Quân đội Mỹ muốn khởi động lại chương trình vũ khí đối phó tên lửa TQ

10/04/2013 07:58
Đông Bình
(GDVN) - Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ nhắc lại tầm quan trọng của các loại vũ khí cần phát triển để đối phó tên lửa chống hạm DF-21D TQ.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D Trung Quốc

Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ nhắc lại tầm quan trọng của các loại vũ khí có thể đối phó với tên lửa DF-21D TQ để nhắc nhở. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, những năm gần đây, Lầu Năm Góc luôn coi tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc là mối đe dọa đối với biên đội tàu sân bay Mỹ, buộc Mỹ phải tìm cách để đối phó với loại vũ khí này.

Ngày 5/4, tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho biết, một bản báo cáo mới công bố của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) kiến nghị, thông qua phương thức phá vỡ “chuỗi sát thương” tiến hành đáp trả đối với tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc.

Mặc dù bản báo cáo này liệt kê chi tiết các loại thủ đoạn đáp trả “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc, nhưng phần lớn thủ đoạn trong đó đều dựa vào chương trình vũ khí mà Mỹ đã từ bỏ hoặc có kế hoạch hủy bỏ, trong đó có nhiều loại tên lửa đánh chặn, tàu tuần dương tương lai. Rõ ràng, báo cáo này muốn tạo dư luận ủng hộ cho những chương trình này.

Theo bài báo, trong báo cáo “Hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc: Tác động ảnh hưởng đối với khả năng của Hải quân Mỹ” được tiết lộ vào hạ tuần tháng 3, Ronald Aulock, chuyên gia vấn đề hải quân của Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng, tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D (DF-21D) được coi là “sát thủ tàu sân bay”, được một số nhà phân tích quốc phòng dự đoán là “người thay đổi quy tắc chiến tranh”, nhưng nếu Mỹ có thể kết hợp sử dụng các thủ đoạn đáp trả chủ động và bị động, có thể đánh bại các cuộc tấn công của loại tên lửa này.

Tên lửa DF-21D - "Sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc
Tên lửa DF-21D - "Sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc

Theo bài báo, mặc dù rất nhiều nhà phân tích cảnh báo, tàu sân bay Mỹ có nguy cơ bị tên lửa DF-21D tấn công, nhưng Ronald Aulock cho rằng, quân Mỹ có khả năng loại bỏ mối đe dọa tên lửa này của Trung Quốc.

Trong báo cáo, Aulock đưa ra nhiều thời điểm tốt nhất để đối phó với tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc. Theo báo cáo, trong “chuỗi sát thương” của tên lửa Đông Phong-21D có vài thời điểm quan trọng, thông qua thực hiện các biện pháp đối kháng chủ động hoặc bị động vào các thời điểm đó là có thể xóa bỏ mối đe dọa tên lửa.

Những thời điểm này bao gồm: Khi mục tiêu bị theo dõi và phát hiện, khi số liệu truyền tới giá phóng tên lửa chống hạm, khi phóng tên lửa đạn đạo chống hạm và khi đầu đạn tên lửa đạn đạo chống hạm bay vào bầu khí quyển phát hiện mục tiêu.

Để đánh bại các cuộc tấn công của tên lửa DF-21D, báo cáo đề xuất rất nhiều kiến nghị. Trước hết, Hải quân Mỹ cần nỗ lực nhiều cho việc kiểm soát bức xạ điện từ hoặc sử dụng máy phóng mồi nhử. Những thủ đoạn này có thể làm cho hệ thống theo dõi tầm xa của Trung Quốc khó phát hiện ra biên đội tàu sân bay hơn, hoặc đánh lừa những hệ thống theo dõi này. Khi bị “mù” thì tên lửa chống hạm Trung Quốc đương nhiên mất khả năng đe dọa.

Thứ hai, Hải quân Mỹ cần có trang bị đáp trả, tiến hành đánh chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc trong các giai đoạn bay của nó, hoặc tiến hành gây nhiễu đánh lừa khi tên lửa bay đến khu vực mục tiêu, làm cho nó bị mất tích. Muốn có khả năng này, chủ yếu dựa vào tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke thực hiện nhiệm vụ hộ tống trong cụm chiến đấu tàu sân bay.

Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ
Tàu khu trục tên lửa Aegis lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ

Theo báo cáo, biện pháptiến hành tiêu diệt tên lửa đạn đạo chống hạm gồm có phát triển phiên bản cải tiến của hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa SM-3 của tàu khu trục Aegis, như SM-3 BlockIIA theo kế hoạch.

Các biện  khác có thể áp dụng như tăng tốc phát triển và trang bị pháo quỹ đạo điện từ, đồng thời nghiên cứu chế tạo, trang bị vũ khí laser thể rắn và laser điện tử tự do năng lượng cao, nâng cao hiệu suất tiêu diệt tên lửa của đối phương.

Ngoài sát thương cứng, báo cáo còn cho rằng, khi trang bị có thể gây nhiễu hệ thống tác chiến điện tử của radar dẫn đường đầu cuối của tên lửa đạn đạo chống hạm hoặc tàu chiến có thiết bị tạo “mây” cản sóng bảo vệ tàu sân bay, tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc khi tới gần mục tiêu có thể bị đánh lừa.

Thứ ba, báo cáo kiến nghị Hải quân Mỹ phát triển “bia” mục tiêu trong bầu khí quyển mô phỏng tên lửa đạn đạo chống hạm để kiểm tra hiệu quả tác chiến thực tế của quân Mỹ. Theo báo cáo, loại “bia” mục tiêu trong bầu khí quyển này chủ yếu dùng để mô phỏng đầu đạn của tên lửa DF-21D khi tiếp tục bay vào bầu khí quyển.

Mỹ cho rằng, đầu đạn này sẽ tiến hành tấn công theo phương thức rơi xuống hình xoắn ốc. Hơn nữa, hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3 chỉ có thể đánh chặn tên lửa đối phương ở ngoài bầu khí quyển, nếu phát triển tên lửa đánh chặn trong bầu khí quyển nhằm vào DF-21D, thì cần loại mục tiêu trong bầu khí quyển này là “bia”.

Ý tưởng tàu tuần dương thế hệ tiếp theo của Mỹ
Ý tưởng tàu tuần dương thế hệ tiếp theo của Mỹ

Aulock còn kiến nghị, Quốc hội Mỹ cần đánh giá kỹ lô Flight III tàu khu trục lớp Arleigh Burke có kế hoạch mua vào năm 2016, xem nó có khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa đầy đủ và hiệu quả hay không, có thể ứng phó với các cuộc tấn công tên lửa và đường không của Quân đội Trung Quốc trong tương lai hay không.

Theo báo cáo, lô tàu khu trục này có khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa mạnh hơn phiên bản hiện nay, nhưng kém so với tàu tuần dương thế hệ sau CG (X) đã bị hủy bỏ.

Có phân tích cho rằng, dựa vào quy hoạch của báo cáo, quân Mỹ muốn kiềm chế “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc thì phải dựa vào các loại trang bị tiên tiến. Nhưng, xem lại các chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí của Lầu Năm Góc thì có thể phát hiện, những trang bị này phần lớn đều nằm trong danh sách từ bỏ.

Chẳng hạn, Lầu Năm Góc có ý định dừng kế hoạch nghiên cứu chế tạo tên lửa SM-3 BlockII và “bia” mục tiêu trong bầu khí quyển (tên lửa), còn tàu tuần dương CG (X) lại có “công nghệ quá vượt trước, yêu cầu công nghệ quá cao, chi tiêu quá cao”, đã sớm từ bỏ vào năm 2011.

Khi Lầu Năm Góc buộc phải thắt chặt chi tiêu để chuẩn bị trải qua những ngày tháng khó khăn, báo cáo này rõ ràng lại muốn nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc, tức là nếu không có những chương trình vũ khí này thì các biện pháp đối phó với tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc sẽ thất bại, an toàn của tàu sân bay Mỹ sẽ khó được bảo đảm.
Trung Quốc phát triển khả năng đẩy các tàu sân bay Mỹ ra khỏi các vùng biển gần như biển Đông, biển Hoa Đông để dễ bề áp đặt các tham vọng của họ, như tham vọng "đường lưỡi bò".
Trung Quốc phát triển khả năng đẩy các tàu sân bay Mỹ ra khỏi các vùng biển gần như biển Đông, biển Hoa Đông để dễ bề áp đặt các tham vọng của họ, như tham vọng "đường lưỡi bò".
Đông Bình