"Nếu phải 'đặt cược' khi kiện thì niềm tin vào công lý đã bị tước"

24/03/2013 06:40
Hồng Chính Quang
(GDVN) - "Nếu nhà nước lại quy định: “Buộc người khiếu nại, tố cáo phải đặt một khoản tiền cược” thì dường như chúng ta đã tự tước đi một phần niềm tin của người dân vào công lý, vào nhà nước", LS. Chu Mạnh Cường nói.
LTS: Vừa qua, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất rằng: “Cần có quy định buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản đặt cược nào đó. Theo kiện thì phải bỏ tiền. Nếu kiện đúng thì Nhà nước sẽ hoàn trả”. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này.

LS. Chu Mạnh Cường
LS. Chu Mạnh Cường

PV: Là luật sư, ông đánh giá như thế nào về đề xuất: “Cần có quy định buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản đặt cược nào đó. Theo kiện thì phải bỏ tiền. Nếu kiện đúng thì Nhà nước sẽ hoàn trả” của ông Phan Xuân Dũng ?
LS. Chu Mạnh Cường: Trước tiên, về góc độ pháp lý, cần phải phân định rõ các khái niệm: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Đây là ba khái niệm hoàn toàn độc lập được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật độc lập. Việc khiếu nại điều chỉnh bởi Luật khiếu nại năm 2011. Tố cáo được điều chỉnh bởi Luật tố cáo ban hành năm 2011. Khởi kiện được quy định trong các Bộ luật tố tụng hành chính, dân sự.
Cho đến nay, trừ việc khởi kiện (hành chính, dân sự …) người khởi kiện phải nộp một khoản dự phí án phí theo quy định, Luật khiếu nại, Luật tố cáo không quy định việc người khiếu nại hay tố cáo phải nộp tiền phí, hay đặt cược. 
Nếu chúng ta căn cứ vào tình trạng khiếu nại, tố cáo tăng nhiều trong những năm vừa qua để đưa ra ý kiến: “Cần có quy định buộc người khiếu nại, tố cáo phải ứng ra một khoản tiền đặt cược nào đó …” là không thỏa đáng. Về bản chất pháp lý, nhà nước quy định về án phí, lệ phí không nhằm mục đích như một khoản tiền cược để hạn chế người đi kiện. 

PV: Như vậy có nên đặt vấn đề yêu cầu người khiếu nại, tố cáo phải đặt một khoản tiền cược khi họ thực hiện quyền công dân của mình?


Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện là quyền hợp pháp của công dân được pháp luật bảo hộ. Việc khiếu nại, tố cáo không những là một công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhìn nhận ra những sai sót, yếu kém trong hoạt động quản lý để sửa chữa, hoàn thiện mình.

Đặc biệt là qua hoạt động tố cáo, người dân thông báo tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật của những cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để cho hoạt động của các cơ quan nhà  nước trong sạch, hiệu quả hơn. Tại sao lại đặt vấn đề người khiếu nại, tố cáo phải nộp tiền, đặt cược khi chính nhà nước được lợi trong hoạt động này ?
Về vấn đề khiếu nại, tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, Luật khiếu nại, Luật tố cáo đã có những quy định rất chặt chẽ nghiêm cấm việc tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân … Luật hành chính, Hình sự cũng đã có những chế tài phù hợp để xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Một nông dân kiện Vedan Việt Nam (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Một nông dân kiện Vedan Việt Nam (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Qua đó, tôi thấy rằng không nên đặt vấn đề yêu cầu người khiếu nại, tố cáo phải đặt một khoản tiền cược khi họ thực hiện quyền của mình.
PV: Luật sư có nghĩ quy định này đã hạn chế quyền khiếu nại, kiện của của công dân (người nghèo, không có tiền để đặt cược) dù sau đó nếu đúng thì nhà nước hoàn trả?
LS. Chu Mạnh Cường: Nếu ai đó nghĩ đến dùng tiền để hạn chế quyền khiếu nại, tố cáo là chưa hiểu đúng bản chất của việc thu án phí, lệ phí. Trong một vụ án hành chính, mặc dù phải huy động cả một bộ máy cơ quan tòa án để giải quyết vụ án, án phí hành chính chỉ thu 200.000đ/vụ. Qua mức phí đó, chúng ta thấy, Nhà nước đặt ra án phí, lệ phí không phải với mục đích hạn chế quyền khởi kiện của công dân. 
Nếu đặt ra quy định “đặt tiền cược” trong việc khiếu nại, tố cáo thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Đặc biệt là nếu “tiền cược” có mục đích là để hạn chế việc khiếu nại, tố cáo thì chắc chắn giá trị của nó phải lớn ở mức có thể làm “nản lòng” những người muốn khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp này, những người dân sống ở những vùng nông thôn, những vùng còn khó khăn về kinh tế có điều kiện để thực hiện quyền khiếu nại tố cáo không ? 
PV: Những hậu quả pháp lý nếu áp dụng biện pháp này là gì, thưa luật sư?
LS. Chu Mạnh Cường: Khi người dân còn đi khiếu nại, tố cáo, kiện tụng tức là họ còn có lòng tin vào công lý, tin vào nhà nước. Họ chỉ nghĩ rằng một bộ phận nhỏ cán bộ nhà nước làm sai, xâm phạm đến quyền lợi của họ, nay họ gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn để trông đợi một sự giải quyết công bằng. 
Nếu nhà nước lại quy định: “Buộc người khiếu nại, tố cáo phải đặt một khoản tiền cược” thì dường như chúng ta đã tự tước đi một phần niềm tin của người dân vào công lý, vào nhà nước. 
Bên cạnh đó, pháp luật quy định về khiếu nại, tố cáo không những để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân mà còn là một công cụ giúp các cơ quan nhà nước tự điều chỉnh, hoàn thiện mình. Vậy phải chăng, nếu nhà nước tìm cách hạn chế quyền khiếu nại, tố cáo của người dân, tức là nhà nước đã tự hạn chế một công cụ giúp nhà nước tự nhìn lại, hoàn thiện bản thân mình?
PV: Theo đánh giá của Luật sư, biện pháp này có phải là mấu chốt để xử lý tình trạng kiếu kiện nhiều như hiện nay?
LS. Chu Mạnh Cường: Trong thời gian vừa qua, việc khiếu kiện tăng nhanh vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Có thông tin cho rằng: “Khiếu nại của công dân về đất đai ngày càng nghiêm trọng, trong đó khiếu nại đúng tới 67.3%”. Trên thực tế, không ai tự nhiên muốn đi kiện, khiếu nại, tố cáo bởi vì đây là một quá trình rất mệt mỏi, tốn kém, mất thời gian. Tuy nhiên, khi quyền và lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm thì dù tốn kém, mệt mỏi, mất thời gian bao nhiêu, họ vẫn sẵn sàng khiếu kiện. Trong trường hợp này, việc đặt ra một mức “tiền cược” với mục đích hạn chế người khiếu kiện không có ý nghĩa gì. 
Biện pháp mấu chốt để hạn chế việc khiếu kiện, tố cáo không phải bằng cách “đặt tiền cược” mà phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến việc khiếu kiện, tức là các cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền phải cố gắng hạn chế những sai sót trong công việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Khi có khiếu kiện phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công bằng cho người dân.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư đã trả lời phỏng vấn!
Hồng Chính Quang