Vụ thủy thủ tàu Vinalines neo đậu ở các cảng biển nước ngoài kêu cứu:

"Bộ đã nói là sẽ có trách nhiệm chứ không chỉ nói cho vui"

03/04/2013 13:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT khi được hỏi về xung quanh vụ việc thủy thủ tàu Vinalines neo đậu ở các cảng biển nước ngoài kêu cứu.

Hơn 1 tháng trôi qua sau vụ việc các thủy thủ tàu Vinalines neo đậu ở các cảng biển nước ngoài kêu cứu, dư luận vẫn đang rất quan tâm tới tiến trình giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho các thủy thủ của Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

“Nếu vài thủy thủ còn có tâm tư sẽ kiểm tra lại, trách nhiệm của Bộ và Vinalines là đảm bảo đời sống cho thủy thủ, đảm bảo không có sơ suất nào để thủy thủ ăn sương, nằm chờ. Vẫn phải duy trì thủy thủ trên tàu để không biến thành tàu ma trong quá trình giải quyết. Bộ nói là có trách nhiệm chứ không chỉ nói cho vui lòng, đây là tình cảm của con người”. Ông  Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Lý giải về việc những con tàu này phải neo đậu nhiều ngày ở các cảng biển ở các nước, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, đó là do không khai thác được hàng hóa. Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty Hàng Hải nhanh chóng xử lý theo hướng tiếp tục khai thác có hiệu quả những tàu còn khai thác được, thứ hai Chính phủ đã cho phép bán tàu khi có điều kiện bán được để thu hồi vốn đầu tư cho những tàu đang khai thác.

Tàu New Horizon phải neo tại cảng Karachi, Pakistan.
Tàu New Horizon phải neo tại cảng Karachi, Pakistan.

Trước những thông tin kêu cứu vì đời sống quá khổ cực của các thủy thủ, ông Trường cho biết: “Thời gian qua do tàu bị lưu giữ nên thủy thủ có khó khăn về tài chính và sinh hoạt trên tàu. Bộ đã giao Vinalines tổ chức các đoàn công tác đến tàu kiểm tra và chuyển lương thực thực phẩm cho thủy thủ.

Vừa rồi cơ bản đã giải quyết xong, tuy nhiên còn một số thủy thủ nóng vội nên trong quá trình này đã xin chuyển công tác, khi có thủ tục của Vinalines đưa tàu về, các thủy thủ này đã quay về tàu. Khi đi không xin ý kiến khi về cũng không báo cáo nên số này vừa rồi đã giao Vinalines giải quyết. Quan điểm của chúng tôi là không để các thủy thủ bị khổ sở trên tàu và tích cực bán tàu, đưa tàu về nước trong thời gian sớm nhất”.

Về Bảo hiểm tàu Vinalines Qeen, ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam cho hay: "Vinalines đã trả 22.500 USD/ 25.000 USD  cho các gia đình nạn nhân. Số còn lại sẽ tiếp tục làm việc với bảo hiểm để trả".

Ông Trường cũng thẳng thắn nói rằng, về tình cảm, trách nhiệm của Bộ GTVT và Vinalines không chỉ có tình đồng nghiệp mà còn cả tình cảm con người với nhau. “Nếu vài thủy thủ còn có tâm tư sẽ kiểm tra lại, trách nhiệm của Bộ và Vinalines là đảm bảo đời sống cho thủy thủ, đảm bảo không có sơ suất nào để thủy thủ ăn sương, nằm chờ.

Vẫn phải duy trì thủy thủ trên tàu để không biến thành tàu ma trong quá trình giải quyết. Bộ nói là có trách nhiệm chứ không chỉ nói cho vui lòng, đây là tình cảm của con người”, ông Trường khẳng định.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, thời gian qua từ chỗ Vinashin khó khăn, Vinalines đứng bên bờ vực phá sản nếu xét về mặt thị trường, sau một năm có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT hiện nay công ăn việc làm của hai doanh nghiệp được duy trì đảm bảo. Còn tồn tại về nợ thì phải giải quyết nhiều năm. Bất cứ nước nào cũng vậy, khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng phải có nhiều năm mới xử lý được. Chính phủ đã phê duyệt quyết định tái cơ cấu nên hy vọng vài năm tới sẽ có một Vinashin và Vinalines mới.

“Khoản nợ đã được hỏi nhiều lần và báo chí đăng nhiều lần và những con số đó tôi nghĩ cũng gần như những con số ban đầu. Tái cơ cấu nhiệm vụ Vinashin số 1 là đóng tàu, thứ 2 là sửa chữa tàu, thứ 3 là đào tạo nhân lực. Tái cơ cấu thì giảm bớt đầu tư ngoài ngành. Giảm công tin cháu, chỉ còn công ty mẹ và con.

Số nợ còn lại Chính phủ đã khoanh lại khi Vinashin có đủ tiền sẽ trả sau, còn trước mắt tập trung phát triển lại để có công ăn việc làm, duy trì ngành đóng tàu. Khi vận tải biển phát triển chúng ta quay lại trả món nợ đó. Các nước trên thế giới cũng làm vậy”, ông Trường nói.

Ngọc Quang