"Cần phải phân biệt rõ khiếu nại đông người và biểu tình"

23/08/2011 14:00
Bùi Khương
(GDVN) - "Tiếp dân không phải để hứa xuông, tiếp dân là phải giải quyết cho dân. Quy trách nhiện cho người đứng đầu tổ chức đó".

Trong ngày thảo luận thứ 2, phiên họp thứ nhất của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật khiếu nại trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp tới.   

Đối với dự án Luật khiếu nại, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH khóa XII, Ủy ban Pháp luật kiến nghị bổ sung khái niệm “khiếu nại đông người”. Theo đó, khái niệm này được viết: “Khiếu nại đông người là việc nhiều người cùng khiếu nại về một hoặc một số nội dung trong quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó”.

Khác với quy định hiện hành, dự luật cho phép công dân có quyền nhờ luật sư giúp đỡ và quyền khởi kiện ra tòa hành chính trong bất cứ giai đoạn nào quá trình giải quyết của cơ quan hành chính.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đánh giá: Cần phải phân biệt rất rõ vấn đề khiếu nại đông người và biểu tình. Không phải cứ đông người là biểu tình. Trên thực tế có nhiều người khiếu nại về một quyết định hành chính. Điển hình nhất là vấn đề liên quan đến những khiếu nại về đất đai, thường kéo dài, đông người, từ đó kéo theo những vấn đề phức tạp, từ đó người dân dễ bị lôi kéo lợi dụng, kích động.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Trên thực tế, sau khiếu nại, nhiều người sẽ có đơn thư tố cáo, hai khía cạnh này thường kèm theo. Chúng ta cần phải tách hai vấn đề này ra để cho người dân hiểu rõ thế nào là khiếu nại và tố cáo.

“Riêng về mục tiếp công dân thì chúng ta cần có riêng một mục. Đây là một nút thắt, một phần quan trong trong việc giải quyết khiếu nại. Tiếp dân không phải để hứa xuông, tiếp dân là phải giải quyết cho dân. Quy trách nhiện cho người đứng đầu tổ chức đó, phải có trách nhiệm, giải quyết cho dân”._Ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điển trên, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác Đại biểu, cho rằng: Cần có luật, điều khoản quy định rõ ràng trong việc tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại. Cần nghiên cứu để có một chương quy định trong việc tiếp công dân. Đây là khâu rất quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại cho người dân. Không phải tiếp dân để chuyển đơn, để đơn chạy lòng vòng qua nhiều cấp…

Bà Nương còn nhấn mạnh: Cần cụ thể hơn các Quy định tiếp dân của các chủ tịch: xã, huyện, tỉnh… ai tiếp dân, cấp nào tiếp?  

Bà Trương Thị Tuyết Mai, Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Trong thực tiễn có những đơn thư gửi đến vừa là khiếu nại, vừa là tố cáo. Trách nhiệm không phải là của người dân, mà là của các cấp. Bộ luật lao động của chúng ta đã từng cho phép đình công, ở đó có những quy định cụ thể, đây là những tiến bộ lớn. Nhưng trong những năm vừa qua, những quy định đó hầu như chưa đi vào thực tiễn. Tất cả những vụ đình công đều chưa đưa ra được đến Tòa.

“Về vấn đề tiếp dân, nên đưa vào luật và càng cụ thể càng tốt. Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuận tiện hơn”._bà Mai đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện lưu ý: Việc tách bạch hai vấn đề khiếu nại và tố cáo thì thực chất rất khó khả thi. Trên thực tế có những sự việc có tính chất phức tạp, là hai mặt của một vấn đề…. Xây dựng nhà nước pháp quyền là phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi mà tách bạch hai việc khiếu nại và tố cáo riêng thì cần cân nhắc thật kỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Vấn đề khiếu nại đông người là một thực tế cuộc sống đặt ra, do đó nếu không nói đến thì không được, vì cuộc sống đặt ra thì luật pháp phải giải quyết, nó liên quan đến lợi ích của người dân. Vấn đề là giải quyết như thế nào do đó, Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này trong thời gian tới.

Bùi Khương