J-20, J-31 Trung Quốc muốn so tài cao thấp với F-22, F-35 của Mỹ?

07/04/2013 07:30
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có thể đã chuẩn bị tốt cho thử nghiệm vũ khí của J-20, còn việc phát triển và sử dụng J-31 như thế nào còn chưa rõ.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mang theo vũ khí
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mang theo vũ khí


Theo trang mạng quân sự “Strategy Page” Mỹ, gần đây, một số hình ảnh và video xuất hiện trên mạng Trung Quốc được cho có thể là những tư liệu đầu tiên về việc máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc mang theo vũ khí.

Theo bài báo, các hình ảnh trong mấy tuần qua cho thấy, máy bay J-20 (số hiệu 2002) đã mở khoang vũ khí khi đang bay, bật giá vũ khí hướng ra ngoài.

Trong video, giá phóng tên lửa và trang bị của máy bay chiến đấu J-20 hơi khác so với máy bay chiến đấu tàng hình phản lực F-22 Raptor. Sau khi cửa khoang vũ khí của J-20 đóng lại, tên lửa vẫn treo ở giá phóng. Thiết kế như vậy có lợi cho làm giảm lực cản và dấu hiệu radar của máy bay.

Bài báo được truyền thông Trung Quốc trích dẫn, suy đoán, sau hơn 2 năm bay thử, J-20 đã lần đầu tiên mang theo tên lửa, có thể đã chuẩn bị tốt cho việc tiến hành thử nghiệm vũ khí. Nhưng, J-20 mang theo vũ khí lần này cũng có thể là các kỹ sư Trung Quốc muốn kiểm tra khoang vũ khí và thiết kế giá phóng tên lửa có hoạt động bình thường hay không.

J-20 mang theo vũ khí
J-20 mang theo vũ khí

“Việc phối hợp cao thấp giữa J-20 và J-31 là không khoa học”

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” cũng vừa có bài viết cho rằng, từ năm 2009 đến nay, hầu ngư mỗi năm Trung Quốc đều có vài loại vũ khí trang bị mới xuất hiện, như Z-10, J-15, J-20, J-31, Y-20…

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012, đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận. Chỉ về hình thể, trọng lượng của J-31 đã được dư luận đánh giá là nó “phối hợp cao thấp” với J-20; hoặc dựa vào bánh đáp phía trước của nó, người ta lại đoán nó có thể trang bị cho tàu sân bay. Nhưng những đánh giá như vậy là chưa chuyên nghiệp.

Trước năm 2011, đã có người đề cập đến máy bay J-31. Khi đó, tờ “Jane’s Defense Weekly” Anh cho rằng, Trung Quốc còn một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nữa tương tự ngoại hình của F-35A đang được chế tạo tại Công ty máy bay Thẩm Dương, sẽ bay thử vào tháng 9/2012. Khi đó J-31 mới bắt đầu gây sự chú ý.

Trong năm 2012, người ta nhìn thấy những hình ảnh một loại máy bay “bánh tét” được chở tốc độ cao trên đường phố. Đến ngày 31/10/2012, có người chụp được máy bay chiến đấu số hiệu 31001 đang bay thử. Một số nhà quan sát quân sự nhìn vào bề ngoài và phán đoán Trung Quốc đang phát triển loại máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai, được gọi là J-31.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Trên thực tế, đến nay, dù là Công ty máy bay Thẩm Dương hay phía Quân đội Trung Quốc đều không đặt tên cho loại máy bay tàng hình thứ hai của Trung Quốc là J-31, nhưng cách gọi như vậy cũng không có gì là không thỏa đáng.

Có nguồn tin cho biết, J-31 do Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc tổ chức, Công ty máy bay Thẩm Dương bỏ vốn phát triển, mục đích là cạnh tranh hoặc tạo sự phối hợp cao-thấp với máy bay J-20, hoặc là phiên bản hải quân.

Điều có thể khẳng định là, loại máy bay tàng hình thế hệ thứ tư này xuất hiện đã phản ánh, Công nghiệp hàng không Trung Quốc đã ít nhiều có thực lực công nghệ, đã hình thành cục diện cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp với ưu thế, sở trường khác nhau.

Theo bài báo, J-31 là một loại máy bay bố cục khí động học thông thường có 1 chỗ ngồi, 2 động cơ, 2 đuôi buông. Thiết kế của nó đã chú trọng các tính năng như tuần tra siêu âm, cơ động khi bay thấp và vừa, hạ cánh cự ly ngắn. Mục tiêu tập trung vào các đặc điểm cơ bản như tấn công-phòng thủ tàng hình, tác chiến hệ thống – những đặc điểm phổ biến của máy bay thế hệ thứ tư.

Chiến đấu cơ J-31
Chiến đấu cơ J-31

Loại máy bay chiến đấu này có thể tích khá nhỏ, có thể chủ yếu sử dụng vũ khí tấn công chống bức xạ, chủ động đánh chặn đoạn giữa. Khi được trang bị đạn chiến đấu cự ly gần trên không và đạn tấn công chính xác (đối hải) thì nó có thể thực hiện các nhiệm vụ mang tính tổng hợp như đánh giáp lá cà trên không, chặn đánh trên không, trinh sát trên không, yểm trợ trên không và tấn công đối đất, đối hải.

Nhưng, điều đáng chú ý là, Quân đội Trung Quốc chú trọng phát triển các loại vũ khí mang tính thông dụng, có thể phát triển hàng loạt, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng trong điều kiện thông tin hóa. Theo đó, J-31 cũng có thể trang bị những loại vũ khí như vậy.

Hiện nay, chưa biết Quân đội Trung Quốc có trang bị máy bay J-31 trong tương lai hay không. Nhưng, việc mua sắm J-31 chắc chắn sẽ lấy phiên bản thông dụng làm nền tảng, định hướng bằng nhu cầu nhiệm vụ khác nhau, bảo đảm có thể hòa nhập vào hệ thống tác chiến của Quân đội, và phát triển theo mô hình “1 phiên bản cơ bản + phiên bản cải tiến đa dạng + nhiều phương thức trang bị vũ khí”.

Vì vậy, việc nhìn vào bề ngoài của nó để phán đoán vị trí, vai trò của nó trong tương lai vẫn còn quá sớm. Đặc biệt, nếu chỉ dựa vào hình dáng và trọng lượng để nhận định nó “phối hợp cao-thấp” với J-20, thậm chí coi nó là phiên bản “rút gọn” của J-20 để xuất khẩu thì chỉ là tưởng tượng.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc

Theo bài báo, Trung Quốc cơ bản đã thoát khỏi cục diện bị động “có vũ khí gì thì đánh trận ấy”, đang hình thành cục diện mang tính chủ động là “đánh trận thế nào thì tạo ra vũ khí thế ấy”.

Bài báo cho rằng, chế tạo vũ khí trang bị là để sử dụng cho tác chiến, mua vũ khí là để dành cho chiến tranh tương lai. Nhưng, trong điều kiện chiến tranh hiện đại, đánh ai, đánh ở đâu, đánh trong tình hình nào, sử dụng vũ khí gì đều phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này vừa có vấn đề chiến lược, chiến thuật, vừa có vấn đề cân bằng tổng hợp hiệu quả tác chiến và hiệu quả xây dựng.

Theo bài báo, “dùng dao mổ trâu để giết gà” hay “dùng dao thịt gà để mổ trâu” đều là biểu hiện là không biết chiến thuật và hiệu quả. Sau khi biên chế F-22 và nó có khả năng tác chiến, mặc dù quân Mỹ gặp nhiều khó khăn trên chiến trường Iraq và Afghanistan, nhưng họ vẫn không điều máy bay F-22 ra chiến trường.

Nhìn vào giai đoạn đầu của các cuộc chiến tranh Iraq, Afghanistan, các loại vũ khí thông thường của Mỹ khi đó hầu như đều được sử dụng ở chiến trường, gây cảm giác “hoa mắt” và dường như là họ đang “dùng dao mổ trâu để giết gà”, nhưng thực ra Mỹ đã sử dụng ưu thế tuyệt đối để đạt được mục tiêu “đoạt chí”, “phá thế”, giành lấy cục diện chủ động “đánh đòn phủ đầu” nhằm khuất phục đối phương. Đồng thời, tính năng của một số vũ khí trang bị mới cũng được kiểm nghiệm.

Hiện nay, đối với các nước lớn trên thế giới, họ phải đối mặt với các loại mối đe dọa và mức độ đe dọa lớn nhỏ khác nhau, việc chuẩn bị ứng phó tương ứng không thể chỉ tập trung vào một việc. Khi hai bên triển khai đối kháng hệ thống thì cũng phải phân biệt quy mô, yếu tố của hệ thống, tiến hành đối kháng mang tính đối đầu.

Đáng sử dụng mà không sử dụng thì sẽ tạo ra cục diện sử dụng hệ thống “yếu” đối đầu với hệ thống “mạnh”. Nguyên tắc chung là lấy mạnh đánh mạnh, lấy mạnh tấn công yếu, mạnh-yếu hỗ trợ cho nhau, sử dụng chất lượng và số lượng thích hợp.

Ngoài ra, dựa vào phương thức “phối hợp cao-thấp” để tổ chức tác chiến, đặc biệt là khi tác chiến với đối phương mạnh; “vũ khí mạnh” chắc chắn trước hết sẽ mở ra chiến trường riêng và điều kiện cho việc sử dụng “vũ khí yếu”. Nếu không, trên chiến trường “trong suốt” (không còn tính bí mật), kẻ mạnh có thể bị kẻ yếu làm cho bị động.

Máy bay hiện có của Mỹ, trong đó có F-35 đến nay vẫn chưa hình thành sự “phối hợp cao-thấp” với F-22. F-22 vẫn là một “kẻ cô độc” và vẫn được quân Mỹ giao cho nhiệm vụ “khoét mắt” (triệt tiêu radar tầm xa và máy bay cảnh báo sớm trong mạng lưới phòng không của kẻ thù), “đánh dập đầu” (tấn công các mục tiêu chiến lược giá trị cao hoặc cơ quan chỉ huy của địch).

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 phiên bản trang bị cho tàu chiến của Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 phiên bản trang bị cho tàu chiến của Mỹ.

Vì vậy, việc đánh giá thiếu căn cứ cho rằng J-20 và J-31 sẽ “phối hợp cao-thấp” là không khoa học, không chuyên nghiệp, không chính xác. Hiện chưa thể nói được J-31 sẽ được định vị và phát triển như thế nào trong tương lai, cũng như chưa thể phán đoán tương lai Quân đội Trung Quốc có kế hoạch mua sắm, triển khai, phối hợp, sử dụng loại máy bay này như thế nào.

Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay J-10 đã phải trải qua hơn 20 năm từ khi đưa ra chương trình cho tới khi định hình sản xuất. Còn thời gian bỏ ra từ J-10 đến J-15, J-20, J-31 đều không đến 10 năm. Những tích lũy về lý thuyết trên các phương diện như động lực, vật liệu, trang bị thông tin điện tử đồng bộ (radar, liên kết dữ liệu)… đều đã đóng vai trò đặt nền móng.

Do đó, theo bài báo, Trung Quốc đã cơ bản thoát khỏi cục diện bị động “có công nghệ gì tạo ra vũ khí đó, có vũ khí gì thì đánh trận đó”, đang bước vào cục diện chủ động “đánh trận gì thì dùng vũ khí đó”.


Đông Bình