Quảng cáo mập mờ, hạt nêm Knorr bị lên án

22/08/2011 14:42
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích về loạt quảng cáo có thể gây hiểu lầm của sản phẩm hạt nêm Knorr.

(GDVN) - Nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích về loạt quảng cáo chứa nội dung thông tin khá "mơ hồ" in trên bao bì sản phẩm Knorr stock (hạt nêm).

Tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 21/8 dẫn tin một chuyên gia về quyền người tiêu dùng đưa tin cho biết, Unilever đã "vô trách nhiệm" khi sử dụng thuật ngữ không rõ ràng khi đưa tin quảng cáo về thành phần của các sản phẩm hạt nêm Knorr của mình.

Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích về loạt quảng cáo chứa nội dung thông tin khá "mơ hồ" in trên bao bì sản phẩm Knorr stock (hạt nêm).

Hiện nhãn hiệu hạt nêm Knorr ở Trung Quốc có 6 hương vị, nhưng các thông tin quảng cáo lại có từ ngữ mô tả về các thành phần và hương vị không có tên trong danh sách thành phần của chúng.

Sản phẩm Knorr được bán ở siêu thị Hàng Châu, Chiết Giang

Sản phẩm Knorr stock ở Trung Quốc được gọi là Nongtangbao. Trong danh sách thành phần của sản phẩm hạt nêm Knorr hương vị bò có hương vị bò, tuy nhiên lại quảng cáo là "sản phẩm có thể chứa cá"; còn sản phẩm có mùi nấm hương lại nói rằng: "sản phẩm có thể chứa đậu tương".

"Những thông tin mơ hồ về các thành phần như thế này có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và thật vô trách nhiệm khi sử dụng kiểu quảng bá đó", Qiu Baochang - chủ tịch Hội đồng pháp lý thuộc Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, nói với phóng viên tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 21/8.

Ông Qiu lưu ý rằng, theo luật pháp Trung Quốc, các thông tin về thành phần thực của sản phẩm phải được công khai một cách rõ ràng và đó là "nghĩa vụ pháp lý của công ty".

Tuy nhiên, Zeng Xiwen - phó chủ tịch của Unilever Greater Trung Quốc, giải thích rằng: Unilever đã sử dụng cùng một nguyên liệu cho một số sản phẩm có các hương vị khác nhau trong quá trình chế biến. Do đó, công ty ông đã sử dụng cụm từ "có thể chứa" để thông báo cho người tiêu dùng về tất cả các thành phần có thể có trong sản phẩm, trong trường hợp họ bị dị ứng với bất kỳ chất nào trong số đó.

Unilever cũng cho biết trong một tuyên bố rằng: các từ ngữ sử dụng trong danh sách thành phần là phù hợp với luật pháp Trung Quốc và các công ước quốc tế.

Đầu tháng 8/2011, một số sản phẩm Knorr stock chứa thông tin mập mờ đã bị chính quyền địa phương Quý Dương, tỉnh Quý Châu yêu cầu gỡ xuống trên các kệ hàng - tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết. Bài báo cũng cho rằng, một số siêu thị ở Bắc Kinh đã tự nguyện gỡ bỏ các sản phẩm trên để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng, đến ngày 21/8, một số siêu thị ở Bắc Kinh vẫn bày bán rộng rãi các sản phẩm Knorr trên. Theo một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng của Wal-Mart ở Bắc Kinh, họ đã không nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến sản phẩm.

Nguyễn Hường