Những ông trọng tài 'giết' bóng đá

24/03/2013 22:41
Theo Bóng đá +
Người ta đang nói quá nhiều đến chiếc thẻ đỏ thay đổi vận mệnh mà trọng tài Cuneyt Cakir đã dành cho Nani trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League giữa M.U và Real. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, với hậu quả của những gì các trọng tài đã tạo ra trong quá khứ, thì đó là một tình huống... không đáng kể, và Cakir còn lâu mới được ghi vào sử xanh.
BÀN TAY TA "PHÁ TAN" TẤT CẢ

Lịch sử World Cup không chỉ được tạo ra bằng những bước chạy, những cú sút và đường chuyền. Giải đấu lớn nhất hành tinh đã hơn một lần bị những kẻ gian lận "nhúng tay" vào theo nghĩa đen. Và nhiều người không hiểu tại sao trọng tài có thể bỏ qua những tình huống ấy.

"Bàn tay của Chúa", hay chính xác hơn là bàn tay của Diego Maradona, đã ghi bàn thắng quyết định giúp Argentina vượt qua Anh ở tứ kết World Cup 1986. Một bàn thắng đi vào lịch sử bóng đá, không chỉ bởi cái cách mà Maradona gọi nó: Bàn tay của Chúa.

So với Hansson hay Dallas, sai lầm của Cakir (phải) chưa là gì.
So với Hansson hay Dallas, sai lầm của Cakir (phải) chưa là gì.

Nó nổi tiếng còn còn bởi vì Cậu bé Vàng đã đổ thêm dầu vào lửa, khi tuyên bố đó là một sự trả thù cho những gì đã diễn ra ở quần đảo Falklands: "Chúng ta biết rằng họ đã giết rất nhiều người Argentina ở đó. Đây là sự trả thù". Cuộc chiến tranh giành Quần đảo Falklands giữa Anh và Argentina mới diễn ra trước đó 4 năm.

Trọng tài Ali Bin Nasser, người điều khiển trận đấu đó, đã đi vào lịch sử. Nhưng ít người trách ông, bởi hầu hết đều cho rằng Bin Nasser đã bị khuất tầm nhìn.

Nhưng người Mỹ sẽ không tha thứ cho trọng tài Hugh Dallas (Scotland). Ông đã tước mất cơ hội lịch sử của họ. Trận tứ kết World Cup 2002 giữa Mỹ và Đức đã được quyết định bởi bàn tay trái của Torsten Frings.

Trong một trận đấu mà người Đức hoàn toàn nhờ vào sự siêu việt của Oliver Kahn để trụ vững, thì cơ hội rõ ràng nhất của người Mỹ lại bị từ chối: sau cú sút của Gregg Berhatter ở phút 50, tiền vệ Frings bên phía Đức đã dùng tay cản bóng ngay trên vạch vôi. Không có quả penalty nào được thổi.

Dallas lúc đầu nói rằng ông bị "khuất tầm nhìn". Nhưng sau đó, trắng trợn hơn, khẳng định rằng Frings đã không cố tình dùng tay chơi bóng. "Nếu không phải cố ý, đó không phải là pha phạm lỗi, bất kể nó diễn ra ở đâu" - vị trọng tài này tuyên bố.

Khi nhắc tới những pha bóng thay đổi cả một VCK World Cup, không thể quên "Le Hand of God" (với "Hand of God" là "Bàn tay của Chúa", còn "Le" là mạo từ tiếng Pháp) - khi Thierry Henry chuyền bóng bằng tay cho Gallas để ghi bàn thắng quyết định giúp Pháp đi đến vòng chung kết World Cup 2010, trong trận play-off với Ireland.

Henry đã đỡ bóng bằng tay không chỉ một, mà 2 lần. Nếu như Rio Ferdinand chỉ vỗ tay với trọng tài Cuneyt Cakir để thể hiện sự phản đối, thì hẳn trong trận đấu năm 2009 đó, các cầu thủ Ireland đã muốn "làm gì đó" với trọng tài Martin Hansson (Thụy Điển), người đứng không xa vòng cấm trong tình huống đó.

Quốc hội Ireland đem bàn thắng của Pháp ra chất vấn chính phủ, yêu cầu họ phải tỏ thái độ. FIFA mở cuộc điều tra. Những nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới bóng đá lên tiếng. Pele nói: "Ireland đã bị ăn cướp". Arsene Wenger nói: "Đó là sự thiếu năng lực hoặc thiếu trung thực. Tôi chọn nói là thiếu năng lực". Ngôi làng nhỏ phía nam Thụy Điển nơi Martin Hansson sống bị giới truyền thông châu Âu xới tung.

Quyết định sai lầm của Hansson không chỉ làm thay đổi số phận của Pháp và Ireland. Chính sau trận đấu ấy, FIFA cùng với Hội đồng lập pháp bóng đá thế giới đã quyết định đưa thêm 2 vị trí trọng tài biên ngang vào các trận đấu cấp châu lục và thế giới.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH "MA"

Không ai thông cảm cho các trọng tài. Rất ít người biết rằng Martin Hansson đã phải ly dị và sống cô độc trong một trang trại hẻo lánh từ năm 2008 vì vợ con ông không chịu nổi áp lực từ cuộc sống của một trọng tài FIFA. Người ta chỉ biết rằng họ đã thay đổi cuộc chơi với những sai lầm của mình. Họ là tội phạm.

Hai bàn thắng ma “kinh điển”: một của Maradona, một của Henry đã làm thay đổi lịch sử World Cup.
Hai bàn thắng ma “kinh điển”: một của Maradona, một của Henry đã làm thay đổi lịch sử World Cup.

Chiếc thẻ đỏ của trọng tài Cuneyt Cakir sẽ không bao giờ nổi tiếng bằng bàn thắng của Luis Garcia cho Liverpool tại bán kết Champions League mùa 2004/05. Bàn thắng ấy, được "ghi vào lưới" Chelsea cho dù ngay cả pha quay chậm được mổ xẻ kỹ lưỡng cũng không xác định nổi là bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.
Sau trận ấy Jose Mourinho là người đầu tiên đưa thuật ngữ "bàn thắng ma" (ghost goal) ra dùng đại trà, và bây giờ nó đã trở thành một khái niệm rất quan trọng của bóng đá. Tất nhiên, khó mà tưởng tượng được trọng tài Lubos Michel đã chịu nhiều áp lực thế nào sau quyết định ấy.

Cakir cũng không thể nổi tiếng bằng Tom Henning Ovrebo, một "kẻ thù" khác của CĐV Chelsea. Chỉ trong một trận đấu, Ovrebo từ chối 4 quả phạt đền rõ ràng của Chelsea. Đó lại là trận bán kết lượt về của Champions League mùa 2008/09 với Barca.

Không một thành viên nào của Chelsea giữ được bình tĩnh, từ cầu thủ, HLV cho đến CĐV. Rất nhiều lời dọa giết đã được gửi đến cho vị trọng tài người Na Uy, và gia đình ông đã phải sống trong căng thẳng suốt vài năm sau trận đấu ấy: mỗi năm, lại có 3 hoặc 4 lá thư được gửi đến với những lời đe dọa.

Đó là những quyết định gây tức giận. Trọng tài Graham Poll từng khiến người ta cười bò vì phạt Simunic của Croatia tới 3 thẻ vàng trước khi đuổi anh này ra khỏi sân trong trận đấu với Australia ở World Cup 2006.

Nghĩa là, Simunic đã tiếp tục chơi bóng vài phút trên sân sau khi nhận thẻ vàng thứ 2. Nếu anh ta không phạm lỗi thêm một lần nữa, Poll không rút thẻ vàng thứ 3 và... sực nhớ rằng mình phải đuổi cầu thủ này, thì có lẽ đó là trận đấu hy hữu nhất lịch sử bóng đá.

Nếu phải nói đến một quyết định của trọng tài khiến M.U phải ôm hận nhiều nhất, thì đó phải là bàn thắng được ghi trong tư thế việt vị của Didier Drogba cuối mùa 2009/10. Đó là trận đấu chung kết của mùa giải. Nếu loại bỏ bàn thắng ấy, tỷ số trận đấu sẽ là 1-1, M.U có thể có chức vô địch Premiership lần thứ 4 liên tiếp, một kỷ lục. Nhưng phút 79, Drogba đã ghi bàn khi việt vị tới cả mét, và Chelsea mới là nhà vô địch. Một cây bình luận Anh đã viết: "Thứ duy nhất pha quay chậm không chỉ ra, là Abramovich đã nhét tiền vào túi trọng tài biên".

NHỮNG TRỌNG TÀI THAY ĐỔI WORLD CUP

Ali Bin Nasser (Anh-Argentina, tứ kết World Cup 1986)
Sai lầm: Để Maradona (Argentina) ghi bàn bằng tay
Kết quả: Argentina đi tiếp và vô địch

Hugh Dallas (Mỹ-Đức, World Cup 2002)
Sai lầm: Bỏ qua việc Frings (Đức) cản bóng bằng tay trong vòng cấm
Kết quả: Đức đi tiếp và vào chung kết

Martin Hansson (Pháp-Ireland, VL World Cup 2010)
Sai lầm: Bỏ qua việc Henry (Pháp) chơi bóng bằng tay
Kết quả: Pháp vào VCK; 2 vị trí trọng tài biên ngang ra đời

Charles Cover (Đức-Pháp, BK World Cup 1982)
Sai lầm: Bỏ qua pha phạm lỗi thô bạo của Schumacher (Đức)
Kết quả: Đức đi tiếp vào chung kết

Jorge Larrionda (Đức-Anh, vòng 1/8 World Cup 2010)
Sai lầm: Từ chối bàn thắng của Frank Lampard
Kết quả: Đức vào tứ kết

Theo Bóng đá +