hủy hoại tương lai của trẻ.

Bệnh kém phát triển ngày một phổ biến trong số trẻ em được sinh ra. Chẳng lẽ mỗi đứa bị kém phát triển đều không có quyền lợi được lớn lên và đi học như bạn bè cùng trang lứa sao? Xã hội ngày nay văn minh, đâu còn bị quy luật đào thải tự nhiên tác động nữa. Nếu trẻ em kém phát triển bị bỏ mặt thì xã hội văn minh loài người đâu khác gì xã hội hoang dã?

Cần lắm những nhà giáo yêu thương học sinh, thông cảm và giúp đỡ các em học kém.

Cần lắm những tấm lòng vì lợi ích trăm năm trồng người.

Cần lắm những người thầy, người cô dạy học bằng lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.

Bất kì ai muốn bước vào ngành giáo dục xin hãy nhớ rằng: “Không yêu trẻ thì đừng chọn Sư phạm Tiểu Học, Sư phạm Mầm Non!”
Võ Bích Thúy