SHB "lúng túng" xử lý hơn 4.000 tỷ nợ xấu của Vinashin

08/04/2013 13:51
Theo Vnexpress
Phần lớn số tiền này là do các khoản vay của Habubank trước khi sáp nhập và đang chiếm gần một nửa nợ quá hạn tại SHB. Lãnh đạo nhà băng cho biết hiện chưa thể xử lý với số nợ xấu này.
Thông tin về món nợ khó đòi tại Vinashin được lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã CK: SHB) tiết lộ tại Đại hội cổ đông diễn ra cuối tuần qua, khi cổ đông yêu cầu giải trình thêm về nợ xấu. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, tính đến ngày 31/12/2012, dư nợ của Vinashin tại SHB còn 4.004 tỷ đồng, chiếm hơn 44% tổng nợ quá hạn của ngân hàng này.
Cổ đông SHB chất vấn lãnh đạo công ty về những khoản nợ xấu của Vinashin.
Cổ đông SHB chất vấn lãnh đạo công ty về những khoản nợ xấu của Vinashin. 
Theo lãnh đạo SHB, những khoản nợ xấu này chủ yếu được chuyển sang từ Habubank trong quá trình sáp nhập. Theo đó, khoảng 5-6 năm trước, Vinashin được cho là một doanh nghiệp lớn "đang lên", không ít ngân hàng cho tập đoàn này vay những khoản tiền lớn, vượt cả vốn tự có nhưng vẫn rất tự hào về thành tích này. Đến nay, nhiều người cho rằng sự sụp đổ của Habubank hay sự yếu kém của nhiều ngân hàng xuất phát từ chính "người anh lớn" này.
Về phương hướng xử lý đối với các khoản vay này, ông Lê cho biết sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu theo hình thức trả 25% tổng nợ trái phiếu chuyển đổi. "Như vậy căn cứ vào tỷ lệ này, SHB được hoán đổi trái phiếu 1.103 tỷ đồng, dư nợ còn lại phải trích lập dự phòng còn 1.419 tỷ đồng và được phân bổ trong 5 năm", ông Lê thông tin.
Tuy nhiên, báo cáo trước các cổ đông, đại diện SHB thừa nhận việc triển khai chính sách xử lý khoản nợ của Vinashin vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là Vinashin hiện không còn đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định của Bộ Tài chính. Để tháo gỡ tình trạng trên, ông Lê cho biết Thống đốc đã có cuộc gặp các ngân hàng thương mại liên quan đến cho vay Vinashin. "Toàn bộ khoản nợ sẽ được chuyển qua qua Công ty mua bán nợ và tài sản của Bộ Tài chính (DATC) để phát hành trái phiếu có chuyển đổi của Bộ Tài chính", ông Lê nói.
Tại đại hội, cổ đông SHB đã thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013, với tổng tài sản dự kiến tăng 28,7% lên 150.000 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động dự kiến đạt 25%, trong khi tín dụng đạt 12%.
Năm 2013, lãnh đạo SHB đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.146 tỷ đồng mặc dù trong năm tài khóa 2012 lỗ và chỉ báo lãi 26 tỷ đồng trong năm 2011. Do đó, một vài cổ đông băn khoăn kế hoạch lãi hơn 1.000 tỷ đồng mà HĐQT đề ra. Trước lo ngại này, tổng giám đốc cho biết quý I/2013, SHB lãi 217,74 tỷ đồng và đạt 19% so với kế hoạch. "Kết quả này thấp nhưng theo chu kỳ tài chính thông thường không chỉ của riêng SHB mà các ngân hàng khác cũng vậy, lợi nhuận quý I luôn thấp hơn cả năm và sang quý II mới tăng trưởng mạnh", Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê giải thích.
Theo Vnexpress