Mặt tối của bóng đá:

Mặt tối của bóng đá: Khi cầu thủ không giàu như bạn nghĩ

22/03/2013 07:24
Hoàng Quân
(GDVN) - Thu nhập, chứng trầm cảm, ma túy, dàn xếp tỷ số... Tất cả những mặt tối của đời sống bóng đá đã được 100 cầu thủ trải lòng qua một cuộc phỏng vấn.
Tạp chí FourFourTwo trong số ra ngày 17/3/2013 vừa qua đã có một bài viết khá thú vị. Bài viết đã giới thiệu tới người đọc những góc cạnh của cuộc sống bóng đá mà ít người trong chúng ta biết được nếu không một lần tiếp cận họ.
Cơ sở của bài viết là cuộc phỏng vấn 100 cầu thủ chuyên nghiệp mang quốc tịch Anh, Scotland và xứ Wales đang thi đấu ở Premier League, giải Ngoại hạng Scotland, League One và League Two. 
"Chúng tôi ai cũng muốn biết CĐV nghĩ gì về mình"
Trong khi 100 cầu thủ được phỏng vấn đều đồng tình rằng họ thích thú cuộc sống bóng đá của mình, 78% thừa nhận rằng họ đã từng bị trầm cảm trong một giai đoạn nhất định nào đó trong sự nghiệp. Một cầu thủ đang chơi bóng ở League One nói: "Với Gary Speed, Stan Collymore và rất nhiều người khác nữa, mọi người giờ đã hiểu sự trầm cảm của các cầu thủ như thế nào. Nhưng trước đây, đó là điều ít được quan tâm".

Các cầu thủ Anh luôn quan tâm tới cảm nghĩ của các CĐV
Các cầu thủ Anh luôn quan tâm tới cảm nghĩ của các CĐV

Họ đặc biệt cho rằng sự ủng hộ của các CĐV có ảnh hưởng rất to lớn tới đời sống tinh thần. 92% cho rằng họ rất thích nghe những tiếng reo hò cổ vũ thật lớn từ các khán giả trên khán đài, và 61% nói rằng họ quan tâm tới suy nghĩ của các fan về mình. "Chúng tôi được cho là không nên quan tâm tới điều đó, nhưng sẽ rất tuyệt nếu họ luôn đứng về phía các cầu thủ", một tiền đạo ở giải Ngoại hạng Scotland nói. Một cầu thủ đang chơi ở Premier League cho biết thêm: "Các cổ động viên là lý do vì sao chúng tôi có trận bóng đá để chơi và có tiền để sống".
Lương không cao, nhưng phí chuyển nhượng quá lớn
Khi nói về thu nhập, gần 60% cầu thủ được hỏi trả lời rằng họ không đồng tình với quan điểm các cầu thủ bóng đá được trả lương quá nhiều (chỉ 2% số người được hỏi đồng tình, những người còn lại trung lập). Một cầu thủ cho biết: "Người ta nghĩ thế khi nhìn vào tấm séc trả lương cho Carlos Tevez, nhưng đa số các cầu thủ được trả đúng số tiền mà họ xứng đáng được hưởng". Một người khác thì cho biết: "Tôi hưởng lương đúng như tôi kỳ vọng, nhưng quá nhiều thì không hẳn, vì số tiền đó có thể mất đi trong thời gian ngắn nếu chỉ tính tới những chi phí sinh hoạt bình thường như nhà cửa hay xe hơi".
67% cầu thủ nói rằng trái với quan niệm họ là những người chỉ giao tiếp xã hội với một nhóm nhất định dựa trên nghề nghiệp hay mức thu nhập, các cầu thủ vẫn quảng giao với mọi tầng lớp xã hội quanh họ và vẫn làm những việc mà người bình thường hay làm.
"Chúng tôi khó chấp nhận được sự giàu có của các đội bóng lớn"
Những câu hỏi bắt đầu trở nên hiểm hóc hơn. 62% cầu thủ nghĩ rằng phí chuyển nhượng là rất vô tội vạ và nó thực chất chỉ làm lợi cho những người đại diện cầu thủ.


Tới 75% đồng ý rằng chi phí để xem bóng đá là quá cao, đặc biệt các trận ở các giải đấu cấp độ cao. "Để đưa bọn trẻ đi xem bóng đá tất cả các trận đấu mà đội nhà đá, anh phải kiếm được chừng 50, 60 ngàn bảng/năm". Một cầu thủ còn nói thêm: "Chúng tôi, những cầu thủ chơi ở cấp thấp, cảm thấy khó chấp nhận được sự giàu có quá lớn của các đội bóng cấp độ cao. Không phải vì ghen tỵ, mà bởi họ giàu nhờ tiền bỏ ra của các CĐV, mà trong số đó không ít người là dân địa phương ở nơi tôi đang thi đấu. Họ bỏ tiền ra xem các đội bóng lớn và số tiền đó ngày càng tăng, trong khi các đội bóng ở địa phương thì họ thờ ơ".
Ma túy, phân biệt chủng tộc và... tán gái
Với ý kiến cho rằng những cầu thủ đồng tính thường bị cách ly khỏi đội bóng, 62% số người được hỏi đã phản đối ý kiến trên. "Tôi chỉ muốn thắng, và nếu một anh chàng gay ghi bàn, tôi vẫn sẽ tới ôm hôn anh ấy", một tiền vệ ở Championship nói.
Hơn 50% số cầu thủ được hỏi đều thừa nhận rằng họ đã từng trông thấy cầu thủ khác dùng ma túy, hay thậm chí trực tiếp sử dụng. Tuy nhiên khi nói về chất kích thích, chỉ có 13% cho biết họ đã từng tiếp xúc với cầu thủ khác và biết người này dùng chất kích thích.
Khi đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc, 25% số cầu thủ trả lời họ đã từng tiếp xúc với ít nhất một cầu thủ chuyên nghiệp và biết rõ người này là một kẻ phân biệt sắc tộc qua lời nói và hành động.
Hai điều cuối cùng các cầu thủ được hỏi có liên quan mật thiết tới đời sống bóng đá của họ. 25% số cầu thủ đã thừa nhận rằng mình từng dùng danh tiếng cầu thủ của mình để quyến rũ phụ nữ. 14% cho biết họ đã từng bị tiếp cận bởi các đường dây dàn xếp tỷ số.
Hoàng Quân