TP.HCM: Nắng nóng 37 độ C, hàng loạt trẻ nhập viện vì tiêu chảy

03/04/2013 11:11
Theo Tuổi trẻ
Tình trạng nắng nóng ở Nam bộ dự báo sẽ kéo dài đến cuối tháng 4. Chỉ sau mấy ngày oi bức với nhiệt độ lên đến 37 0C, tại một số bệnh viện ở TP.HCM số trẻ em và người già đến khám, nhập viện bắt đầu tăng lên.
Bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hai tuần trước mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhi đến khám thì ngày 1/4 lên đến gần 6.100 bệnh nhi. Số bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy đến khám và nhập viện tăng hơn so với những ngày trước đó.

Trẻ em dễ mắc bệnh tiêu chảy, hô hấp

Trong ngày 1/4, số bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy đến bệnh viện khám là 350 trẻ, tăng hơn 100 trẻ, số bệnh nhân nhập viện 42 ca, tăng hơn 10 ca so với một ngày của tuần trước đó.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết thời tiết nắng nóng sẽ có nhiều yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy. Nguyên nhân trẻ thường uống nhiều nước ở mọi nơi mọi lúc nên có thể uống phải nước không rõ nguồn gốc dễ gây bệnh. Thức ăn không được bảo quản kỹ rất dễ bị ôi thiu. Thực phẩm để lâu hoặc hâm lại nhiều lần cũng làm vi khuẩn trong thức ăn sinh sôi khiến trẻ ăn phải dễ mắc bệnh.

Bệnh nhi điều trị bệnh tiêu chảy tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Bệnh nhi điều trị bệnh tiêu chảy tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Bệnh tiêu chảy có thể đến với trẻ với những nguyên nhân hết sức bất ngờ như trẻ uống phải nước tắm, nước gội đầu có chứa mồ hôi và bụi. Trẻ mắc bệnh tiêu chảy trong mùa nắng nóng dễ mất nước do ngoài lý do đi tiêu phân lỏng, trẻ còn thường đổ mồ hôi hoặc sốt cao khiến bệnh tiêu chảy càng nặng hơn. Bác sĩ Phúc khuyên các bà mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước để bù nước.

Thời tiết nắng nóng cũng làm số trẻ mắc bệnh tiêu chảy nằm điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tăng nhẹ. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, trước những ngày nắng nóng, mỗi ngày có 40-42 bệnh nhi tiêu chảy nằm điều trị tại khoa nhi thì những ngày gần đây đã lên đến hơn 60 trẻ.

Tuy chưa ghi nhận số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám và nhập viện tại hai bệnh viện nhi tăng, song các bác sĩ cho rằng thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, trời nắng nóng quá, nhiều bà mẹ cho trẻ nằm quạt máy, máy lạnh thổi thẳng luồng gió vào người nên trẻ dễ bị khô niêm mạc, tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nhiệt độ trong phòng cách biệt với nhiệt độ ngoài trời nên khi trẻ ra khỏi phòng máy lạnh hoặc từ ngoài vào phòng nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng dễ mắc bệnh.

Trẻ ra ngoài trời nắng nóng, nếu không được đeo khẩu trang sẽ hít phải khói bụi cũng dễ làm niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, dễ bị xâm nhập vi trùng, virút gây bệnh. Trong thời gian này, các bà mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ các chất, uống nhiều nước cam, nước chanh để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trẻ.

Bệnh mãn tính ở người già có nguy cơ trở nặng

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, cho biết mấy tuần qua những người già đã mắc các bệnh mãn tính có nguy cơ trở nặng hơn. Trong 10 ngày trở lại đây lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi tăng lên rõ rệt. Nhiều nhất là bệnh hô hấp, tim mạch, huyết áp, rối loạn tiêu hóa, cảm cúm. Trong mấy tuần gần đây lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi tăng trung bình 200-300 lượt/ngày, bệnh nhân nhập viện vẫn bình thường, không tăng.

Tại khoa tim mạch 3 bệnh viện Nguyễn Trãi, ông N.M.Đ. (52 tuổi, ngụ Q.7) kể ông bị cao huyết áp, hai năm nay ông không phải nhập viện lần nào, chỉ cần uống thuốc và theo dõi ở nhà. Tuy nhiên tuần trước do thời tiết quá nắng nóng nên ông luôn thấy trong người nóng nực, khó chịu, ăn uống không ngon, ngủ không được nên huyết áp tăng cao phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi hơn một tuần nay nhưng huyết áp vẫn chưa ổn định.

Bác sĩ Trương Thị Mai Hương, trưởng khoa tim mạch 3 Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết số lượng bệnh nhân điều trị tại khoa không tăng đột biến. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân bị cao huyết áp lại tăng, mới hai ngày đầu tuần đã có 18 ca cao huyết áp phải nhập viện điều trị.

Theo bác sĩ Mai Hương, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến những người già có bệnh mãn tính trở bệnh nặng do sinh hoạt bị đảo lộn, ăn uống, nghỉ ngơi không được. Khi thay đổi nhiệt độ đột ngột như đi ngoài nắng vào phòng máy lạnh quá lạnh hoặc tắm nước lạnh làm co thắt động mạch đột ngột sẽ khiến người già có nguy cơ bị đột quỵ.

Để phòng tránh bệnh trong mùa nắng nóng, bác sĩ Mai Hương khuyên người lớn tuổi nên có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, nếu nắng nóng không ngủ được có thể dùng thuốc an thần để giấc ngủ êm đềm hơn. Không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi vừa từ ngoài đường về nhà không nên bật máy lạnh quá lạnh, không nên tắm ngay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga khuyến cáo để hạn chế bệnh tật cần uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây tự làm, không nên uống các loại nước ép trái cây bán ngoài đường vì nếu uống phải loại nước không đảm bảo vệ sinh dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, dù trời nắng nóng người già cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày vì dễ bị cảm cúm.

Ngày càng gay gắt

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, liên tục những ngày qua nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành. Nhiệt độ trong hai ngày qua tăng lên hơn 1OC so với những ngày trước đó.

Cụ thể nhiệt độ tại Biên Hòa đã lên đến 38OC, Bình Phước 37,6 0C, Tây Ninh 37,8 0C, TP.HCM 36 0C. Ở khu vực miền Tây Nam bộ nhiệt độ cũng ở mức cao 35-36 0C. Đây là nhiệt độ trong các lều khí tượng, nhiệt độ ngoài trời tại nhiều khu vực, đặc biệt nơi có mặt đệm là bê tông, nhựa đường... có thể cao hơn 3-4 0C.

Cũng theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài, ít nhất đến nửa cuối tháng 4, nhiệt độ một số nơi sẽ còn nhích thêm chút ít.



Theo Tuổi trẻ