Báo Nhật: Trung Quốc vẫn chưa thay đổi lập trường vũ khí hạt nhân

28/04/2013 07:30
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - "Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách không sử dụng trước vũ khí hạt nhân, nhưng có tính chất mơ hồ và Mỹ-Trung cần đối thoại".
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 Trung Quốc, tầm phóng 14.000 km.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 Trung Quốc, tầm phóng 14.000 km.

Ngày 22/4, tờ tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản đăng bài viết “Trung Quốc vẫn chưa thay đổi lập trường vũ khí hạt nhân”. Bài viết phản ánh quan điểm của phó giáo sư chính trị học Taylor Fravel, Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ về chính sách vũ khí hạt nhân hiện nay của Trung Quốc.

Theo bài viết, gần đây, chuyên gia hạt nhân Acton đã viết bài cho tờ “Thời báo New York” cho rằng, Trung Quốc có thể đang thay đổi nguyên tắc hạt nhân. Lý do chính mà ông đưa ra là, Sách trắng quốc phòng do Bắc Kinh công bố gần đây đã không nhắc lại cam kết Trung Quốc “tuyệt đối không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.

Tuy nhiên, nguyên tắc không sử dụng trước vẫn có trong chính sách quốc phòng Trung Quốc. Nếu từ bỏ hoặc thay đổi lập trường chính sách này, phương thức sử dụng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và hình tượng quốc tế của Trung Quốc sẽ thay đổi rất lớn. Quả thật, đúng như Acton chỉ ra, Trung Quốc lo ngại chính sách phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng những lo ngại này đã tồn tại từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Đến nay, Trung Quốc đặt trọng tâm vào xây dựng lực lượng hạt nhân nhỏ nhưng mạnh, có thể phát động đáp trả tin cậy khi bị vũ khí hạt nhân tấn công. Trung Quốc có quy mô kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ, về nguyên tắc chú trọng tính sống sót và độ tin cậy của vũ khí hạt nhân, điều này thống nhất với cam kết không sử dụng trước vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc từ bỏ hoặc thay đổi chính sách không sử dụng trước, chắc chắn sẽ gây ra hiệu ứng đe dọa rõ ràng, chứ không phải thông qua phương thức gián tiếp “tỉnh bơ” bằng báo cáo.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc

Tuy không sử dụng trước vẫn là một bộ phận trung tâm của chính sách vũ khí hạt nhân Trung Quốc, nhưng chính sách này vẫn có tính chất mơ hồ nhất định và có thể còn ngày càng tăng trưởng. Vì vậy, đúng như quan điểm của Acton, Mỹ và Trung Quốc cần thiết phải triển khai đối thoại hạt nhân, bàn về tính mơ hồ và tính chất không xác định của chính sách không sử dụng trước.
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)