GS Hà Minh Đức: Trẻ em có sức mạnh riêng khi viết thư gửi lãnh đạo TQ

03/04/2013 14:07
Xuân Trung
(GDVN) - "Chính những tiếng nói của các em có sức mạnh riêng, nhất là ở những tuổi nhìn cuộc đời nhiều màu hồng, đầy hy vọng”.
GS Hà Minh Đức, nguyên thành viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội viên Hội nhà văn và Hội nhà Báo Việt Nam chia sẻ quan điểm với Giaoduc.net.vn về 2 bức thư của học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo nhà nước Trung Quốc.

Thư học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc

Bức thư thứ 2 học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc

Cô giáo ra đề thư gửi lãnh đạo Trung Quốc: 'Người lớn giật mình'

GS Hà Minh Đức cho rằng, để học sinh lớp 4 có thể viết được bức thư với chủ đề biển đảo, lãnh thổ và nền hòa bình là khó, vấn đề này lớp 7, lớp 8 cũng khó chứ nói gì đến lớp 4. Tuy nhiên, bù lại, với cảm xúc của mình, các em vẫn có khả năng để khai thác một cái gì đó. Có thể khi nghe tới chuyện “bắn cháy ca-bin tàu cá Việt Nam” sẽ thấy xúc động. Các em thấy rằng, đáng lẽ quan hệ hai nước phải bình thường nhưng lại xảy ra những xô xát như vậy thì các em có cảm giác lo lắng, mong ước cho quan hệ hai nước, nhất là những người lao động sống trên biển, đảm bảo được không khí hòa bình.

GS Hà Minh Đức
GS Hà Minh Đức

Khi đọc 2 bức thư này, một số ý kiến băn khoăn rằng việc đưa những vấn đề thời sự vào các đề bài, nhất là đối với môn văn của các em nhỏ, liệu có hợp lý và có thật sự là "gợi mở" hay không? GS Hà Minh Đức thì cho rằng, đề bài “nhập vai” mà giáo viên Nguyệt Anh cho học sinh làm có cái mới, nhưng với lớp 4 cần phải chọn lọc thật kĩ, có thể nhiều vấn đề phức tạp có những nguyên nhân sâu xa thành ra sẽ làm các trẻ ngỡ ngàng. Ở lứa tuổi này các em cần được làm quen với những dạng đề đi vào tình cảm, giáo dục tình thương, những điều mong ước, những cái lạc quan nhiều hơn.
"Các em viết được như thế này thì chính tiếng nói của các em cũng có sức mạnh riêng, nhất là ở những tuổi nhìn cuộc đời nhiều màu hồng, đầy hy vọng”, GS Hà Minh Đức nhìn nhận. 

Sau khi 2 bức thư của học sinh lớp 4 Việt Nam được đăng tải, cũng có ý kiến cho rằng chắc phải có sự can thiệp của giáo viên nên ý tứ trong thư mới mạch lạc như vậy. GS Hà Minh Đức thì nhận định, cũng có thể các em có ảnh hưởng từ người lớn khi viết bức thư này, nhưng cũng có thể những điều các em viết ra xuất phát từ đáy lòng, điều đó là lẽ bình thường vì khi trẻ nhìn thấy những xung đột nên dễ bị xúc động, nhất là xung đột những nước láng giềng có quan hệ tốt. “Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ tốt từ xưa nên để xảy ra chuyện xô xát là trái với đạo lí, trẻ con cũng có quyền viết chứ?”

Qua hai bức thư này GS Hà Minh Đức một lần nữa khẳng định, đó là lòng yêu nước nồng nàn từ thuở nhỏ, nhưng không vì thế mà người lớn lại để các em đi quá sâu vào những vấn đề quá phức tạp.
GS Hà Minh Đức công tác giảng dạy tại Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1957, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng bộ môn lý luận văn học; Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn; Chủ nhiệm Khoa Báo chí. Từ 1995 đến tháng 2 năm 2003 ông kiêm nhiệm công tác tại Viện Văn học, là Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học. Ông còn giữ các chức vụ như thành viên Ủy ban Giáo dục toàn quốc (từ 1998); Ủy viên Hội đồng lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (từ tháng 9 năm 2003); Hội viên Hội nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội nhà báo Việt Nam.
Xuân Trung