Bất ngờ clip 'kẻ lười biếng' luận về nền giáo dục VN (P2)

18/04/2013 07:11
Quyên Quyên
(GDVN) - "Nhìn mặt ai cũng sáng sủa thế thôi, nhưng thực sự giáo dục đã biến học sinh thành những con lừa lười biếng và dối trá, phải đánh, phải thúc, phải ép mới chịu đi".
Mấy ngày qua, trên Youtube xuất hiện một clip mang tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” và được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt sau đó. Trong clip dài đến hơn 1 giờ đồng hồ, một bạn trẻ tự giới thiệu là học sinh lớp 12 đã phân tích, bóc trần rất nhiều vấn đề được cho là "nhức nhối" của nền giáo dục Việt Nam hiện nay như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, không chú trọng dạy đạo đức, cách dạy lạc hậu v.v.

Các lập luận của bạn trẻ này được người xem clip tán đồng ở mức độ cao nhờ lập luận chặt chẽ, không né tránh chuyện "nhạy cảm", và cách thuyết trình rất cuốn hút.

Để rộng đường dư luận, Giaoduc.net.vn đăng tải lại clip này thành nhiều phần nối tiếp nhau (do clip rất dài và nói nhiều nội dung), có diễn giải lại bằng văn bản để bạn đọc tiện theo dõi.

>Xem lại phần 1: "Học kiến thức cơ bản đến lớp 9 là đủ"!

Phần 2: "Học để thi tạo ra thế hệ đối phó với mọi thứ"
Ảnh cắt ra từ clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"
Ảnh cắt ra từ clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng"

Phần 2 clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" (Nguồn Youtube)


Mục đích cao cả của việc học là trang bị cho người ta năng lượng sống thì bây giờ việc học biến dạng thành một mục tiêu khác là: Học để thi; Học để kiểm tra; Học vì đơn giản ai cũng như thế. Học để không bị tách rời số đông, làm theo số đông. Học để được an toàn. Học để có một cái bằng, để người ta nhìn mình với con mắt bao dung hơn. Hay nói cách khác học để đối phó với cuộc đời mà không có niềm đam mê. Học sinh cứ cắm đầu vào mà đối phó, đó là học thụ động, tư duy thụ động chỉ có làm nô lệ mà thôi. Trong khi chúng ta, theo cách mà người ta gọi là những chủ nhân tương lai của đất nước. 

Chính nền giáo dục này đã tạo tiền đề cho tính cách đối phó hoành hành. Cách học ở trường cũng chỉ là đối phó. Đối phó là sự đặc trưng điển hình của sự bị động. Nó thể hiện vị thế bị động của cá thể trước tác nhân không mong muốn. Đối phó tồn tại hai mặt có ích và có hại. Khi nó giúp chúng ta sinh tồn, chống lại, chiến đấu với các mối đe dọa ở nhiều mặt, kết quả mang lại cải thiện được cuộc sống của ta, đó là có ích. Nhưng sẽ có hại khi nó trở thành bản chất, bạn đời chung thủy trong lối sống, nó biến ta thành bị động trước mọi vấn đề của xã hội. Nếu không nhận thức được rõ nó rất dễ bị chi phối. 

Có lẽ ai cũng biết rằng cách mà chúng ta đang học ở trường cũng chỉ là đối phó. Ở đây tôi không nói đến việc mang phao vào trước mỗi giờ kiểm tra, bởi đó là điều hiển nhiên, tất yếu. Điều tôi muốn hỏi những ai là học sinh: Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không? Nếu có thì rất tốt, bởi cuộc đời này cần đến những con người như bạn. Còn nếu không thì bạn cũng giống như tôi và tuyệt đại đa số đều học để đối phó với các kỳ thi. 

Chúng ta đều tạo điều kiện cho tính đối phó được ký sinh trong nhân cách, trong lối sống của mình. Như một cơn mưa dầm thấm lâu và nếu nặng hơn thì cả đời cũng sẽ chỉ làm hời hợt cho qua, không bao giờ toàn tâm, toàn sức với công việc được giao. Thật đáng sợ nếu một ngày kia ta lại đối phó với chính lĩnh vực mà mình đam mê, từng yêu thích. Nhưng xét cho cùng thì biết làm sao được. Đó là hậu quả của kiểm tra liên miên, kiến thức nặng nề và đặc biệt là những đòi hỏi về điểm số của cả gia đình và nhà trường.

Nhìn mặt ai cũng sáng sủa thế thôi, nhưng thực sự giáo dục đã biến học sinh thành những con lừa lười biếng và dối trá, phải đánh, phải thúc, phải ép mới chịu đi. Sẽ như thế nào khi đây là viễn cảnh của những con người sẽ phục vụ đất nước trong tương lai? Vì khi đó chúng ta không đối phó với giáo viên, với nội quy mà chúng ta đối phó với tất cả mọi thứ. 

Người ta vẫn hay nói “học thì ấm vào thân”, không thể phủ nhận câu này. “Ấm” là cảm giác có thực khi sau rất nhiều ngày bạn giải được một bài toán, cảm giác vui vui, ấm áp lan tỏa. Bạn cảm thấy thoải mái với môn học này hơn, những ý niệm về sự đáng ghét chắc không còn, bạn khoái chí với bản thân mình, với môn học. Nhưng rốt cục, cảm giác ấm áp đó xuất phát từ đâu? Nguồn gốc sâu xa của nó là cảm giác bạn được an toàn trước mỗi bài kiểm tra, trước mỗi kỳ thi. Nó khác với sự hưng phấn mà chúng ta có được khi đánh được một bản nhạc yêu thích. Cái sự ấm áp đó như là chỉ là túp lều bé con để bao bọc cho mình trước sự khắc nghiệt trên hòn đảo mà ta ghét cay, ghét đắng. Thế thì đó là gì nếu không là một biểu hiện khác của sự đối phó. Trừ khi môn học đó trở thành niềm đam mê yêu thích của bạn. Có lẽ nhiều người không còn thấy khác biệt giữa điều mình muốn đạt được so với cảm giác làm được điều người ta muốn mình phải làm được.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi


 

* Đón xem/đọc phần 3 lúc 10h sáng 18/4: Ôi bằng cấp, điểm số, bệnh thành tích!

Quyên Quyên