Ấn Độ chỉ cần 1 tàu ngầm Chakra-2 cũng khiến Hải quân TQ lo sợ

13/04/2013 08:47
Việt Dũng
(GDVN) - Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 đã thể hiện nhiều tính năng tiên tiến và cũng có khả năng Ấn Độ tiếp nhận đề nghị thuê thêm 6 tàu ngầm tương tự của Nga...
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga

Trang mạng “China News” Trung Quốc tiếp tục khẳng định, gần đây, Trung Quốc ký kết thỏa thuận với Nga chuẩn bị mua vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD của Nga, gồm 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm thông thường lớp Lada. Thông tin này luôn làm cho Ấn Độ, nước luôn quan tâm đến sự phát triển quân bị của Trung Quốc, đứng ngồi không yên.

Theo bài báo, tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 8/4 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, sau khi Nga đồng ý bán máy bay chiến đấu và tàu ngầm tiên tiến cho Trung Quốc, và New Delhi bày tỏ lo ngại với Moscow, Nga đã chủ động đề xuất cho Ấn Độ thuê tới 6 tàu ngầm hạt nhân.

Nguồn tin này còn cho biết, đề nghị này được đưa ra thông qua kênh ngoại giao vào cuối tháng trước, nhưng Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn chưa xem xét vấn đề này.

Bất kể thông tin trên rốt cuộc như thế nào, nhưng Ấn Độ đã cảm thấy có áp lực trước “thực tế” Trung Quốc mua tàu ngầm mới của Nga. Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula II (Ấn Độ sau đó đổi tên là Chakra-2) mà Ấn Độ thuê của Nga đã được biên chế cho Hải quân Ấn Độ, chắc chắn cải thiện rất lớn năng lực tác chiến dưới nước cho Hải quân Ấn Độ.

Ngoài ra, tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên mang tên Arihant của Ấn Độ được biết sẽ chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm nay, tàu ngầm hạt nhân này tuy là một tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, nhưng 12 quả tên lửa đạn đạo trong biên chế chỉ có tầm phóng thực tế là 700-1.500 km, đối với tàu ngầm hạt nhân chiến lược thì hầu như nó “không có năng lực chiến đấu thực tế”.

Nhưng, bất kể nói như thế nào, trong năm nay Ấn Độ có khả năng sẽ thực hiện giấc mơ nước lớn trên thế giới – đồng thời sở hữu tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Ấn Độ thuê được tàu ngầm hạt nhân của Nga làm cho họ trở thành nước thứ sáu trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula II tiên tiến do Nga chế tạo tuy tiền thuê lên tới 1 tỷ USD, nhưng lại làm cho Ấn Độ có khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương.

Là một loại tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng, tàu ngầm Chakra-2 có thể hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ như săn ngầm, tấn công tàu chiến, rải ngư lôi…, cho nên vũ khí của nó không chỉ nhiều về chủng loại, mà còn có lượng tải đạn tương đối lớn.

Ấn Độ đến nay tuy chỉ sở hữu một chiếc tàu ngầm loại này, nhưng lại có thể làm cho bất cứ hải quân nước nào cũng phải thận trọng khi tuần tra ở Ấn Độ Dương.

Theo truyền thông Ấn Độ, trong hành trình trở về nước dài 42 ngày của tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 vào tháng 3/2012, tàu Chakra-2 từng lặng lẽ đi qua biển Đông và các vùng biển xung quanh Trung Quốc, nhưng không gặp phải bất cứ hoạt động do thám và tiếp cận nào của Hải quân Trung Quốc.

Vì vậy, Hải quân Ấn Độ nhận định, Hải quân Trung Quốc không phát hiện được tung tích của tàu ngầm này, do đó tính bí mật rất tuyệt vời. Thuyền trưởng tàu ngầm Chakra-2 là Ashokan từng tuyên bố: “Chúng tôi có thể chiến thắng bất cứ đối thủ nào ở xung quanh”.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula của Hải quân Nga
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Akula của Hải quân Nga

Trong hoạt động chạy thử ở vùng biển của Ấn Độ sau đó, Hải quân Ấn Độ tiếp tục ca ngợi tính năng của tàu ngầm này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony thậm chí nhấn mạnh, tàu ngầm hạt nhân Chakra-2 hoặc tàu chiến khác đi vào hoạt động hoàn toàn không nhằm vào bất cứ quốc gia nào, chỉ nhằm tăng cường an ninh quốc gia và an ninh biển của Ấn Độ.

Thái độ này rất hiếm thấy, bởi vì chỉ khi có một bên chiếm ưu thế tuyệt đối mới nói lên những lời này, sự tự tin của Ấn Độ đã cho thấy sự hài lòng của họ đối với tàu ngầm này đạt tới mức vượt sức tưởng tượng.

Đối với Ấn Độ, điều này có thể là vui mừng lẫn lộn – “chuột rơi phải bình dầu”. Vui là Nga có thể đồng ý cho Ấn Độ thuê tới 6 tàu ngầm hạt nhân trong 1 lần, điều này thực sự là việc tốt lớn như “của trên trời rơi vào túi”, làm cho Ấn Độ có thể nhanh chóng có khả năng hiện diện hải quân chống lại Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, và trở thành nước lớn về tàu ngầm hạt nhân trên thực tế.

Có thể nói, nếu Ấn Độ có thể sở hữu 7 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula II do Nga chế tạo, sau khi “chiến lược 3 tàu sân bay” của Ấn Độ được thực hiện, Ấn Độ sẽ thực sự có khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương và biến nó thành “ao nhà”.

Ấn Độ chỉ cần trang bị 2 tàu ngầm hạt nhân do Nga chế tạo cho mỗi hạm đội của họ (Ấn Độ xây dựng 3 hạm đội), thì bất kể Hải quân Mỹ hay Hải quân Trung Quốc, khi xâm nhập Ấn Độ Dương đều phải lo lắng đề phòng, còn dùng nó để đối phó Hải quân Pakistan thì càng là chuyện nhỏ.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula do Nga chế tạo
Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula do Nga chế tạo

Nhưng, điều làm Ấn Độ lo ngại là, khoản chi tiêu quân sự khổng lồ này sẽ làm bay biến 1/7 ngân sách quốc phòng thường niên của Ấn Độ (37,3 tỷ USD), cho dù có phân ra vài năm để thực hiện chương trình này thì chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ hiện nay cũng khó mà gánh được.

Hơn nữa, điều này chắc chắn sẽ tác động to lớn tới chương trình tàu ngầm hạt nhân nội địa do Ấn Độ tự chế tạo, đồng thời trực tiếp ảnh hưởng tới nguồn vốn phát triển vũ khí khác của Ấn Độ.

Vì vậy, thông tin Ấn Độ thuê 6 tàu ngầm hạt nhân của Nga có thể chỉ là một hành vi thăm dò và vỗ về của Nga đối với Ấn Độ, trên thực tế không thể thực hiện được. Hiện nay, mặc dù chương trình tàu ngầm hạt nhân nội địa của Ấn Độ nhiều lần trì hoãn, nhưng nhiều lần gặp khó khăn lại có thể biên chế đúng hạn cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm nay, từ đó làm cho Ấn Độ thực sự có năng lực chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Hơn nữa, mặc dù Ấn Độ cảm thấy áp lực với tàu ngầm Hải quân Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương, nhưng trong tình hình chiến lược tổng thể của hai nước Trung-Ấn hòa dịu hiện nay (cách đây không lâu, hai nước đã đạt được thỏa thuận không tấn công đối phương trong bất cứ tình huống nào), Ấn Độ thực sự không cần lắm phải thuê lượng lớn tàu ngầm hạt nhân để ứng phó.

Nếu trong thực tế Ấn Độ cảm thấy số lượng tàu ngầm của họ không đủ để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương, trong tình hình đẩy nhanh phát triển tàu ngầm hạt nhân nội địa, chỉ cần thuê thêm 1-2 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula II là có thể được, hoàn toàn không cần thiết bỏ ra chi tiêu quân sự khổng lồ để thuê số tàu ngầm do Nga đề nghị.

Tuy nhiên, người Ấn Độ luôn làm những việc gây bất ngờ, đã hạ quyết tâm là làm “nước lớn thế giới ấn tượn”, biết đâu sau nhiều lần suy nghĩ sẽ đồng ý tiếp nhận đề nghị của Nga. Hơn nữa, chiến lược hướng Đông của Hải quân Ấn Độ là trọng điểm và là sự thực, trong khi đó mục tiêu kiềm chế Hải quân Trung Quốc rất rõ ràng. V
Việt Dũng