Cô Nguyệt Anh, bé Ánh Dương và buổi kỳ ngộ sau thư gửi lãnh đạo TQ

19/04/2013 15:39
Quyên Quyên
(GDVN) - Tối 17/4, một cuộc gặp gỡ ấm cúng giữa những con người đặc biệt của sự kiện "thư học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc" đã diễn ra tại Hà Nội, do cô giáo Đặng Nguyệt Anh tổ chức.
Cuộc gặp đặc biệt

18h chiều, đáp chuyến bay từ TP.HCM ra đến Hà Nội khi trời mưa lất phất, ông Trần Khang Thụy (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học kinh tế thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM) cùng vợ vội lên xe về khách sạn Thắng Lợi. Tại đó, nghệ sĩ guitar Nguyễn Quang Bình, giảng viên tại trường văn hóa tổng hợp MECA (ở Houston, tiểu bang Texas, Mỹ) đang đợi sẵn. 

Ngày 18/4, nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình có một buổi biểu diễn quan trọng tại Hà Nội và vợ chồng ông Thụy sẽ góp mặt tại sự kiện của người bạn thân. Tuy nhiên, ngay buổi tối hôm đó, họ có một cuộc gặp đặc biệt không kém, với một cô bé 9 tuổi và cô giáo của em. Bé Trương Ánh Dương và cô Đặng Nguyệt Anh của CLB bồi dưỡng văn hóa Trí Đức, những người đã làm nên sự kiện "thư học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc" thu hút dư luận trong suốt gần một tuần liền.

Có thể gọi đây là một buổi kỳ ngộ, bởi tất cả khách mời của cô Đặng Nguyệt Anh đều chưa từng gặp mặt nhưng có một sợi dây đặc biệt kết nối họ với nhau, là bức thư của Trương Ánh DươngVũ Tuyên Hoàng. Thầy giáo Trần Khang Thụy và vợ, sau 37 năm giảng dạy và công tác, đã gặp một "sự kiện giáo dục giá trị nhất" khiến ông bồi hồi gửi thư bày tỏ cảm xúc trên báo, đồng thời gửi lời mời cô trò khi nào có dịp vào TP.HCM chơi. Đáp lại, cô Nguyệt Anh và bé Ánh Dương đã lên lịch, hẹn gặp ông ở Sài Gòn dịp 30/4...

Nhưng dường như ông Thụy không muốn đợi lâu như vậy, và dịp về Việt Nam biểu diễn của nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình trở thành một cơ hội tốt. Cô giáo Nguyệt Anh đã khéo léo bố trí một buổi gặp mặt dành cho ông và các khách mời tại một nhà hàng nhỏ trên phố Nguyên Hồng. Vị giảng viên tuổi 60 chia sẻ, buổi kỳ ngộ này có lẽ là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của ông trong 37 năm công tác tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mang lại cho ông những người bạn bất kể tuổi tác có chung một tấm lòng.

Đó là vợ chồng cô giáo Đặng Nguyệt Anh - anh Nguyễn Đan Tâm, cùng hai con Nguyễn Đan Dương (17 tuổi) và Nguyễn Hồng Liên (14 tuổi). Đan Dương hiện học lớp 11 chuyên Anh còn Hồng Liên lớp 8B trường Hà Nội - Amsterdam, cậu anh rất mê đàn guitar còn cô em lại mơ thành bác sĩ tâm lý. Hồng Liên cũng chính là tác giả bài văn nhập vai con gái ngư dân bị bắn cháy ca-bin, góp thêm tiếng nói của lớp học trò Việt Nam phản đối các hành động leo thang xâm phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Đó là thầy giáo Hoàng Dân, thầy cũ của cô Nguyệt Anh, với những bài thơ xúc động về biển đảo và đặc biệt là bài thơ tặng riêng bé Ánh Dương. Đó là anh Trương Văn Đạt, một chủ doanh nghiệp tư nhân, ông bố hạnh phúc của cô con gái ngoan Ánh Dương, và phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam...

Cô giáo Nguyệt Anh (áo đỏ) và bé Ánh Dương ở giữa. Liền kề bên phải: vợ chồng ông Trần Khang Thụy, nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình, thầy Hoàng Dân. Liền kề bên trái: anh Đạt bố Ánh Dương (hàng trên), cháu Nguyễn Đan Dương (hàng dưới), cháu Nguyễn Hồng Liên, anh Nguyễn Đan Tâm, và phóng viên Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Quyên Quyên
Cô giáo Nguyệt Anh (áo đỏ) và bé Ánh Dương ở giữa. Liền kề bên phải: vợ chồng ông Trần Khang Thụy, nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình, thầy Hoàng Dân. Liền kề bên trái: anh Đạt bố Ánh Dương (hàng trên), cháu Nguyễn Đan Dương (hàng dưới), cháu Nguyễn Hồng Liên, anh Nguyễn Đan Tâm, và phóng viên Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Quyên Quyên
Từ trái qua: Thầy Hoàng Dân, bé Hồng Liên, cô Nguyệt Anh, bé Ánh Dương, và ông Trần Khang Thụy. Ảnh: Quyên Quyên
Từ trái qua: Thầy Hoàng Dân, bé Hồng Liên, cô Nguyệt Anh, bé Ánh Dương, và ông Trần Khang Thụy. Ảnh: Quyên Quyên

Ước mơ đẹp của hai cô học trò nhỏ

Ông Trần Khang Thụy tâm sự, tuy là lần đầu gặp mặt nhưng ông cảm thấy thấy bé Ánh Dương thân thiết như cháu gái trong gia đình. Ông cho rằng, tuy Ánh Dương không phải là một thần đồng nhưng những lời lẽ trong trẻo của em trong lá thư khiến ai cũng bị lay động. 

Có một hành động đặc biệt trong buổi gặp mặt mà ai cũng chú ý: ông Thụy cầm ly rượu vang ra ngồi cạnh và "cụng ly" nước lọc với cô bé Ánh Dương, hai ông cháu cười tươi trò chuyện. Khi ông Thụy hỏi về ước mơ tương lai, cô bé hồn nhiên đáp: "Cháu thích học môn tiếng Việt, sau này mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người". Câu nói này khiến mọi người trong bàn tiệc bật cười sảng khoái. Ánh Dương cũng kể cô bé rất thích chơi các môn thể thao như bơi, trượt patin, cầu lông...

Là người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục nhiều năm, ông Thụy đã dành những lời khuyên bổ ích cho Ánh Dương. Ông bảo, để trở thành bác sỹ, ngoài việc học giỏi Ánh Dương cần có một tấm lòng đôn hậu. Thời gian tới, ông sẽ gửi một số tài liệu học tập bằng tiếng Anh cho Ánh Dương để em có thể mở rộng kiến thức.

Ông Trần Khang Thụy bày tỏ niềm vui gặp gỡ cùng bé Ánh Dương và cô giáo Nguyệt Anh. Ảnh: Quyên Quyên
Ông Trần Khang Thụy bày tỏ niềm vui gặp gỡ cùng bé Ánh Dương và cô giáo Nguyệt Anh. Ảnh: Quyên Quyên
Ngoài ra, tại buổi gặp ông Thụy cũng rất bất ngờ trước ước mơ của Hồng Liên, con gái út của cô giáo Nguyệt Anh. Hồng Liên thích sau này trở thành một bác sỹ tâm lý nhưng cũng thích cả trở thành nhà ngoại giao. Ông Thụy đã chỉ cho Hồng Liên mối liên hệ giữa các ngành nghề ngoại giao và tâm lý. Tại nước ngoài rất phát triển các chương trình học kỹ năng bình luận, thuyết trình trước công chúng, người ngoại giao cũng cần phải là người hiểu được tâm lý đám đông. Bên cạnh đó, ông Thụy cũng gợi mở cho Hồng Liên về con đường du học, hứa sẽ giúp đỡ thêm cho cô bé nếu đi học nước ngoài. Vì vậy, theo ông nhiệm vụ của Hồng Liên hiện tại là học giỏi tiếng Anh và luyện kỹ năng giao tiếp. 
Hồng Liên chia sẻ với phóng viên: "Em rất vui khi được tham dự buổi gặp mặt này. Trong cảm nhận của em bác Thụy là một người thân thiện và cởi mở, đã giúp em biết thêm về con đường đạt được ước mơ sau này”.
Người bạn thân thiết của ông Trần Khang Thụy, nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình sau khi biết cậu bé Nguyễn Đan Dương rất thích guitar đã quyết định biểu diễn ngay một bản nhạc mà ông đã chuẩn bị kỹ cho sự kiện ngày hôm sau. Bàn tay điêu luyện của ông Bình khi lướt trên những dây đàn và những thanh âm trong vắt đã cuốn hút không chỉ tất cả thành viên trong buổi gặp mặt, mà cả các nhân viên của nhà hàng cũng ra, tập trung một góc lắng nghe.
Nghệ sỹ guirta Nguyễn Quang Bình.
Nghệ sỹ guirta Nguyễn Quang Bình.
Cuối buổi gặp, cô giáo Đặng Nguyệt Anh nói lời cảm ơn vợ chồng ông Thụy, nghệ sĩ Nguyễn Quang Bình, thầy Hoàng Dân, cha con em Ánh Dương và phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã tham dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Cô giáo của những đề văn độc đáo cũng hứa dịp gần nhất, khi bé Ánh Dương có điều kiện về thời gian, hai cô trò sẽ vào TP.HCM như lời mời của ông Thụy. 
Ngay trong đêm, thầy giáo Hoàng Dân đã xúc động viết nên bài thơ "Những khoảnh khắc" tặng các thành viên trong buổi gặp mặt tối 17/4. 
NHỮNG KHOẢNH KHẮC
Cảm xúc từ cuộc gặp mặt với cha con cháu Ánh Dương, 
gia đình cô giáo Đặng Nguyệt Anh, 
gia đình ông Trần Khang Thuỵ và bạn bè.
Quây quần bên Ánh Dương
Có người thân và cả những người lần đầu gặp mặt
Nhưng chỉ qua ánh mắt
Tất cả đã trở nên thân thuộc một nhà
Người từ Sài Gòn ra
Người từ phương xa tới
Gặp nhau qua một bức thư
Được viết ra từ một giọng văn trong trẻo lạ lùng
Quây quần bên Ánh Dương
Là những nụ cười rạng rỡ
Cảm mến và yêu thương
Những khoảnh khắc vượt lên đời thường bề bộn
Người hỏi như tâm tình
Người trả lời nhẹ nhàng giữa nụ cười e thẹn
Tất cả hồn nhiên
Như căn cốt tình người xưa nay vẫn vậy
Giữa bề bộn đời thường
Có một góc khiêm nhường, yên tĩnh
Dành cho nhau và dành cho bé Ánh Dương
Dành cho những khoảnh khắc vượt lên thói thường
Quyên Quyên